.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng trừ rầy hại lúa và hoạt động kiểm dịch động vật

Thứ Sáu, 06/05/2016, 09:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều 5-5, đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng trừ rầy hại lúa đông xuân 2015-2016 ở huyện Lệ Thủy và hoạt động của Trạm Kiểm dịch động vật Nam Quảng Bình. Cùng đi còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT và UBND huyện Lệ Thủy.

Đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực tế tại đồng rộng xã Hồng Thủy (Lệ Thủy)
Đồng chí Trần Tiến Dũng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực tế tại đồng ruộng xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy).

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, đến thời điểm này, toàn tỉnh có diện tích lúa nhiễm rầy khoảng 5.522ha, trong đó huyện Lệ Thủy là địa phương có diện tích nhiễm nặng nhất. Cụ thể, toàn huyện có trên 2.300ha lúa bị nhiễm rầy, tập trung chủ yếu ở các xã Thanh Thủy, Hồng Thủy, Lộc Thủy… Đây là rầy lứa 4-trưởng thành, mật độ phổ biến từ 1.000 con-1.500 con/m2, có nơi cao từ 7.000-10.000 con/m2. Diện tích rầy mật độ cao có nguy cơ cháy tại huyện Lệ Thủy là 550ha. Dự báo trong thời gian tới, rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục bùng phát gây hại nặng trên diện rộng, đặc biệt là Lệ Thủy.

Hiện tại, huyện Lệ Thủy đã tập trung các lực lượng xuống cơ sở cùng với HTX tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp diệt rầy, đồng thời tích cực chỉ đạo bà con nông dân các địa phương bị thiệt hại triển khai phòng trừ đồng loạt. Tuy nhiên, tình hình rầy hại lúa đông xuân trên địa bàn huyện vẫn diễn biến phức tạp.

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại đồng rộng xã Hồng Thủy, Thanh Thủy và nghe lãnh đạo huyện báo cáo diễn biến tình hình bệnh rầy hại lúa, cùng công tác phun phòng trừ, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện và lãnh đạo các xã cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để phun thuốc, tuyệt đối không lơ là chủ quan; có biện pháp phòng trừ kịp thời tránh để rầy hại lúa lây lan trên diện rộng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và năng suất lúa đông xuân. Cùng với đó, các HTX dịch vụ nông nghiệp tăng cường các điểm bán thuốc bảo vệ thực vật chất lượng kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc và phun thuốc đúng kỹ thuật.

Tiếp đó, đồng chí Trần Tiến Dũng đã đến kiểm tra hoạt động của Trạm kiểm dịch động vật Nam Quảng Bình, đóng trên địa bàn xã Sen Thủy (huyện Lệ Thủy). Hiện nay, một số địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Trị là địa phương giáp ranh với tỉnh ta đã phát hiện một số đàn lợn bị mắc bệnh tai xanh.Trước tình hình đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục Thú y triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn không cho dịch bệnh tai xanh lây lan qua địa bàn tỉnh, trong đó nhấn mạnh công tác phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm phải theo phương châm “phòng là chính”.

Trạm kiểm dịch động vật Nam Quảng Bình cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xe chở động vật, các sản phẩm động vật lưu thông qua địa bàn; thực hiện đầy đủ các quy trình về kiểm tra hồ sơ thủ tục hành chính đảm bảo động vật, sản phẩm động vật có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đã được cơ quan thú ý kiểm dịch, đồng thời Trạm cũng thực hiện phun thuốc vệ sinh tiêu độc khử trùng theo quy định…

N.L