.

Chuyện ở trạm y tế vùng biên

Thứ Năm, 27/04/2017, 15:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Là đơn vị y tế cơ sở ở địa bàn miền núi, địa hình hiểm trở, đi lại rất khó khăn, nhưng với sự tận tâm, lòng yêu nghề và tâm huyết của những người thầy thuốc, Trạm y tế xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy đã vượt qua khó khăn, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Xã Lâm Thủy là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Lệ Thủy, trong đó  đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 91% dân số toàn xã. Địa hình của xã phức tạp, đồi núi nhiều, đường sá đi lại khó khăn, 1 số thôn, bản, như: Chút Mút, Bạch Đàn phải mất 2 ngày đi bộ theo đường rừng mới đến nơi. Vì vậy, bảo đảm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con nơi đây là nhiệm vụ rất quan trọng đối với cán bộ, y bác sĩ Trạm y tế xã Lâm Thủy.

Được đầu tư xây dựng từ năm 2010, đến nay Trạm y tế xã Lâm Thủy đã có một dãy nhà kiên cố 2 tầng gồm 8 phòng chức năng rộng rãi. Trạm có 6 cán bộ, trong đó 2 bác sỹ, 2 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng, 1 dược sỹ. Những năm qua tập thể y, bác sĩ của trạm luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2016, trạm đã khám cho hơn 1.600 lượt người, điều trị nội trú cho 42 bệnh nhân. Trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có 450 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại trạm, điều trị nội trú cho 15 trường hợp.  

Để bảo đảm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch khám chữa bệnh, lịch trực 24/24 giờ một cách nghiêm túc nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; đồng thời, trạm tăng cường lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, tư vấn sức khỏe cho người dân khi đến khám chữa bệnh.

Bà Hồ Thị Bun, bản Mới, xã Lâm Thủy cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên đến trạm y tế để được khám chữa bệnh khi đau ốm. Tại đây, các y, bác sỹ rất nhiệt tình, họ đã khám, phát thuốc và tư vấn cho tôi cách tự chăm sóc sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh. Chúng tôi rất yên tâm đến đây chữa bệnh chứ không cúng bái, trừ từ tại nhà nữa”

Tuyên truyền, tư vấn sức khỏe cho người dân tại hộ gia đình là một trong những hoạt động được Trạm y tế xã Lâm Thủy đặc biệt quan tâm.
Tuyên truyền, tư vấn sức khỏe cho người dân tại hộ gia đình là một trong những hoạt động được Trạm y tế xã Lâm Thủy đặc biệt quan tâm.

Một trong những thành công của Trạm y tế xã Lâm Thủy là đã giúp bà con dần loại bỏ hủ tục cúng bái trừ tà mỗi khi đau ốm. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cán bộ của Trạm đã bám sát địa bàn, vượt nhiều cây số đường rừng đến tận nơi, vận động bà con đến điều trị bệnh tại cơ sở y tế. Qua đó, nhận thức của người dân ở các thôn bản về bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho bản thân đã thay đổi.

Do trình độ còn nhiều hạn chế, nên tình trạng sử dụng các nguồn thực phẩm không an toàn cho sức khỏe của đồng bào Vân Kiều vẫn diễn ra hằng ngày, Trạm y tế xã Lâm Thủy đã cử cán bộ đến từng thôn bản để tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng các loại thực phẩm an toàn, ăn chín, uống sôi, không sử dụng thức ăn đã bị mốc, các loại rau rừng, nấm độc; đồng thời, Trạm vận động nhân dân dùng muối Iốt, cho trẻ đi tiêm chủng, uống vitamin A, thực hiện các biện pháp tránh thai một cách an toàn.

Việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe đã góp phần mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2016, 85% trẻ em dưới 1 tuổi của xã được tiêm đầy đủ các loại vacxin, 100% trẻ em được uống vitamin A và tẩy giun định kỳ; 100% phụ nữ mang thai đều được quản lý, theo dõi và thăm khám đủ 3 lần trong 3 thời kỳ và không có trường hợp tử vong do tai biến sản khoa. Thông qua các hình thức tuyên truyền, công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh cũng được triển khai. Nhờ vậy, trong những năm qua, địa phương không có dịch bệnh lớn xảy ra, 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh.

Là một xã có địa hình giáp với biên giới Việt – Lào, vì vậy công tác phòng chống bệnh sốt rét được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất của trạm. Năm 2016, toàn xã chỉ ghi nhận 3 trường hợp bệnh nhân sốt rét, và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét gây ra. Những tháng đầu năm 2017, xã chưa có bệnh nhân mắc sốt rét. Nhờ đó, nhận thức về phòng, chống bệnh sốt rét của người dân cũng được nâng cao, 100% bà con địa phương  đã sử dụng màn chống muỗi, người dân đi làm ăn ở nước bạn Lào được cấp thuốc phòng bệnh, đồng thời đưa vào sổ để quản lý chặt chẽ.

Anh Nguyễn Đăng Sự, Trưởng trạm y tế xã Lâm Thủy chia sẻ: “Dân ở đây rất nghèo, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, nên ý thức giữ gìn sức khỏe còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những thôn bản ở xa, vì giao thông đi lại rất khó khăn. Bên cạnh đó, bà con còn nhiều hủ tục lạc hậu trong ăn uống, sinh hoạt, nên rất dễ bị bệnh. Vì vậy, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe là rất quan trọng. Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này một cách đồng bộ, lồng ghép vào các hoạt động khám chữa bệnh, cử các cán bộ bám sát địa bàn, phân công cụ thể công việc để tuyên truyền cho người dân”

Bên cạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại cơ sở, trong thời gian qua, Trạm y tế xã Lâm Thủy đã tích cực chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Làng Ho đẩy mạnh chương trình quân dân y kết hợp, cùng với cán bộ quân y tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người già, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi, đồng thời tổ chức giao ban hàng tháng tại trạm. Trạm cũng đã phối hợp với các trường học trên địa bàn để tổ chức khám sức khỏe định kỳ, hướng dẫn thực hiện chế biến thức ăn hợp vệ sinh và đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, nhờ vậy tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn giảm 5% so với những năm trước đây.

Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực của cả tập thể, Trạm y tế xã Lâm Thủy cũng rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành về cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại để người dân được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng.

Hoàng Loan