.

Công tác dân số năm 2018 và những thách thức

.
08:56, Thứ Năm, 18/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm qua, công tác dân số - KHHGĐ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phần lớn người dân đã chấp nhận thực hiện quy mô gia đình ít con (2 con) để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; chất lượng dân số từng bước được cải thiện... Tuy nhiên, công tác dân số - KHHGĐ hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Năm 2017, tỷ suất sinh là 14,920/oo, giảm 0,610/oo so với năm 2016; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 13,84%, giảm 0,81%; tổng các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 41.859 người, đạt 103% kế hoạch... Bên cạnh đó, các hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ được tiếp tục duy trì thường xuyên tại các trạm y tế có đủ điều kiện; các dự án, đề án, mô hình, như: sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, tiếp tục được thực hiện ngày càng hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay, toàn quốc đã đạt được mức sinh thay thế, định hướng chuyển trọng tâm dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển. Trong khi các tỉnh, thành đã đạt mức sinh thay thế và đang tập trung nguồn lực nhằm giải quyết về cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số, tỉnh ta vẫn chưa đạt được mức sinh thay thế. Tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng mất cân đối ở một số địa phương; chất lượng dân số còn hạn chế, nhiều vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn bất cập... Bởi vậy, trong thời gian tới, đòi hỏi tỉnh ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện công tác dân số trên cả 3 lĩnh vực quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số.

Thực trạng của dân số của tỉnh ta trong những năm gần đây là mức sinh còn cao, tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có giảm nhưng chậm và chưa thật vững chắc, đang có chiều hướng gia tăng trở lại ở một số địa phương. Cụ thể, thị xã Ba Đồn, tỷ lệ con thứ 3 chiếm 20,6%, Lệ Thủy 19,9%, Tuyên Hóa 19,4%, Minh Hóa 19,3%. Số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2015 là 2,22 con tăng lên 2,35 con năm 2016 (để đạt mức sinh thay thế là bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con).

Tỷ lệ sinh con thứ 3 gia tăng mạnh ở một số địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, ven biển.
Tỷ lệ sinh con thứ 3 gia tăng mạnh ở một số địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, ven biển.

Năm 2018, tỉnh ta đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo thống kê chuyên ngành của Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thị xã, tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh năm 2017 là 108 nam/100 nữ, mặc dù có giảm so với năm 2016 nhưng vẫn cao hơn mức bình thường cho phép. Một số địa bàn đang ở mức báo động, như: TP. Đồng Hới 122 trẻ em nam/100, huyện Bố Trạch 115/100 trẻ em nữ, huyện Tuyên Hoá, Quảng Ninh 113/100. Điều này cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh ta xảy ra ở cả thành thị lẫn nông thôn, cả miền xuôi cũng như miền ngược.

Ngoài ra, việc triển khai các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng dân số ở địa phương còn rời rạc, chưa thường xuyên, kinh phí đầu tư cho các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng dân số còn hạn hẹp, chưa mở rộng được địa bàn triển khai của các mô hình, đề án. Tình trạng quan hệ tình dục sớm, có thai tuổi vị thành niên, phá thai không an toàn, ly hôn, ly thân sớm trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng. Tình trạng nam nữ thanh niên tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở một số dân tộc ít vẫn còn tồn tại, để lại những hậu quả, hệ lụy làm giảm chất lượng dân số của các thế hệ tương lai.

Tiếp tục giảm mức sinh đồng nghĩa với tiếp tục thực hiện các biện pháp KHHGĐ trong bối cảnh không còn Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - KHHGĐ, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số cắt giảm, thiếu các phương tiện tránh thai, các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ chưa kịp thời, nhất là cho nhóm đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết, trong thời gian tới, để giải quyết những thách thức trong công tác dân số - KHHGĐ, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ; thực hiện hiệu quả các hoạt động về nâng cao chất lượng dân số qua các mô hình, đề án; tập trung chỉ đạo, tuyên truyền để giảm sinh ở những địa bàn có mức sinh còn cao; đề xuất các giải pháp khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển.

Thanh Hoa

,