Phường hát Bắc Nghĩa

Cập nhật lúc 10:31, Thứ Tư, 21/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Là một phường của thành phố Đồng Hới nhưng nếp nghĩ, nếp sống và những nét sinh hoạt văn hóa ở Bắc Nghĩa lại giống như một vùng quê thuần nông thực thụ. Vùng quê nửa phố - nửa làng này vẫn còn  nặng nợ với truyền thống văn hóa dân gian. Nguồn mạch văn hoá dân gian ở Bắc Nghĩa như một dòng chảy vô tận nối quá khứ với hiện tại và tương lai.

Ở đây có những con người ngày ngày vẫn cần mẫn đi gom nhặt, sưu tầm lại những làn điệu dân ca, những tích tuồng cổ câu còn, câu mất đang lưu truyền, tản mát đâu đây, những mong làm sống lại phong trào văn hoá văn nghệ sôi nổi một thời.

Phía tây tiếp giáp với chân dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, Nghĩa Ninh - Bắc Nghĩa từng nổi tiếng là một vùng đất sơn thuỷ hữu tình với nhiều núi, đồi, ao, hồ, sông, suối... Chính cảnh sắc hữu tình và lòng người yêu  say lao động, cư dân nơi đây đã hình thành một đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, nhất là phong trào diễn các tích tuồng cổ và hát các làn điệu dân ca. Cứ sau những vụ gặt – khi công việc đồng áng thảnh thơi, trai gái các xóm, các làng ở Nghĩa Ninh – Bắc Nghĩa lại hội nhau hò hát. Những đêm trăng giã gạo, những dịp hội hè, lễ, tết ở Nghĩa Ninh - Bắc Nghĩa lại trở thành những điểm sinh hoạt văn nghệ dân gian, để nam nữ thanh niên và cả những bậc cao niên ai cũng say sưa trình diễn những làn điệu sắc bùa, hò khoan,  hò Huế, dân ca Bình Trị Thiên, hò Thanh Hóa, hát vè, hò lỉa gỗ và diễn cả những tích tuồng cổ có giá trí giáo dục làm người... Chính những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng, những tích tuồng cổ có giá trị nhân văn trở thành nguồn động viên, cỗ vũ để người Nghĩa Ninh – Bắc Nghĩa đoàn kết, đồng sức, đồng long vượt qua những khó khăn, bất trắc trong cuộc sống, dựng xây dựng quê hương ngày càng trù phú, ấm no.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cũng như nhiều trọng điểm ác liệt khác ở Quảng Bình, Nghĩa Ninh – Bắc Nghĩa cũng từng phải gánh chịu sự tàn phá ác liệt, nặng nề của đạn bom. Nhưng nhờ có phong trào “Tiếng hát, át tiếng bom”, “Tiếng loa hòa tiếng súng”,  những làn điệu dân ca, những tích tuồng cổ Trưng Trắc, Trưng Nhị, Phạm Công, Cúc Hoa, Phạm Tải, Ngọc Hoa, Thoại Khanh, Châu Tuấn, Sơn Hậu... đã giúp người Nghĩa Ninh – Bắc Nghĩa vượt lên những mất mát, đau thương, vững vàng “tay cày, tay súng” sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, góp phần vào những chiến công chung của cả dân tộc. Trong những tháng năm ác liệt đó, nhiều đội văn nghệ của người Nghĩa Ninh – Bắc Nghĩa cũng đã đến những trọng điểm ác liệt trên địa bàn huyện Quảng Ninh như phà Quán Hàu, bến phà 2 Trúc Ly, vùng Bàu Đưng, Vực Quành, phà Long Đại... để biểu diễn, phục vụ, động viên bộ đội đánh Mỹ...

Tiếp tục phát huy truyền thống văn hoá đã hình thành và phát triển từ lâu,  sau ngày thành lập, cấp ủy, chính quyền phường Bắc Nghĩa đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ và động viên cán bộ, nhân dân quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng và phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ.  Phong trào xã hội hoá các hoạt động văn hoá văn nghệ ở Bắc Nghĩa ngày càng phát triển. Đến nay toàn phường có 23 đội văn nghệ. Năm 2005, phường Bắc Nghĩa cũng đã thành lập được câu lạc bộ đàn hát dân ca với 11 thành viên và  thu hút 15 cộng tác viên tham gia. Thành viên các đội văn nghệ quần chúng ở Bắc Nghĩa chủ yếu là những người đam mê văn hoá, văn nghệ và rất tâm huyết với phong trào. Các đội văn nghệ của phường đã giành được nhiều giải cao trong các hội thi hát dân ca do các cấp, các ngành tổ chức.

