Tình mẫu tử trong thơ Lê Thị Kim Bông

Cập nhật lúc 09:57, Thứ Tư, 13/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gianh lịch sử, chị cũng như bao người dân trên đất nước Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ đều chịu nhiều gian khổ, mất mát đau thương. Mẹ mất sớm và mọi biến động trong tình cảnh gia đình đã hình thành nên tính cách tự lập, sáng tạo, bao dung độ lượng và luôn nghĩ về mọi người cũng như khả năng quán xuyến trong công việc và khả năng lãnh đạo cơ quan tập thể sau này. Nét tính cách nổi bật ấy cũng hình thành trong sáng tác.

Tập thơ “Hoài niệm mẹ” đã được  Nhà xuất bản Hội Nhà văn  phát hành từ tháng 1- 2013, trong số 35 bài thơ in trong tập này đã khái quát chung về tình yêu quê hương đất nước, lòng tôn kính lãnh tụ và những hồi ức mang đậm tình mẫu tử của chị.

Lời tựa in trên trang bìa của tác giả Quang Anh đã ghi: "Không chỉ nhà thơ mới làm ta cảm động bằng lời. Đôi khi cảm xúc bất ngờ của ai đó được thốt ra cũng gây chấn động lòng ta. Đó là cảm nhận của tôi khi đọc tập "Hoài niệm mẹ” của Lê Thị Kim Bông".

 Nhìn cha khóc bên người vợ trẻ
 Lìa bầy con nhỏ dại ai nuôi
 Đắng cay cũng một kiếp người
 Cậy nhờ cô bác đầy vơi tháng ngày

Thơ của chị như nhật ký tâm hồn. Đọc tập thơ này, ta thấy hiện lên một con người trải qua khổ nạn mà trưởng thành nên luôn dành tình yêu thương cho gia đình, bạn bè và xã hội. Ta gặp ở đây một tâm hồn đa cảm bao dung và nhân hậu...”

Không có sự nuôi dưỡng, chăm sóc của mẹ là mất mát lớn cho con cái, nhất là phụ nữ, mẹ còn là chỗ dựa về mọi mặt kể cả vật chất lẫn tinh thần và cả lời ăn tiếng nói, sự chỉ bảo trong việc làm, trong ứng xử vv... Khoảng trống vắng ấy được lấp đầy khi chị là nàng dâu về sống với mẹ chồng. Mẹ chồng đã trở thành hình mẫu thân yêu quý trọng gắn bó với cuộc đời của chị.

Con mồ côi từ thuở nhỏ
Về làm dâu nhiều nỗi ngu ngơ
Mẹ cho con bao điều thánh thiện
Dẫn dắt con đi tiếp cuộc đời.

Khi khổ đau vui buồn hạnh phúc
Mẹ gánh trên vai một nửa cùng con
Với tấm lòng bao dung tha thiết
Ban cho con lòng nhân ái của người

Với chị, mẹ chồng cũng giống như bao người phụ nữ Việt Nam khác, chân chất, đôn hậu, luôn hy sinh nhường nhịn cho chồng cho con, sống cần mẫn, chịu thương chịu khó “Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn”. Chính mẹ chồng đã cho chị nhiều đức tính quý giúp chị trở thành người mẫu mực trong gia đình và xã hội. Nên khi bà thành người thiên cổ chị vẫn thương nhớ khôn nguôi:

 Mẹ đi rồi để lại nhớ thương
 Trái ngọt cho đời cùng con cháu.

 Với con như tự thuở nào
Mẹ của con vẫn vĩnh hằng mãi mãi.
Mẹ - (kính tặng mẹ chồng tôi)

Tình mẫu tử trong thơ chị là nét biểu hiện thường nhật kể cả khi con đi học xa, khi con đi lấy chồng nước người. Chị biết giấu nỗi nhớ mong ấy trong lòng: “Hôm qua con ra Hà Thành- Mẹ ngồi buồn lặng một mình nhớ con-Xa con lòng những bồn chồn- Nước mắt không chảy, chỉ tuôn giọt sầu” Nhớ con nhưng chị vẫn mong con sớm thành đạt trở thành người có ích, tránh mọi cám dỗ xấu xa: “Con đi năm tháng- nhịp cầu mẹ cha- cuộc đời đầy những phong ba- Mẹ mong con mẹ chớ sa chân vào”.

Điều khác lạ và đáng trân trọng  khi đọc những câu thơ bộc lộ nỗi lòng của bà mẹ chồng  gửi tặng cô con dâu đã ly hôn với con trai mình bằng một sự tiếc nuối  và đau xót cho sự đổ vỡ này hoàn toàn nằm ngoài khuyên bảo răn dạy của mẹ cha:

Ngày các con chia tay
Lòng mẹ đau muối sát
Mười lăm năm yêu thương
Để một ngày xa cách...

Mặc dù các con đã chia xa nhưng tình mẹ  không hề thay đổi "Đến bây giờ tình thương- Của con trong lòng mẹ- Không có gì chia sẻ – Con vẫn là dâu hiền".  Chị cũng đau xót khi nghĩ đến hậu quả do cha mẹ ly hôn để con cái phải gánh chịu nhiều mất mát, sẻ chia:

Rồi một ngày xa cách
Tình yêu rẽ hai nơi
Tội tình cho con trẻ
Ngơ ngác giữa cuộc đời

Sống với cha- thương mẹ
Về với mẹ xa cha
Tình đời chia hai ngả
Con bâng khuâng lối về
(Không ngờ - Tặng Phượng )

Tình cảm của chị dành cho các con bộc lộ nhiều khía cạnh khác nhau, mừng vui khi các cháu chào đời, sung sướng nhìn các con trưởng thành, vui lúc con về nhà mới...

Có thể nói , “Hoài niệm mẹ” là những bài thơ ghi lại tình cảm chân thành của mình đối với cha mẹ, những tiếng lòng của chị khi nghĩ và nói về các con cũng như cảm xúc của bản thân trước mọi đổi thay của quê hương đất nước, con người. 

                                                                                  Ngọc Đóa
 

,
.
.
.