Công nghệ mô phỏng trong hoạt động quân sự hiện đại

Cập nhật lúc 09:00, Thứ Năm, 29/12/2011 (GMT+7)

Mô phỏng là phương pháp nghiên cứu các hiện tượng, quá trình hoạt động bằng cách xây dựng các mô hình tương ứng và nghiên cứu chúng ngay trên các mô hình đó.

Công nghệ mô phỏng (CNMP) là công nghệ tạo ra những mô hình hoạt động gần giống như những sự vật, hiện tượng, quá trình xảy ra trong thực tế. Việc nghiên cứu, thao tác trên thiết bị mô phỏng cho phép rút ra những kết luận phục vụ cho hoạt động dân sự cũng như quân sự.

Mục đích cơ bản của mô phỏng là làm thử để có kinh nghiệm làm thật. CNMP liên quan đến nhiều ngành khoa học: Toán học, tin học, mô hình hóa, điều khiển học, điện tử, khoa học quân sự... và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực. Đây là công cụ đa dạng và linh hoạt đặc biệt thích ứng với việc nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá các quan niệm mới về sử dụng vũ khí, sử dụng lực lượng; đánh giá các hệ thống vũ khí trang bị mới ngay khi có ý tưởng thiết kế, là phương tiện huấn luyện sát thực, tiết kiệm hơn diễn tập thực binh.

Cán bộ Viện Công nghệ mô phỏng (Học viện Kỹ thuật quân sự) giới thiệu một sản phẩm mô phỏng mới phục vụ huấn luyện.
Cán bộ Viện Công nghệ mô phỏng (Học viện Kỹ thuật quân sự) giới thiệu một sản phẩm mô phỏng mới phục vụ huấn luyện.

Thực tế cho thấy, thiết bị mô phỏng không những bảo đảm chất lượng huấn luyện sát với tình huống chiến đấu trên thực tế cho cá nhân, trắc thủ, kíp xe, đơn vị, cơ quan tham mưu, mà còn giúp cho việc chuẩn bị và tiến hành các hoạt động quân sự trên quy mô lớn. CNMP đang đóng vai trò quan trọng trên nhiều mặt của các hoạt động quân sự hiện đại như nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm vũ khí trang bị mới. Sử dụng CNMP cho phép tối ưu hóa tính năng kỹ thuật, chiến thuật và đánh giá hiệu quả trong chiến đấu trước khi quyết định sản xuất mẫu đầu tiên để thử nghiệm trong thực tiễn.

Trong nghiên cứu các vấn đề về chiến lược quân sự, hoạt động của lực lượng đa quốc gia, lựa chọn phương án phát triển những loại vũ khí mới, trong xây dựng quan niệm và học thuyết quân sự mới… với CNMP có thể đánh giá tính đúng đắn của lý luận và đưa vào huấn luyện, có thể tạo dựng các hành động quân sự mà trên thực tế thời bình không thể thử nghiệm được vì lý do kinh phí, an toàn và môi trường. Trong huấn luyện, đào tạo và tác chiến, CNMP có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp học viên làm quen với khí tài trước khi sử dụng khí tài thực; rèn luyện kỹ năng cá nhân, kíp chiến đấu trong điều khiển vũ khí trang bị như lái xe bánh hơi, bánh xích, lái máy bay, tàu nổi, tàu ngầm…

Quân đội Mỹ đang đi đầu về sử dụng CNMP vào thực tiễn tác chiến và đã đạt được những thành công lớn. Trước thời điểm tháng 8-1990, quân đội Mỹ đã sử dụng CNMP để phân tích khả năng quân đội I-rắc tiến vào Cô-oét. Thực tế, quân đội I-rắc đã có những hành động gần giống một trong những phương án mà thiết bị mô phỏng đã phân tích. Hệ thống mô phỏng tác chiến của Mỹ còn góp phần xử lý tin tình báo, cơ động lực lượng và tác chiến của quân đội đa quốc gia... Các chuyên gia quân sự nhận định: Đóng góp vào thắng lợi của Mỹ và liên quân trong chiến tranh vùng Vịnh có "chiến công" của CNMP.

Thấy rõ tầm quan trọng của CNMP trong các hoạt động quân sự, nhiều nước trên thế giới đang ưu tiên phát triển công nghệ này. Cùng với công nghệ thông tin, CNMP đang có những tác động mang tính cách mạng tới nhiều lĩnh vực hoạt động quân sự trong tương lai.

Sau chiến tranh vùng Vịnh, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thành lập Ủy ban Mô phỏng, có nhiệm vụ chỉ đạo các lực lượng của quân đội Mỹ về quy hoạch và phối hợp các hoạt động liên quan tới mô phỏng; thực hiện ghép nối mô hình, tiêu chuẩn sử dụng chung; liên kết thống nhất trong các lĩnh vực đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, đánh giá và chi phí. Kinh phí dành cho CNMP của quân đội Mỹ liên tục tăng. Các hướng phát triển chính là chuyển từ nghiên cứu, chế tạo các thiết bị mô phỏng vi mô (huấn luyện xạ thủ, lái xe, phi công...) sang chế tạo thiết bị mô phỏng vĩ mô.

Tập trung vào các thiết bị: Mô phỏng tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, huấn luyện tác chiến liên quân; phát triển các hệ thống mô phỏng ghép nối - phân tán, cho phép liên kết các thiết bị mô phỏng sử dụng máy tính bố trí phân tán ở các đơn vị khác nhau, giúp các đối tượng được huấn luyện ở các địa điểm xa nhau cũng có thể tham gia vào cuộc diễn tập mô phỏng của cấp trên theo ý đồ thống nhất, tiết kiệm chi phí vận chuyển bộ đội, vũ khí trang bị, chi phí bãi tập chuyên dụng; phát triển các thiết bị mô phỏng tác chiến nhỏ...

Quân đội nhiều nước đang tăng cường mua sắm các thiết bị mô phỏng và sử dụng trong huấn luyện. Các nhà sản xuất vũ khí sẽ sản xuất các thiết bị mô phỏng đi kèm với vũ khí mới. Quân đội Ma-lai-xi-a trước khi đặt mua tàu ngầm đã mua thiết bị mô phỏng để huấn luyện cho kíp thủy thủ. Trung Quốc đang dành nỗ lực lớn cho lĩnh vực ứng dụng CNMP, nhất là mô phỏng phục vụ chế tạo máy bay tàng hình và tàu khu trục lớp, tàu sân bay…

                                                                                                Theo QĐND

,
.
.
.