.
Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Binh chủng Đặc công (19-3-1967 - 19-3-2017):

Đặc công binh chủng anh hùng

Thứ Bảy, 18/03/2017, 11:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Bộ đội Đặc công là lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, là binh chủng chiến đấu và công tác đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đêm 18-3-1948, đội du kích Tân Uyên, tỉnh Thủ Biên đã bí mật luồn sâu vào đồn địch, dùng lựu đạn, súng trường tiêu diệt toàn bộ 10 tên địch, thu vũ khí, rút khỏi trận địa an toàn. Đây là trận đánh điển hình có tích chất “đặc công”.

Thực hiện chủ trương “chỉnh đốn quân giới” của Đảng, tháng 10-1949, Bộ Tư lệnh Khu 7 đã chỉ đạo Tỉnh đội Biên Hòa chế tạo vũ khí mới có tên “phá tường” (viết tắt là FT) để phá tường lô cốt, đánh tháp canh của địch. Đêm 21-3-1950, ở Biên Hòa, 50 tổ chiến đấu đồng loạt đánh các đồn địch ở các trục đường lộ 15, 16 và quốc lộ 1, tiêu diệt gọn lực lượng địch, thu vũ khí.

Sau trận này, Phòng Tham mưu Khu 7 đã họp để rút kinh nghiệm về cách đánh. Hội nghị đã nhất trí gọi cách đánh đặc biệt này là “công đồn đặc biệt”, gọi tắt là “đặc công”. Các chiến sĩ tham gia trận đánh này được gọi là chiến sĩ đặc công. Từ đó, cách đánh đặc công được phổ biến rộng rãi ở Nam Bộ và lan ra trong cả nước.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ đặc công đảm nhiệm đánh khu trung tâm của các mục tiêu trọng yếu, góp phần quan trọng cùng quân và dân ta làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Huấn luyện kỹ thuật đặc công vượt vật cản.
Huấn luyện kỹ thuật đặc công vượt vật cản.

Với sự trưởng thành lớn mạnh và những chiến công đặc biệt xuất sắc của bộ đội đặc công, trước yêu cầu cấp bách của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 19-3-1967, tại Trường bổ túc cán bộ dân tộc Trung ương ở xã Phùng Khoang, huyện Từ Liêm, Hà Nội, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 426, đại biểu Lữ đoàn 305,  Trung đoàn 126 Hải quân vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Đảng, Nhà nước, Quân đội đã về thăm, trực tiếp xem bộ đội đặc công trình diễn kỹ thuật, chiến thuật và dự lễ công bố chính thức thành lập Binh chủng Đặc công.

Sau khi thành lập binh chủng, Đảng ta chủ trương xây dựng và phát triển lực lượng đặc công ở cả hai miền Nam Bắc, trên cơ sở đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ; xây dựng các đơn vị đặc công cơ động, đặc công tại chỗ ở các địa bàn và đặc công biệt động chuyên tác chiến ở đô thị. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội đặc công là lực lượng mũi nhọn, tiến công sắc bén vào các cơ quan đầu não, cơ sở vật chất hậu cần và phương tiện giao thông của địch trên khắp miền Nam; càng đánh càng mạnh, trình độ, sức chiến đấu, khả năng tác chiến ngày càng được nâng cao.

Đặc công đánh được tất cả các loại mục tiêu trên bộ, dưới nước, trong đô thị... Không những đánh độc lập mà còn có khả năng đánh hiệp đồng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và giúp quân đội Lào, Campuchia huấn luyện tác chiến trên mọi địa hình, đánh các mục tiêu trọng yếu...

Những trận đánh chớp nhoáng, thông minh, táo bạo với chiến thắng rất ngoạn mục của bộ đội đặc công vào Khách sạn Caraven, Brinh, Bộ Tổng tham mưu, Cư xá không quân Mỹ, kho xăng Nhà Bè, kho bom Biên Hòa, cảng Cửa việt, cầu Bình Phước, núi Bà Đen, cầu Rạch Chiếc, sân bay Pôchentông (Campuchia), cánh đồng Chum (Lào)... diễn ra cách đây hơn 40 năm vẫn in đậm trong lịch sử quân đội ta, làm nức lòng bạn bè trên thế giới và mãi là nỗi kinh hoàng, khiếp đảm của kẻ thù xâm lược và lũ tay sai bán nước.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đội quân “đầu trần chân đất” đã góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau giải phóng, cùng với lực lượng vũ trang cả nước, bộ đội đặc công làm nhiệm vụ quân quản, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ biển đảo và trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phiá Bắc; đồng thời chuẩn bị lực lượng phương tiện tham gia xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng, chống khủng bố, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thời kỳ đổi mới.

Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bộ đội đặc công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả. Binh chủng Đặc công đã được Đảng, Nhà nước và quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Có 76 đơn vị và 185 cán bộ chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng lực luợng vũ trang nhân dân, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ được khen thuởng.

Hình ảnh người chiến sĩ đặc công luôn là niềm trân trọng, tự hào và sống mãi trong tình cảm của quân và dân cả nước, tô đẹp thêm bản hùng ca cách mạng với 16 chữ vàng truyền thống: “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí sáng tạo, đánh hiểm thắng lớn”.

