Nhà thơ Phùng Quán từng tiếp tế cho cụ Võ Quang Nghiêm trong nhà lao Thừa Phủ?

Cập nhật lúc 12:32, Thứ Sáu, 17/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong thời gian làm việc với  ông Vĩnh Mẫn (Phan Thắng), cựu Trưởng ban tuyên giáo D125, tức Đoàn tàu không số. Tôi rất thích thú khi đọc được một tài liệu liên quan đến việc ở tù của cụ Võ Quang Nghiêm, thân sinh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đó là việc nhà văn Phùng Quán, năm 1947 hàng ngày đã tìm cách tiếp tế xúp, cháo cho cụ Võ Quang Nghiêm trong  nhà lao Thừa Phủ.

Nhà thơ Phùng Quán năm 1954.
Nhà thơ Phùng Quán năm 1954.
Ai cũng biết, cụ Võ Quang Nghiêm bị quân Pháp bắt tháng 5-1947 tại làng An Xá, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy. Chúng bắt cụ với mưu mô sử dụng cụ để tìm tung tích và làm lung lạc tinh thần của con trai là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng đang làm cho quân Pháp thất điên bát đảo trên chiến trường. Chúng bắt cụ đưa về nhà lao Đồng Hới rồi chuyển vào nhà lao Thừa Phủ  ở Huế.

Trong lao tù bọn mật thám đánh đập cụ rất dã man. Các câu hỏi của chúng quanh đi quẩn lại chỉ là: "Hiện nay tên Giáp có liên lạc với mày không? Nó đang ở đâu?". Cụ Võ Quang Nghiêm nén cơn giận, bình tĩnh trả lời chúng: "Con tôi tự đi làm cách mạng. Hiện nó đang ở đâu, các ông biết rõ hơn tôi...". Không moi được tin tức gì, chúng giận dữ trói giật cánh khuỷu, dẫn đi trên đường phố Huế để thị uy mọi người và tiếp tục lung lạc tinh thần cụ.

Trước tinh thần bất khuất kiên trung của cụ, chúng đã đưa cụ nhốt vào "Ca sô âm phủ", nơi giam hãm tù chính trị nguy hiểm. Mỗi ca-sô chỉ đủ chỗ cho một người nằm co, nằm thẳng chân không được. Biệt giam này vừa chật chội, hôi hám, vừa tăm tối. Vì thế, chỉ thời gian ngắn, cụ ốm nặng. Trước sự đấu tranh quyết liệt của các tù nhân, chúng buộc lòng phải chuyển cụ sang Bệnh viện Huế để cứu chữa. Rồi cụ mất tích ở đây. Không ai biết xác của cụ  Nghiêm chôn ở đâu.

Chúng tôi được biết, thời chung tỉnh Bình Trị Thiên, một chuyên ban điều tra tìm mộ của Võ Quang Nghiêm được thành lập do Đại tá Thái Bá Nhiệm, Chính ủy Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị  Thiên là Trưởng ban. Sau thời gian tìm hiểu, ban điều tra đã tiếp cận được với cụ Đồng ở xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc và cụ Thiều, cụ Xuân ở xã Thủy Trường, thành phố Huế. Họ là những người phụ trách công việc chôn cất tử thi trong Bệnh viện Huế trước đây. Những nhân chứng này cho biết: Một ngày giữa trưa tháng 6-1949, cụ Võ Quang Nghiêm đã trút hơi thở cuối cùng (Có ý kiến cho rằng, cụ Võ Quang Nghiêm mất  tháng 9-1947, vì cuối năm 1948, anh Vũ Xuân Chiêu, lúc đó là Bí thư Thị ủy Thuận Hóa đã báo ra cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chiến khu Việt Bắc. Không biết thông tin nào chính xác hơn).

Bọn Pháp đưa cụ vào nhà xác nằm chung với những người chết không thân nhân. Biết cụ Võ Quang Nghiêm là thân nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nên những người chôn cất đã nghĩ cách ghi nhớ đặc biệt khi tiến hành công việc. Tất cả mong một ngày nào đó sẽ có dịp báo lại với gia đình người đã khuất. Những người trực tiếp khâm liệm cụ cho biết: Cụ Võ Quang Nghiêm có hàm răng đen (có thể khi còn sống cụ đã nhuộm chăng?), tứ chi dài và to. Họ đã bí mật đặt cụ trong một quan tài gỗ, trong lúc nhiều tử thi khác thì chỉ chôn bằng chiếu hoặc vải xô. Địa điểm chôn cất cụ Võ Quang Nghiêm thuộc nghĩa địa xã Trường Thủy, thành phố Huế.

Các cụ còn cho biết mộ cụ Võ Quang Nghiêm đặt chếch về phía núi Kim Phụng, phía ngoài cùng, trong một dãy gồm bốn mộ.  Sau đó, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên đã tiến hành thành lập hội đồng khai quật và xác minh mộ cụ Võ Quang Nghiêm.  Tập thể hội đồng và những người có mặt vô cùng xúc động và vui mừng khi tìm thấy hài cốt cụ Võ Quang Nghiêm ở ngôi mộ số 1 đúng như đặc điểm những lời nhân chứng kể lại. Sau đó, một chuyến xe đò mang vòng hoa tưởng niệm đưa ngay hài cốt cụ Võ Quang Nghiêm từ Huế về Lệ Thủy (Quảng Bình).  Cụ được mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện ở xã Mai Thủy.

