.

Hướng tới kết quả bền vững trong phòng, chống HIV/AIDS

Thứ Năm, 26/05/2016, 17:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực với số lượng ca nhiễm mới giảm dần. Đặc biệt, từ năm 2012, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh cơ bản đã đạt được mục tiêu 3 giảm (giảm nhiễm mới HIV, giảm các trường hợp chuyển sang AIDS và giảm tử vong do AIDS). Tuy nhiên, kết quả này chưa thực sự bền vững khi tỷ lệ nhiễm HIV vẫn cao trong nhóm người nghiện chích ma tuý, mại dâm, ngày càng có nhiều dấu hiệu lan rộng ra cộng đồng dân cư, trong khi đó kinh phí dành cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS lại bị cắt giảm.

Nhằm giảm thiểu số người lây nhiễm HIV, thời gian qua, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh nhiều giải pháp, trong đó tập trung chủ yếu vào công tác truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống lây nhiễm HIV. Những hoạt động như tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống HIV, tăng cường tư vấn, xét nghiệm, điều trị người nhiễm HIV... được chú trọng đúng mức. Tỉnh cũng triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone,  triển khai chương trình phân phát bao cao su, bơm kim tiêm tại các địa phương và nhiều hoạt động khác. Qua đó, ý thức của người dân trong phòng bệnh và sống chung với bệnh được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao như tình hình tệ nạn mại dâm, ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, khó can thiệp và có chiều hướng tăng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng số người nhiễm HIV. Đáng lo ngại nữa là nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV như cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho các đối tượng bán dâm, nghiệm chích ma múy, điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con và các hoạt động liên quan trong phòng, chống HIV/AIDS đang bị thu hẹp và cắt giảm mạnh, trong khi nguồn tài chính của Trung ương, của tỉnh chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính. Đây là những thách thức không nhỏ đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Điều trị ARV được xem là giải pháp hữu hiệu để nâng cao sức khỏe, kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân AIDS. Việc điều trị thuốc kháng vi rút ARV nhằm ức chế sự phát triển và nhân lên của vi rút HIV trong tế bào của cơ thể người, làm giảm số lượng vi rút, giảm sự xâm nhập và phá hủy các tế bào miễn dịch của cơ thể, giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể dần hồi phục, có khả năng chống đỡ lại các tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài sự sống cho người bệnh. Đối với phụ nữ mang thai, việc điều trị dự phòng cho mẹ, cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV có hiệu quả rõ rệt, làm giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con. Việc điều trị thuốc kháng vi rút này còn giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho bạn tình và những người khác.

Trước đây, phần lớn kinh phí điều trị HIV/AIDS đều dựa vào nguồn tài trợ của các dự án, các tổ chức quốc tế và các chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS nên bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị miễn phí. Tại tỉnh ta, đa số người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS đều có cuộc sống hết sức khó khăn.

Do đó, khi nguồn kinh phí cho điều trị HIV/AIDS bị cắt giảm trong điều kiện viện phí tăng sẽ dẫn đến hệ quả không hề nhỏ đối với bệnh nhân. Nếu người bệnh không có BHYT sẽ phải tự chi trả một số tiền lớn và lâu dài cho việc khám chữa bệnh.

Các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS luôn thu hút đông đảo sự tham gia của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và học sinh, sinh viên ở các trường học trên địa bàn tỉnh.
Các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS luôn thu hút đông đảo sự tham gia của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và học sinh, sinh viên ở các trường học trên địa bàn tỉnh.

Nguồn kinh phí viện trợ bị cắt giảm, đặt ra cho tỉnh ta nhiều thách thức trong công tác phòng chống HIV/AIDS vì nếu không được bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến thiếu hụt các dịch vụ dự phòng và điều trị trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Khó khăn nữa là tình trạng  kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cộng đồng và người nhiễm HIV tự kỳ thị bản thân vẫn còn khá phổ biến dẫn đến việc tiếp cận với các dịch vụ y tế của nhiễm HIV/AIDS còn hạn chế. Ngoài ra, cán bộ chuyên trách về công tác phòng, chống HIV/AIDS tuyến huyện, xã thường thay đổi và thiếu kinh nghiệm cũng là rào cản cho việc tiếp cận tư vấn đối tượng nguy cơ cao, quản lý chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn, cũng như ảnh hưởng đến việc mở rộng chương trình điều trị và can thiệp giảm tác hại ở cộng đồng dân cư.

Để triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, thời gian tới, tỉnh ta sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tiếp tục có sự cam kết và tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành và mỗi người dân trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng, chống HIV/AIDS. Hoạt động truyền thông được xác định là nhiệm vụ then chốt nhằm  vận động người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và các đối tượng có nguy cơ cao tham gia bảo hiểm y tế để được hưởng các dịch vụ y tế trong khám, điều trị liên quan đến HIV/AIDS trong điều kiện nguồn viện trợ cắt giảm. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát dịch bệnh HIV/AIDS, mở rộng điều trị HIV/AIDS trong các trại giam và thực hiện khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho những người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS tại các cơ sở trên toàn tỉnh để thay thế dần nguồn thuốc viện trợ bị chấm dứt từ năm 2017.

Cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS là cuộc chiến bền bỉ, thường xuyên, lâu dài. Và việc thực hiện các giải pháp để duy trì kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là việc bảo đảm nguồn lực tài chính cho công tác này trong giai đoạn tới là vấn đề cấp thiết cần vào sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân nhằm hướng tới mục tiêu 90 -90 -90 của Chính phủ theo chiến lược đẩy mạnh, mở rộng điều trị để dự phòng bệnh HIV/AIDS.

Nhật Văn