.

Hội thảo định hướng phát triển kinh tế trang trại tỉnh giai đoạn 2017-2022

Chủ Nhật, 16/04/2017, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tổ chức Hội thảo định hướng phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017- 2022. Dự Hội thảo có đại diện các nhà khoa học của Trường Đại học Nông - Lâm Huế, Trường đại học Quảng Bình, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và chủ trang trại, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Theo báo cáo đề dẫn, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng trang trại, tỉnh Quảng Bình có số lượng trang trại ngày càng tăng nhanh với nhiều thành phần tham gia, chất lượng và giá trị ngày càng được chú trọng.

Tính đến ngày 31-12-2016, toàn tỉnh có 714 trang trại với 287 trang trại được cấp giấy chứng nhận, đạt 40,2%; sử dụng có hiệu quả gần 3.800 ha đất nông lâm nghiệp và thủy sản; tạo thêm việc làm thường xuyên cho gần 2.200 người và 2.000 lao động thời vụ ở nông thôn. Tổng giá trị thu từ trang trại năm 2016 đạt trên 775 tỷ đồng, chiếm 6,34% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh, đạt bình quân trên 1 tỷ đồng/trang trại; tổng thu bình quân của trang trại đạt gần 205 triệu đồng/1ha đất, cao gấp gần 3 lần so với sản xuất của hộ dân.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận chỉ ra những tồn tại trong phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, như: quy mô trang trại còn nhỏ, chưa có các mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến bảo quản; nhiều trang trại thiếu vốn đầu tư, chưa đủ sức đầu tư theo chiều sâu, phát triển theo phong trào nên tiềm ẩn nhiều rủi ro; các trang trại thiếu thông tin về thị trường, vốn vay và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương...

Thông qua hội thảo, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lý về định hướng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2022; ý kiến của một số chủ doanh nghiệp, chủ trang trại về hướng phát triển sản xuất kinh doanh của cơ sở, địa phương trong thời gian tới.

Đây là căn cứ quan trọng giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng “Đề án Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2022”, nhằm đưa kinh tế trang trại tỉnh phát triển sát thực tiễn, phù hợp với xu thế trong thời kỳ hội nhập và nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Lan