.

Luật Báo chí là hành lang pháp lý quan trọng, phù hợp với thực tiễn đời sống báo chí

Thứ Hai, 07/11/2016, 15:49 [GMT+7]
(QBĐT) - Chiều 7-11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức hội nghị phổ biến Luật Báo chí năm 2016 cho các cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên các cơ quan báo chí, Sở Thông tin-Truyền thông các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra). Tham dự có đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông; đại diện lãnh đạo Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông; Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương...
Quang cảnh hội nghị.
Các đại biểu tiếp thu Luật Báo chí năm 2016.
Ngày 19-4-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký Lệnh số 03/2016/L-CTN công bố Luật Báo chí. Theo đó, Luật Báo chí gồm có 6 chương, 61 điều quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý Nhà nước về báo chí.
 
Đối tượng áp dụng của Luật Báo chí là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí tại nước CHXHCN Việt Nam.
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông nhấn mạnh, Luật Báo chí mới là hành lang pháp lý quan trọng với nhiều quy định tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống báo chí và công tác báo chí, mang tính thời đại, xây dựng một nền tảng vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo chí trong giai đoạn tới. Tất cả những vấn đề này đều được thể hiện trong các quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; đối tượng thành lập cơ quan báo chí; quyền tác nghiệp của báo chí; quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo; hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí...
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Báo chí. Luật Báo chí được thông qua ngày 5-4 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.
 
Nguyễn Hoàng