.

Vì một môi trường làm việc không khói thuốc

Thứ Năm, 22/09/2016, 14:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại lớp tập huấn về tác hại thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được tổ chức vừa qua cho cán bộ công an, thanh tra và cán bộ chủ chốt của các xã, phường, thị trấn, một trong những nội dung được các học viên quan tâm là việc xây dựng một môi trường làm việc không khói thuốc.

Trao đổi với các học viên, bác sỹ Nguyễn Huy Bổng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh thẳng thắn khẳng định: Mặc dù đã có nhiều điều luật quy định rõ về việc phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng đến nay, tình trạng hút thuốc tại nơi công cộng, các công sở làm việc vẫn diễn ra thường xuyên. Nếu công tác tuyên truyền không sâu sát thực tế thì vấn nạn hút thuốc lá sẽ ngày càng đe dọa sức khỏe và đời sống của cộng đồng.

Tập huấn về Luật phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ thanh tra, công an và cán bộ chủ chốt các xã, phường.
Tập huấn về Luật phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ thanh tra, công an và cán bộ chủ chốt các xã, phường.

Theo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, nơi làm việc không khói thuốc lá là nơi không có hành vi hút thuốc lá tại các khu vực trong nhà và không có hiện tượng quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá trong toàn bộ khuôn viên cơ quan, đơn vị.

Các tiêu chí để đánh giá nơi làm việc không thuốc lá bao gồm: có niêm yết quy định cấm hút thuốc lá tại nơi có nhiều người qua lại trong cơ quan; có treo biển báo cấm hút thuốc lá trong phòng họp, phòng làm việc, phòng ăn, hành lang, cầu thang và các khu vực công cộng khác trong cơ quan có quy định cấm hút thuốc lá; biển báo cấm hút thuốc cần rõ ràng, được treo hoặc đặt ở những vị trí dễ quan sát; có kế hoạch hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá; có tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá; không có hiện tượng mua bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá trong khuôn viên cơ quan; không có các vật dụng liên quan đến việc hút thuốc như gạt tàn, bật lửa trong phòng họp, phòng làm việc; không nhận sự hỗ trợ hoặc tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của các công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào; đưa nội dung không hút thuốc lá vào tiêu chí thi đua của cán bộ, công chức; không có hiện tượng hút thuốc, đầu mẩu thuốc lá tại các khu vực cấm hút thuốc của cơ quan, đơn vị.

Để có thể xây dựng được một môi trường làm việc không khói thuốc, theo bác sỹ Nguyễn Huy Bổng thì Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đã quy định rõ một trong các bước triển khai quan trọng là giám sát và đánh giá việc thực hiện quy định.

Trước hết, muốn đánh giá một cơ quan, đơn vị có môi trường làm việc không khói thuốc theo đúng quy định thì phải làm rõ một số điều như: đơn vị đó có hệ thống biển báo cấm hút thuốc, nội quy, quy định tại các phòng làm việc, hành lang của tòa nhà không? Biển báo cấm hút thuốc có gắn tại các vị trí dễ thấy không? Có gạt tàn thuốc lá và đầu mẩu thuốc lá tại nơi làm việc không? Cán bộ, nhân viên, khách đến liên hệ còn hút thuốc nơi làm việc không? Bao nhiêu trường hợp vi phạm? Những trường hợp vi phạm đó được xử lý như thế nào? Có dấu hiệu hút thuốc, có hiện tượng vi phạm không được nhắc nhở hay không? Mức độ nghiêm túc như thế nào? Có hiện tượng bán thuốc lá quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá không? Các hoạt động hỗ trợ đã được triển khai như thế nào?

Đã 3 năm kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá ra đời, những quy định về xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc cũng đã được ban hành rộng rãi, nhưng giữa ban hành luật và thực thi luật vẫn còn một khoảng cách rất lớn.

Thực tế cho thấy, tại nhiều cơ quan, đơn vị ở tỉnh ta cũng đã có các treo biển báo cấm hút thuốc ở trong phòng họp, phòng làm việc, dãy hành lang nhưng việc hút thuốc vẫn xảy ra thường xuyên. Mẩu thuốc lá vẫn vương vãi trong khuôn viên. Hiện vẫn còn một bộ phận CNVCLĐ coi nhẹ tác hại của thuốc lá, coi hút thuốc lá là một thói quen tiêu dùng bình thường.

Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt đối với người hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm hút thuốc còn khó khăn, bất cập; có một số đơn vị có đối tượng hút thuốc lá là thủ trưởng cơ quan nên việc tuyên truyền vận động của công đoàn cơ quan, đơn vị còn gặp khó khăn.

Việc cần làm hiện nay là cần đẩy mạnh công tác phòng chống tác hại thuốc lá, trong đó, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và các cơ quan chức năng; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và lợi ích của việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức ký cam kết cho CNVCLĐ đăng ký; tăng cường kiểm tra, giám sát và các chế tài xử phạt, xây dựng các điển hình tiên tiến làm gương để nhân rộng trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá trong CNVCLĐ.

P.V