.

Minh Hóa: Tập trung phòng, chống các loại dịch bệnh

Thứ Tư, 07/12/2016, 10:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Đợt lũ lụt lịch sử vừa qua đã ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn huyện Minh Hóa. Đặc biệt, thời tiết nắng, mưa thất thường sẽ tạo điều kiện cho các dịch bệnh bùng phát. Nhằm bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, ngành Y tế huyện đã chủ động, tích cực vào cuộc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, ngăn ngừa không để các loại dịch bệnh phát sinh.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Minh Hóa có gần 1.500 lượt người mắc bệnh sốt rét, 2.146 ca cảm cúm thông thường, 756 ca tiêu chảy, 45 ca lỵ trực trùng, 12 ca thủy đậu, 11 ca lỵ a míp, 7 ca bệnh tay - chân - miệng.

Trước tình hình trên, Trung tâm y tế dự phòng huyện Minh Hóa đã phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện, Phòng Y tế, trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn, đội ngũ cán bộ y tế thôn bản và Trung tâm y tế dự phòng tỉnh triển khai kế hoạch ứng phó, không cho dịch bệnh lây lan bùng phát.

Cụ thể, các lực lượng đã vượt qua mọi khó khăn, băng rừng, vượt suối để đến các thôn bản tuyên truyền cho bà con ăn chín, uống sôi, đi ngủ phải mắc màn, tẩm màn; thường xuyên giữ vệ sinh nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, môi trường xung quanh để hạn chế bệnh lây lan. Đối với các dịch bệnh mùa đông liên quan đến đường hô hấp như: cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản đã được các đơn vị tuyên truyền phải ăn chín, uống sôi, mặc ấm, đeo khẩu trang khi đi ra đường. Công tác tuyên truyền được tập trung vào các đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa và các trường học.

Tẩm màn phòng chống sốt rét cho người dân.
Tẩm màn phòng chống sốt rét cho người dân.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm y tế dự phòng huyện đã phun 2 lần hóa chất phòng chống sốt rét cho 36 thôn bản ở xã Trọng Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa; tẩm 15.000 cái màn cũ, cấp 2.000 màn cái mới cho bà bà con phòng chống sốt rét; điều trị cho 1.495 trường hợp, cấp thuốc tự điều trị cho 1.280 lượt người mắc bệnh sốt rét; làm xét nghiệm 6.800 trường hợp liên quan đến sốt rét và các bệnh khác.

Nhờ những nỗ lực trên, nên bệnh sốt rét trên địa bàn đã giảm hơn so với năm trước, không có trường hợp tử vong do sốt rét, các loại dịch bệnh khác cũng được khống chế, nhanh chóng dập tắt. Ý thức chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh của bà con được nâng lên đáng kể.

Chị Hồ Thị Hằng, ở bản Tà Vờng, xã Trọng Hóa nói: “Nhờ cán bộ y tế tuyên truyền vận động nên dân bản chúng tôi đã biết vệ sinh môi trường, nhà cửa, đi ngủ phải mắc màn, giữ ấm về mùa đông, các loại dịch bệnh không còn xảy ra như trước. Nếu trường hợp nào bị mắc bệnh cũng được cán bộ y tế tận tình chăm sóc, cấp thuốc”.

Trong những đợt lũ vừa qua, có hàng nghìn nhà dân ở huyện Minh Hóa bị ngập nước, có nhà bị ngập sâu và ngâm nước dài ngày. Đó là điều kiện cho các loại bệnh như: đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, đường ruột bùng phát. Để ngăn ngừa dịch bệnh, Trung tâm y tế dự phòng huyện Minh Hóa đã về tận các vùng lũ để hướng dẫn người dân bịt giếng nước, dùng hóa chất cloramin B xử lý nước cho bà con ăn uống sinh hoạt.

Cụ thể, đơn vị đã xử lý được 199 giếng nước của bà con xã Tân Hóa, 131 giếng của xã Minh Hóa và 56 giếng ở thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa. Trong thời gian mưa lũ, mặc dù nước ngập sâu nhưng 2 trạm y tế xã Minh Hóa và Tân Hóa vẫn cử cán bộ túc trực, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đối với bệnh nhân không thể đến trạm, đã được nhân viên y tế đến tận nhà khám và điều trị.

Đến thời điểm này, tình hình các loại dịch bệnh trên địa bàn huyện Minh Hóa vẫn được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, các lực lượng y tế trên địa bàn vẫn đang tập trung xử lý vệ sinh môi trường; tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống; kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý.

Bác sỹ Lê Đình Thy, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Minh Hóa cho biết: “Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh dịch, chúng tôi chỉ đạo các địa phương tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ người dân.

Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm... Nếu xảy ra dịch bệnh, trung tâm và các cơ sở vẫn bảo đảm cơ số thuốc để xử lý trước mắt. Còn trường hợp phức tạp, lâu dài hơn, chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên để tăng cường nguồn thuốc”.

Mặc dù điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phòng chống các loại dịch bệnh trên địa bàn huyện Minh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với phương châm phòng là chính, các lực lương y tế trên địa bàn vẫn đang rất nỗ lực khống chế, không để các loại dịch bệnh xảy ra.

X.V