Tản văn:

Lao xao chợ cá

Cập nhật lúc 10:46, Thứ Sáu, 25/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Với nhiều người, chợ cá không có gì lấy làm thú vị. Thế nhưng tôi lại rất thích khi mỗi buổi bình minh hay chiều muộn đứng trên bờ sông nơi góc chợ quê nhìn những ngư dân chuyển từng rổ cá lên bờ trong tiếng cười nói xôn xao, tiếng ngã giá mời chào, tiếng cá, tôm quẫy mình tạo nên những âm thanh tách tách.

Quê tôi-làng Thổ Ngọa có chợ Hoạ (gọi chệch từ chữ Ngọa) nằm bên một nhánh của dòng sông Gianh. Làng tôi đẹp bởi có ngọn rào nước xanh ngăn ngắt ngay trước mặt, có những rặng bần, sú vươn những chùm rễ dài bám chặt trên triền cát. Làng như giàu có hơn bởi người dân được hưởng lợi từ những  sản vật mà sông mang tới. Thuở 14-15, tôi thường theo mẹ ra chợ quê mỗi buổi sáng sớm khi màn sương đêm còn dày  đặc. Không biết từ bao giờ, chợ quê tôi thường họp sớm như thế. Góc hàng nón lấp lánh ánh đèn nhấp nhô nón trắng. Góc hàng ăn những lò than đỏ rực và mùi thơm của món cháo canh nấu cá, món bún sả thịt bò, bánh cuốn nhân tôm... cứ thế lan toả thay cho lời mời gọi của các chủ hàng. Đông vui nhất vẫn là bến thuyền chợ cá. Những con thuyền neo đậu sát bờ, từng chủ hàng thuỷ sản lần lượt chuyển hàng lên bến và ngay lập tức đã có những người mua chờ sẵn. Nhánh sông quê tôi là nơi cung cấp nhiều tôm, cá, cua và tất cả được bày bán ở chợ quê.

Từng rổ cá được chuyển lên bờ là công sức vất vả suốt cả một đêm của những người sống bằng nghề chài lưới. Tất cả đều tươi rói. Những chú cá cong mình như muốn nhảy ra khỏi thúng còn tôm thì tinh nghịch bắn những giọt nước bé tí lên không trung. Tuy không phải là sông lớn-nơi có nhiều loại hải sản quý hiếm nhưng sản vật sông quê làng tôi cũng hết sức phong phú, nào là cá thu, cá trích, cá nục, tôm, cua, chép chép... Người dân ở đây chủ yếu dùng phương pháp đánh bắt nhỏ lẻ và có được bao nhiêu đều cung cấp cho chợ quê vào mỗi buổi sớm mai. Vì thế, người dân quê tôi luôn được ăn các hải sản tươi rói từ sông quê. Món ăn từ hải  sản tươi sau khi được chế biến có vị thanh ngọt, đậm đà, thơm ngon và bảo đảm chất dinh dưỡng. Trong bữa ăn thường ngày của người dân quê tôi thường có món canh chua là quả chay hay dưa muối hoặc rau vườn nhà nấu với tôm, cá cơm và món cá kho "một lả" cùng dĩa cà muối. Tuy đơn giản là thế nhưng nhìn tổng thể đã đủ để cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho con người.

Chợ Đồng Hới- thành phố tôi chọn làm quê hương thứ hai cũng là  nơi bày bán đầy đủ các loại hải sản từ sông, biển Nhật Lệ. Tôi thường có những buổi chiều tà ghé bến sông  ven chợ để mua hải sản nhưng cũng không ít lần đến chợ chỉ  để xem người ta mua bán, trao đổi hàng hoá mà lòng cứ thấy vui vui. Vào những ngày được mùa hải sản, khi ánh mặt trời dần tắt, thuyền to, thuyền nhỏ, thuyền thúng ghé sát vào bờ và bao nhiêu là hải sản được chuyển lên, từ mực ống, mực nang, tôm hùm, cá, mú, cá ong, cá ngừ, ngao sò... Mắt cá trong veo, lưng cá lấp lánh những vệt trắng xanh ánh nước, tôm thi nhau quẫy, mực nang như còn ngái ngủ trong chậu nước được lấy lên từ biển. Sông, biển Nhật Lệ được biết đến là môi trường sống tuyệt vời của các loài hải sản và vì thế ở đây hầu như có đầy đủ các loại hải sản quý được nhiều người ưa chuộng. Những loại hải sản nhỏ được cho vào thúng rồi chuyển lên bờ, còn những loại cá lớn thì người bán cũng như người mua đều dùng đôi tay của mình để bưng bê một cách cẩn thận làm sao để cá không bị trầy xước, bảo đảm tươi nguyên phục vụ chợ chiều.

Chủ hàng cá vội vã giao hàng để kịp ra khơi bắt đầu một ngày lao động mới. Người mua cũng tranh thủ ngã giá, có khi thành quen thì cứ thế cân đong rồi trả tiền luôn để kịp cho hàng vào chợ, nơi không ít khách mua  đã đợi sẵn. Chợ cá nằm bên sông Nhật Lệ đón ngọn nồm mát rượi từ sông biển nên trong những ngày hè nóng nực, người mua vẫn thoải mái dạo chợ để chọn những thứ  cần mua, còn người bán thì cứ thản nhiên cởi mở nên với nhiều người đi chợ trở thành một thú vui. Tôi vẫn thường nghe nghệ sĩ ưu tú Thuỳ Linh, giọng ca vàng của Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh hát như một lời mời ngọt ngào  mà có sức hút lạ rằng: "Em vít cong cần rớ. Vớt  cá tươi lên bờ. Bao nhiêu tiền một mớ. Em bán tôi mua cho. Chừ tôi về Đồng Hới. Cá còn tươi đến thẩn thờ. Em xa rồi còn nhớ, chàng trai mua cá ngày xưa..." (ngạn ngữ sông quê). Câu ca mộc mạc, giọng hát của Thuỳ Linh cũng không cần trau chuốt nhiều bởi hình như chị được sinh ra là để hát những ca khúc mang âm hưởng dân ca. Và khi được hát về quê mình, về chợ Đồng Hới, từng câu hát cứ thế vút lên:

Không ít người ngạc nhiên khi tôi nói rằng chợ cá cũng là nơi đầy thi vị. Tôi tin rằng nếu bạn dành một chút thời gian đủ để thu vào tầm mắt cảnh mua, bán ở một chợ quê hay chợ phố ven sông nơi mảnh đất đầy nắng và gió này, bạn sẽ hiểu vì sao nhiều xem việc đi chợ, dạo chợ là một thú vui. Nơi đó, có khi bạn bị cuốn hút bởi sự tươi nguyên đến "thẫn  thờ" của hải sản sông nước quê nhà và cả cảnh mua bán tấp tập, tiếng cười giòn tan, ngọn nồm lồng lộng... Tất cả, rồi sẽ níu chân ai đó như lời bài hát của nhạc sĩ An Thuyên "Tiếc cái duyên em Nhật Lệ. Tôi giờ mong là ngày xưa. Cứ đứng yên với Nhật Lệ. Mua được cá em tôi mới về" (Ngạn ngữ sông quê).

                                                                                          M.H

,
.
.
.