.

Đổi thay dưới chân núi Giăng Màn

Chủ Nhật, 26/11/2017, 17:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, là nơi sinh sống và cư ngụ của phần lớn anh em đồng bào tộc Mày, Sách... Những năm gần đây, đồng bào đã dần bắt nhịp với đời sống hiện đại. Những ngôi nhà rách nát nay đã được thay thế bằng nhà gỗ vững chãi, cái đói nghèo, hủ tục lạc hậu dần bị xóa bỏ. Đời sống của bà con dưới chân núi Giăng Màn nay đã khác xưa...

Những ngày khốn khó

Từ TP. Đồng Hới, vượt hơn 150km, chúng tôi có mặt tại trung tâm xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Cùng lúc này, cán bộ xã đang chuẩn bị về bản Ka Ai, cách trung tâm xã khoảng 15km để tuyên truyền công tác phòng cháy, bảo vệ rừng cho dân bản. Nhìn từ xa, bản Ka Ai nằm giữa thung lũng được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi kỳ vỹ quanh năm mây mù, sương giăng, nép mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Những đứa trẻ ở bản Ka Ai đều được đến trường đúng độ tuổi.
Những đứa trẻ ở bản Ka Ai đều được đến trường đúng độ tuổi.

Hướng mắt về những quả đồi trọc cây mới mọc xanh trở lại, anh Đinh Hữu Tùng, cán bộ văn hóa xã Dân Hóa cho hay, địa hình xã đa phần là rừng núi, không có cây chủ lực gì để làm ăn sinh sống, vì vậy, cuộc sống cả người dân chỉ dựa vào rừng. Đặc biệt, nơi đây từng tồn tại nhiều giai thoại hủ tục với những câu chuyện rợn người.

Tục "mẹ chết con chôn theo" là một trong những hủ tục từng tồn tại trong cộng đồng người Mày sống ở bản Ka Ai. Dân bản cho rằng, đứa trẻ mới chào đời mà người mẹ không may chết đi thì phải chôn con theo mẹ. Nếu không làm vậy, hồn ma người mẹ sẽ về “đòi” con và dân bản sẽ bị vạ lây.

Cách đây chừng 7 năm, sau khi sinh cậu bé Hồ Dưỡng, chị Hồ Thị Lon không may bị băng huyết qua đời. Theo phong tục người Mày, nếu mẹ chết thì dân bản sẽ tiến hành chôn cả mẹ lẫn con dù đứa trẻ còn sống. Cháu bé sẽ được buộc chặt vào người mẹ trong tiếng khóc ré rồi dân bản tiến hành cúng bái và thản nhiên lấp đất chôn cất...

Đó là chuyện hiển hiên mặc định qua nhiều thế hệ của người Mày. Khi dân bản chuẩn bị chôn cất Hồ Dưỡng theo mẹ, các cán bộ xã và Bộ đội Biên phòng Đồn Cha Lo đã đứng ra trước toàn thể người dân cùng làm một bản cam kết sẽ nuôi nấng Hồ Dưỡng và “thề độc” sẽ chịu mọi trách nhiệm nếu “ma mẹ” bắt vạ. Không còn cách nào, dân bản buộc lòng ưng thuận cho đứa bé sống. Hồ Dưỡng nay đã 7 tuổi.

Sau khi được bộ đội cưu mang 2 năm và UBND xã cũng tạo điều kiện làm các chế độ hỗ trợ, Hồ Dưỡng đã khôn lớn và hiện đang sống, học tập tại trung tâm bảo trợ trẻ em ở thành phố Đồng Hới.

Hơn chục năm về trước, dân bản Ka Ai không nghề nghiệp, quanh năm thiếu ăn, thiếu mặc, cái đói bủa vây. Bà con chủ yếu sống bám vào rừng, bởi vậy nên nạn đốt, phá rừng, săn bắt, hái lượm ngày một lan rộng. 

Thấm được nỗi khổ của dân bản, năm 2011, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân bản Ka Ai vươn lên. Ban đầu, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã giao trực tiếp cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo thí điểm mô hình trồng lúa với diện tích 100m2. Ngay vụ mùa đầu tiên, lúa đã cho năng suất cao, cán bộ và bà con ai nấy đều phấn khởi.