Vinh dự, tự hào được đứng trong đội ngũ những người lính đặc biệt tinh nhuệ của Binh chủng Đặc công anh hùng, hàng trăm chiến sĩ đặc công của quê hương Quảng Bình đã đuợc biên chế vào các đơn vị đặc công trên bộ, đặc công nước, đặc công biệt động; trực tiếp chiến đấu ở khắp các chiến truờng trong nước và làm nghĩa vụ quốc tế.

Được tôi luyện trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, dù ở những địa bàn ác liệt nhất, những thời khắc cam go nhất, những người con Quảng Bình vẫn luôn phát huy truyền thống quê hương; chiến đấu kiên cường, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với những đóng góp to lớn đó, đại đa số cán bộ, chiến sĩ đặc công đuợc Đảng, Nhà nuớc, Quân đội khen thưởng. Tiêu biểu có 2 đồng chí được tuyên duơng Anh hùng lực luợng vũ trang nhân dân là trung tá Trịnh Xuân Bảng, nguyên chiến sĩ đặc công nước Đoàn 10, Rừng Sác, quê ở  xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch và đại tá Nguyễn Xuân Giang, nguyên chiến sĩ đặc công biệt động thành Quảng Trị, quê ở xã Tân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Nhiều tấm guơng hy sinh anh dũng được suy tôn liệt sĩ.

Tuy vậy, hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề, không những cho quê hương, đất nuớc mà đến từng gia định, bản thân cựu chiến binh nói chung. Đối với các chiến sĩ đặc công, do tính chất đặc biệt của nhiệm vụ nên hậu quả càng nặng nề hơn. Trong số các đồng chí đã ngã xuống, còn một số đồng chí nằm lại đâu đó trên chiến truờng xưa đến nay vẫn chưa tìm đuợc hài cốt; nhiều nguời để lại một phần xương máu, bị nhiễm chất độc da cam – dioxin, nay đã lây nhiễm đến thế hệ thứ ba, còn bản thân mang thương tật suốt đời.

Lực lượng cựu chiến sĩ đặc công tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 150 đồng chí. Số lớn tuổi nằm trong lớp chiến sĩ nhập ngũ trước năm 1972; đông nhất là số nhập ngũ năm 1972 và 1978, còn lại nhập ngũ năm 1982. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội trở về quê huơng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đặc công ở Quảng Bình vẫn giữ vững và phát huy truyền thống Binh chủng Đặc công anh hùng.

Bên cạnh việc chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình, các anh đã tích cực, hăng hái tham gia công tác xã hội, chung tay góp sức cùng cộng đồng dân cư nơi cư trú xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Một số đồng chí được tín nhiệm bầu cử, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo của cơ quan Đảng, Nhà nuớc, Mặt trận, đoàn thể ở cấp tỉnh, huyện, cơ sở. Một số trở thành doanh nhân thành đạt, người sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhiều tấm guơng tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước ở các cấp.

Tuy vậy, nhiều gia đình cựu chiến sĩ đặc công vẫn rất khó khăn, người lính trụ cột gia đình không chỉ phải lo cho sức khoẻ, chống chọi với bệnh tật mà còn phải lo miếng cơm, manh áo và gánh nặng gia đình trong cuộc sống thường nhật. Nhiều truờng hợp vì lý do khác nhau đến nay vẫn không được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với nguời có công... Và còn rất nhiều mặt tiêu cực đang hiện hữu trong cuộc sống thường ngày mà nguời lính đặc công phải đối mặt, phải tự đấu tranh, vươn lên bằng ý chí, nghị lực vốn có của mình và bằng sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội.

Trong các cuộc hội ngộ của đại gia đình các thế hệ cựu lính đặc công ở các huyện và toàn tỉnh, bao trùm lên tất cả là không khí thân mật, sự vui mừng của “những hạt gạo lọt sàng” sau cuộc chiến. Ai cũng nhắc lời chia sẻ tâm huyết của Đại tuớng Võ Nguyên Giáp: “Được gặp nhau hôm nay là quý lắm rồi!”. Những mái đầu đã bạc chụm vào nhau nâng chén rượu và râm ran những ký ức một thời trận mạc.

Những khuôn mặt còn giữ nét phong sương, rắn rỏi, cương nghị và già đi theo năm tháng, nhưng ánh mắt thì vẫn sáng ngời và ánh lên niềm tự tin, sự gan dạ phi thuờng. Ánh mắt đã từng xuyên màn đêm, soi rõ từng lớp mìn, các loại hàng rào, các vật cản phức tạp, giúp người lính đặc công thần thông biến hoá, tiêu diệt gọn các mục tiêu dù là kiên cố và hiện đại nhất. Sau hàng chục năm, mọi vật đều biến đổi theo thời gian, còn ánh mắt của người cựu chiến sĩ đặc công vẫn là tựu trung của ý chí, nghị lực và là cửa sổ tâm hồn của người lính.

Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống bộ đội đặc công anh hùng, vinh dự tự hào với những trang sử hào hùng của binh chủng, các thế hệ  chiến sĩ đặc công Quảng Bình mãi mãi giữ gìn và phát huy tốt truyền thống vẻ vang; đoàn kết, giúp nhau trong tình đồng chí, đồng đội, vuợt qua khó khăn, thử thách; giữ vững bản chất anh “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, con cháu tiến bộ, thành đạt, góp phần xây dựng quê hương Quảng Bình giàu đẹp, văn minh.

Hoàng Trọng Thoan
(Cựu chiến sĩ C59, Đoàn 115, F27, Bộ Tham mưu miền Đông Nam Bộ)