Nhắc đến phong trào văn nghệ ở Bắc Nghĩa không thể không nhắc đến hai vợ chồng ông bà Đoàn Hữu Bang và Hoàng Thị Lài năm nay đã ngoài 70 tuổi, những người có công lớn trong việc sưu tầm, phục dựng lại các tích tuồng cổ đang có nguy cơ bị mai một. Do những năm chiến tranh văn bản bị thất lạc, nên hiện nay nhiều vở tuồng cổ ở Bắc Nghĩa đã không còn, nhưng  tâm huyết với loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của dân tộc, bằng trí nhớ của mình, vợ chồng ông Bang, bà Lại đã chép tay lại được toàn bộ vở Thoại Khanh, Châu Tuấn, gồm 5 màn. Để có được những phục trang, đạo cụ trình diễn các tích đoạn vở tuồng này, vợ chồng bà Lài, ông Bang đã tự bỏ tiền túi ra hàng triệu đồng mua sắm. Tuy tuổi đã cao, giọng không còn khỏe như lúc thanh niên, nhưng cứ mỗi dịp được lên sân khấu, vợ vào vai Thoại Khanh, chồng vào vai Châu Tuấn, được khoác trên mình bộ phục trang do chính mình tự đặt may, bà Lài, ông Bang lại trình diễn say sưa và hết mình. Bởi vì chính tuồng cổ là một phần không thể thiếu của họ suốt mấy chục năm nay.

Ngoài việc phục dựng và lưu truyền những tích tuồng cổ, các thành viên trong Câu lạc bộ đàn hát dân ca ở Bắc Nghĩa còn sáng tác được nhiều lời mới trong các tích tuồng để tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng và thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Ví dụ, để động viên thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc, người Bắc Nghĩa đã sáng tác lời mới trong tích Lý Công, Ngọc Kim. Sau đây là lời của Ngọc Kim dặn dò trước khi Lý Công ra trận: “Muối trăm năm mặn vẫn còn mặn/Gừng có cay, chín tháng vẫn còn cay/Xa nhau đến nỗi vạn ngày/Tình chồng nghĩa vợ không thay đổi lòng”. Còn đây là lời của Lý Công trước lúc từ biệt Ngọc Kim: “Ngọc Kim em ơi mười năm qua/Lời người ta giữ/Mười năm nét chữ còn ghi/Tình kia chớ lỗi hẹn thề/Thương nhau, ta quyết trở về cùng nhau”.

Mê hát dân ca, hát hay cả những làn điệu dân ca các vùng miền khác nhau trong tỉnh và trong cả nước, nên người Bắc Nghĩa hát hò khoan Lệ Thủy cũng hay không kém. Là phụ nữ, ở Bắc Nghĩa dường như không ai không biết hát hò khoan. Sau đây là lời một điệu hát hò khoan kể về công ơn trời bể của người mẹ đối với những đứa con của mình: “Mớm cá, nhai cơm là công ơn của mẹ/Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn/Con ăn, con ngủ mẹ đỡ băn khoăn/Khi con trở trời, hơn gió, mẹ lại băng khoăn, muộn phiền...”
Cùng với những nỗ lực, cố gắng trong việc sưu tầm, phục dựng các tích tuồng cổ, việc sáng tác các lời hò khoan, dân ca Bình Trị Thiên, hét vè, hò lỉa gỗ... mới phục vụ cho nhiệm vụ chính trị cũng được các đội văn nghệ quần chúng và Câu lạc bộ đàn hát dân ca phường Bắc Nghĩa chú trọng, thu được nhiều kết quả.

So với nhiều xã, phường khác ở Đồng Hới thì Bắc Nghĩa vẫn chưa giàu có, nhưng vùng quê sơn thủy hữu tình, thanh bình, yên ả này lại có phong trào văn hoá văn nghệ phát triển, con người nơi đây luôn lạc quan, yêu đời và vui say lao động. Đó chính là nguồn động viên, cỗ vũ tinh thần quan trọng để người Bắc Nghĩa vươn lên xây dựng quê hương ngày một đẹp giàu.

                                                                                     Trương Văn Hà







,
.
.
.