Ông Đinh Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết, những ngày đầu, công tác vận động bà con trồng cây lúa gặp muôn vàn khó khăn, bởi đồng bào quen với bám vào rừng, chủ yếu lên rừng săn bắt, hái lượm không chịu đi làm. Nhưng, nhờ sự vận động của bộ đội và cán bộ xã, người dân mới chịu học cách trồng lúa.

“Bộ đội cùng ra đồng gieo trồng, bón phân tưới nước, luôn tận tình hướng dẫn, chỉ dạy cho bà con cách trồng lúa vì thế ngay vụ mùa đầu tiên, dân bản đã làm xong 5 ha. Trời thương cho lúa tốt, vụ mùa bội thu, bà con dân bản ai cũng phấn khởi”, ông Tiến nhớ lại.

Ông Cao Xuân Xiêm, Trưởng bản Ka Ai cho biết, toàn bản có 83 hộ dân với 340 nhân khẩu, trong đó 70% là người Mày, còn lại là người Sách. “Nhiều năm trước, cứ vào mùa này người dân đói khổ, mọi người trong bản chỉ biết đi đào củ sắn ở dưới chân đồi hay lên rừng hái măng, đào củ mài để về ăn, nhưng bà còn bây giờ no ấm rồi vì đã có ruộng làm lúa” – ông Xiêm hồ hởi nói.

Theo ông Xiêm, dân bản Ka Ai bây giờ không còn cảnh chặt phá, đốt rừng như trước nữa. Người dân đã biết trồng lúa nước, thêm vụ và trồng thêm nhiều cây hoa màu để tăng năng suất.

Ấm no dân bản

Dẫn chúng tôi đi thăm những thửa ruộng đầy ắp nước đang chuẩn bị canh tác cho vụ đông - xuân, ông Xiêm cho biết, trước đây, bản không có ruộng, nhờ bộ đội vận động, bà con đã lấy nước từ các con suối về, tận dụng từng khoảnh đất trống, vỡ làm ruộng để trồng lúa nước. Đến nay, dân bản có 5 ha lúa và không có diện tích nào bỏ trống, nhờ thế, bộ mặt bản làng dần thay da đổi thịt.

Sắp đến mùa canh tác vụ đông - xuân, dân bản Ka Ai háo hức chờ đợi. Anh Hồ Hoàng nói: “Dân bản chịu ơn cán bộ biên phòng nhiều lắm. Bây chừ, ai cũng háo hức chờ đến vụ mùa canh tác, ai mà chưa hiểu được về cách trồng lúa và các cây hoa màu là cứ đến hỏi trực tiếp bộ đội. Mấy vụ vừa rồi bà con được nhiều lúa”.

Bộ đội Biên phòng giúp dân bản Ka Ai dựng nhà mới.
Bộ đội Biên phòng giúp dân bản Ka Ai dựng nhà mới.

Đến thời điểm này, người dân Ka Ai đã trải qua nhiều vụ mùa, nên họ dần có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, thu hoạch lúa nước. Chị Hồ Thị Lê tâm sự: “Trồng lúa quanh năm chỉ vất vả mấy ngày thu hoạch lúa thôi, chứ không mệt như đi rừng mà lại có gạo ăn, dân no bụng lắm”.

Trao đổi với chúng tôi, trung úy Hoàng Quý Hòa, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, phụ trách địa bàn Ka Ai cho biết, nhờ được chăm sóc tốt và biết áp dụng khoa học kỹ thuật, bón phân, bón đạm vào đúng các thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây lúa, nên bây giờ, bà con đã có được nhiều thóc lúa hơn. Từ khi có lúa nước, bữa cơm của dân bản Ka Ai đã no hơn, đời sống của họ ngày càng khởi sắc.

“Những ngày đầu làm lúa nước bà con còn bỡ ngỡ, nhưng giờ họ đã quen rồi. Tay cuốc, tay liềm trở nên thuần thục, những luống cấy đã thẳng hàng hơn. Nhờ có được công trình lúa nước, nên bộ đội chúng tôi cũng bớt lo cho bà con, nhất là vấn đề an ninh lương thực trong mùa mưa lũ”, trung úy Hòa cho hay.

Cuộc sống của người dân Ka Ai nay tiến bộ hơn nhiều, hệ thống điện, đường, trường, trạm cơ bản đã hoàn thành. Cùng với việc làm chủ được sản xuất lúa nước, nhận thức của dân bản Ka Ai cũng thay đổi, đau ốm đã đến trạm y tế chứ không mời thầy mo cúng bái.

X.Phú-P.Hoàng