.

Ngành Tư pháp cần chủ động và tập trung hơn nữa công tác xây dựng pháp luật

Thứ Sáu, 23/12/2016, 14:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 23-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Chủ trì tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Dự hội nghị có đồng chí Trần Hải Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Năm 2016, toàn ngành Tư pháp đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Năm qua, các bộ, cơ quan đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trên 1.000 văn bản. Tại các địa phương, đã ban hành trên 4.000 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh và gần 6.000 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện. Về công tác thi hành án dân sự, đã thụ lý trên 836.000 việc, đã thi hành xong 530.428 việc, đạt tỷ lệ 78,53%. Công tác hành chính tư pháp, nhất là áp dụng thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp sổ định danh cá nhân, gắn với triển khai Luật Hộ tịch, bước đầu đạt hiệu  quả…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật còn chưa phù hợp với thực tiễn, tính khả thi chưa cao, trùng lặp, chồng chéo; công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa thực sự gắn với trọng tâm về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; trong thi hành án dân sự, số việc và số tiền có điều kiện chưa thi hành xong chuyển kỳ sau còn nhiều, vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án dân sự có chiều hướng gia tăng.

Hội nghị đã thảo luận về những khó khăn, tồn tại trong công tác tư pháp thời gian qua, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như: củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan tư pháp, pháp chế từ Trung ương đến địa phương; triển khai có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả đề án “Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2020”; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; triển khai có hiệu quả chương trình hành động Quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2016-2024; hoàn thành các chỉ tiêu về thi hành án dân sự; tham mưu giúp Chính phủ kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả, tiến bộ mà ngành Tư pháp đạt được trong thời gian qua.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí nhấn mạnh, ngành Tư pháp cần chủ động và tập trung hơn nữa công tác xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thực hiện có hiệu quả; chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để thể chế hóa, đầy đủ, kịp thời, đổi mới đúng tinh thần nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tập trung rà soát, đề xuất, hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư kinh doanh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là cần chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, tính minh bạch; Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp cả nước cần chủ động tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp về các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như trong quá trình chỉ đạo điều hành; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính các lĩnh vực, công tác liên quan đến người dân, doanh nghiệp mà ngành Tư pháp đảm nhận; làm tốt chức năng thẩm định và tham mưu cho Chính phủ, chính quyền địa phương các khía cạnh pháp lý để hạn chế rủi ro trong thương mại quốc tế; đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tái cơ cấu lại nội bộ ngành Tư pháp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, lề lối làm việc trong thi hành án dân sự…

Ngọc Hải