Chuyện bất ngờ là thời gian cụ Võ Quang Nghiêm bị giam trong  ca sô nhà lao Thừa Phủ đó, thì một số trinh sát thiếu niên của "Giải phóng quân Huế", trong đó có Phùng Quán cũng bị bắt vào đó. Ông Vĩnh Mẫn đưa cho tôi đọc tài liệu viết tay dày tới 17 trang vở học trò của Nguyễn Đình Dánh, 82 tuổi, trung tá, cựu Trưởng ban tham mưu Trường sĩ quan Phòng không-Không quân,  một  người bạn của Phùng Quán và Vĩnh Mẫn, hiện đang ở Nha Trang ghi lại ký ức những ngày chiến đấu đó. Xin phép anh  Nguyễn Đình Dánh, tôi xin ghi lại đây  những dòng  ký ức của anh: "Đêm 26-3-1947, trong trận đánh vào đồn Hộ Thành trong Thành Nội (trường Nguyễn Huệ, Huế bây giờ), tôi bị bắt ở phía ngoài đồn.

Trong người không có vũ khí nên ba ngày sau được chúng thả. Vừa ra đến ngã tư An Giang đã thấy Quán đứng đó. Quán bảo: - "Em chờ anh mấy ngày nay, em đến nắm  kết quả trận đánh  thì biết anh bị bắt. Anh Hiền (Trần Chí Hiền, chỉ huy một cánh quân Việt Minh tại Huế năm 1946, sau này là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, đã mất) bảo anh ở lại trong thành cùng các anh chị  đã về trước, hoạt động hợp pháp.... Chiều hôm sau, Quán dẫn tôi đi gặp Đồng (quân báo của Khu) ở xóm Đất Mới.

Tuần sau lại đến khu chợ Vĩ Dạ .Tôi gặp anh ta thật ngại. Cái anh này toàn ở trong nhà  đĩ. Tôi nói với Quán: "Xem ra anh này không phải người đáng tin. Quán ra báo cáo với các anh ở ngoài đó (chiến khu) đi...". Mười ngày sau tôi không gặp được Quán. Cuối tháng 4 năm 1947, tôi  bị tên Thêm, Thanh tra mật thám Liên bang (súreté fesdérale) bắt, tống vào Lao Thừa Phủ. Lạ thay, Phùng Quán đã vào đó trước tôi.

Sau này mới biết chính tên Đồng (gọi là Đồng đen) chạy theo giặc. Có lẽ vì vậy nên hai đứa chúng tôi mới lần lượt vào tù. Cơm tù  ngày chỉ hai vắt cơm nắm nhão nhoẹt ăn với muối. Thầu cơm tù là một mụ "đầm" vợ tên chúa ngục người Pháp. Quán còn nhỏ (mới 15 tuổi) nên trong ba tháng ở tù, xin được ra nhà bếp làm công việc giúp đưa cơm vào cho người tù. Tên Thông, người bên Xứ đạo Phủ Cam, chỉ huy bọn lính canh đồng ý. Từ đó, mỗi lần từ bếp vào các gian tù, Quán lấy cơm cháy (nhà bếp bỏ đi), chịu nóng, chịu bỏng quấn quanh bụng, quanh bắp vế, rồi nắm lại từng phần khi đưa cơm vào xà lim, vào ca-sô, cho thêm anh em tù đang bị giam, đang rất đói khát  đêm ngày trong đó. Tôi cũng được Phùng Quán "cho" cơm cháy nhiều lần.

Tháng 6- 1947, trong lao anh em đồn nhau cụ Võ Quang Nghiêm, thân phụ  ông Võ Nguyên Giáp bị bắt ở Quảng Bình đưa vào  Lao Thừa Phủ giam vào ca-sô. Quán dò  biết được ca-sô cụ nằm. Biết cụ đã già, đưa cơm cháy  vào chắc cụ  nhai không được. Quán thường làm công việc nhận xúp, cháo của những người đi thăm nuôi tù để đưa vào cho người thân. Mỗi buổi sáng, trước cổng nhà lao, dù trời mưa hay nắng, trong số những người đi thăm nuôi tù, thường thấy một nữ sinh xinh xắn đến gửi quà cho người thân và đồng đội. Đó là cô gái từng là chiến sĩ giải phóng quân Việt Minh Huế đang hoạt động nội thành  tên là Nguyễn Phước Ngọc Toản, là người  chuyên đưa quà cháo, cơm cho các chiến sĩ Việt Minh bị tù. Từ cô chiến sĩ này, Phùng Quán đã nhiều lần nhận cháo xúp, lén khi đưa cơm, để đưa vào ca-sô tiếp tế  cho cụ Võ Quang Nghiêm. Mỗi lần tiếp tế cháo  cho cụ Võ  xong, đến chỗ giam của tôi để đưa cơm, Quán lại thì thào thông báo...".

Ông Vĩnh Mẫn, một người bạn thân của anh Nguyễn Đình Dánh và Phùng Quán, khẳng định với tôi đây là sự thật, vì khi được tha tù, Phùng Quán đã kể chuyện này cho anh em nghe nhiều lần ở chiến khu Hòa Mỹ. Chỉ không biết Phùng Quán đã tiếp tế  cháo cho cụ Võ Quang Nghiêm bao nhiêu lần trong ba tháng làm chân đưa cơm cho tù nhân trong lao Thừa Phủ năm 1947 ấy?

                                                                                                      Ngô Minh





,
.
.
.