.

Chuyển biến trong công tác y tế học đường ở Lệ Thủy

Thứ Hai, 23/05/2016, 10:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần là một trong những tiêu chí hàng đầu để thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho học sinh. Hiểu rõ tầm quan trọng đó, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện Lệ Thủy đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng (YTDP) huyện nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả công tác y tế học đường.

Năm học 2015-2016, huyện Lệ Thủy có 90 trường học từ bậc mầm non đến THCS với 29.246 học sinh. Trong đó, bậc mầm non có 29 điểm trường với 275 lớp học, bậc tiểu học có 32 trường với 411 lớp học, bậc THCS có 29 trường với 336 lớp học. Với số lượng học sinh lớn, ngoài việc quản lý, giảng dạy kiến thức cho các em thì vấn đề bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em rất quan trọng.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức cho học sinh, cha mẹ học sinh trong việc bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe học sinh theo hướng tiếp cận và nâng cao, Trung tâm YTDP và Phòng GD và ĐT Lệ Thủy đã đẩy mạnh triển khai các chương trình y tế trong cơ sở giáo dục, tập trung ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu. Các trường học đã xây dựng cơ bản mô hình trường học thân thiện, tích cực phòng chống tai nạn thương tích, tại nạn học đường, chăm sóc sức khỏe vị thành niên. Trong tổng số 90 trường học, có 78 trường xây dựng phòng y tế với đầy đủ các dịch vụ chăm sóc ban đầu, đạt tỷ lệ 87%; cán bộ y tế trường học được biên chế đầy đủ 100% quân số các trường.

Thực hiện chương trình phối hợp số 993/CTr-BYT- BGD và ĐT ngày 16-11-2012 giữa Bộ Y tế và Bộ GD và ĐT “Về việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2012-2020”, công tác khám sức khỏe định kỳ cho học sinh được triển khai thường xuyên, góp phần bảo đảm sức khỏe ban đầu cho các em.

Trong năm 2016, toàn huyện có 31 trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ với tổng số 10.852 học sinh được khám. Trung tâm YTDP huyện cũng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, tuyên truyền phòng chống các loại dịch bệnh ở lứa tuổi học đường, như: phòng chống sốt xuất huyết, bệnh quai bị, các bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa... Trong năm học qua, không có dịch bệnh nào xuất hiện ở học sinh; tỷ lệ các em mắc các bệnh về học đường như: cong vẹo cột sống, chăm sóc răng miệng, tật khúc xạ học đường, tai mũi họng, mắt đo... đã giảm nhiều so với những năm trước.

 Công tác khám, chữa bệnh cho học sinh tại huyện Lệ Thủy luôn được quan tâm, chú trọng.
Công tác khám, chữa bệnh cho học sinh tại huyện Lệ Thủy luôn được quan tâm, chú trọng.

Nhằm chăm sóc tốt sức khỏe cho học sinh, các trường đã thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, 34 trường bán trú trong toàn huyện đều đạt chất lượng bếp ăn tập thể an toàn. Công tác vệ sinh môi trường học đường có những tiến bộ. Trong số 90 trường đã xây dựng phong trào xanh-sạch-đẹp đều có đủ công trình vệ sinh, cống thoát nước, có nguồn nước sạch để sinh hoạt, có hệ thống xử lý rác thải và đủ nước uống cho học sinh. Công tác tiêm chủng phòng bệnh cũng được các trường triển khai thường xuyên và đạt tỷ lệ cao, trong đó các loại vắc-xin phòng bệnh như: tiêm sởi, uốn ván, tẩy giun, uống vitamin A được thực hiện hàng năm. Năm 2015 đã tiến hành tiêm vắc xin sởi-rubella miễn phí cho các em trong độ tuổi từ mầm non đến THCS; đầu năm 2016 tiếp tục tiêm cho học sinh thuộc đối tượng THPT, đạt tỷ lệ trên 95%.

Có được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cán bộ Trung tâm YTDP và Phòng GD và ĐT Lệ Thủy. Tuy nhiên, để y tế trường học Lệ Thủy có những bước phát triển hơn nữa thì sự phối hợp giữa cán bộ y tế trường, Phòng GD và ĐT, cán bộ Trung tâm YTDP huyện, đặc biệt là đội ngũ phụ huynh học sinh cần phải được tăng cường hơn, tạo niềm tin cho các em trong việc giữ gìn, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của mình.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trung tâm YTDP Lệ Thủy cho biết: “Để làm tốt công tác y tế học đường, cán bộ y tế học đường cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong học sinh; hướng dẫn các em trong việc giữ gìn vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát. Công tác kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể ở các trường bán trú, đặc biệt là mầm non cũng cần được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, phải đầu tư trang thiết bị y tế trường học cho các trường nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng khám và chăm sóc sức khỏe của các em; mở thêm các lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ y tế trường học”.

Cát Nhiên - Đức Năm