.

Hạnh phúc... máu và hoa - Bài 1: Đi qua địa ngục trần gian

Chủ Nhật, 30/07/2017, 14:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông đi “B dài”, bị thương trong chiến đấu, bị địch bắt giam hết nhà tù này đến nhà tù khác. Tại quê hương, gia đình nhận giấy báo tử với nội dung: “Liệt sỹ Trần Bá Huỳnh, quê quán xã Mai Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình; cấp bậc trung sỹ, chức vụ tiểu đội phó; đơn vị C14KH; hy sinh ngày 10-7-1965”. Người lính ấy được trao trả năm 1973 bên dòng sông Thạch Hãn. Cuộc đời ông là một hành trình dài tranh đấu cam go, trộn lẫn giữa hạnh phúc, mất mát; giữa máu và hoa.

 

Ông Trần Bá Huỳnh lúc còn chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên-Huế.
Ông Trần Bá Huỳnh lúc còn chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên-Huế.

Xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, những ngày cuối tháng 7, gần sát với dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2017), tôi tìm gặp và trao lại cho ông, người tử tù của chế độ miền Nam Việt Nam tập hồ sơ, lý lịch kèm theo 9 trang hồi ký mang tựa đề “Những năm tháng không thể nào quên” mà nhờ cơ duyên tôi có được.

Ông Trần Bá Huỳnh bảo: “Đời tôi xem như được ba lần chết. Một lần kẻ thù giam cầm bằng cái “án không án”; một lần báo tử về cho gia đình và sẽ có một lần cuối sau này”.

Hỏi ông: Xuất phát từ đâu mà ông viết tập hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên?”. Ông dung dị: “Những năm tháng trong đời quân ngũ, chiến đấu ác liệt, ăn đói, nhịn khát, trèo đèo, lội suối, bằng rừng, vất vả nhưng thật oai hùng.

Rồi bị tù đày, tra tấn cực hình, khổ ải, đau thương, mất mát không từ ngữ nào tả hết, sức khỏe ngày càng suy giảm, đầu óc không được minh mẫn nữa. Tôi viết những dòng hồi ký này để ghi lại khoảng khắc không thể nào quên trong cuộc đời quân ngũ.

Viết để biết, để giáo dục thế hệ con cháu sau này, phải chịu khó học hỏi, rèn luyện nâng cao trình độ, kiến thức, biết đóng góp, hy sinh cho quê hương, đất nước, tôn trọng xương máu cha ông đi trước, tôn trọng những thành quả cách mạng của thế hệ cha anh để phấn đấu, giữ gìn, phát triển”.

Ngược về quá khứ, tháng 2-1961, ông Trần Bá Huỳnh nhập ngũ. Tháng 3-1963, sau hai năm hoàn thành nghĩa vụ, chàng trai Trần Bá Huỳnh xin tình nguyện ở lại huấn luyện chuyên sâu để vào Nam chiến đấu, đi “B dài”. Trước khi đi B, đơn vị cho ông Huỳnh về thăm nhà 10 ngày. Nhìn mẹ già đau ốm, vợ con nheo nhóc, nghèo đói, vất vả...,ông gạt nước mắt quên đi hoàn cảnh riêng tư gánh lấy trách nhiệm mà Đảng, Tổ quốc, quân đội giao phó.

Ngày 28-8-1963 đơn vị Trần Bá Huỳnh hành quân vào Nam, từ huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đến Làng Ho, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tại đây đơn vị thay hết quân trang, quân dụng, vũ khí rồi hành quân bộ vào chiến trường Trị Thiên. Kể từ cuối năm 1963, Phân khu Trị Thiên lựa chọn 20 cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị ông Trần Bá Huỳnh thành lập bộ khung đại đội công binh mang phiên hiệu C14.

Ngày 1-11-1963, C14 bước vào trận đánh đầu tiên giải phóng ấp Thanh Tân. Ngày hôm sau, địch tái chiếm. Do hỏa lực của địch quá mạnh, lại được sự chi viện của xe tăng, pháo binh, C14 quần nhau với địch từ sáng đến tối rồi rút về cứ. Năm 1964, C14 phối hợp với các đơn vị thuộc huyện đội Phú Lộc đánh đồn Khe Tre, Nam Đông, trong trận đánh này, ông Huỳnh cùng hai đồng đội khác bị thương nặng phải về hậu cứ chữa trị.

“Đêm 7-7-1965 trở thành mốc thời gian khó quên trong cuộc đời tôi”- Ông Trần Bá Huỳnh tiếp tục dòng hồi ức- “Tiểu đội tôi cùng bộ đội huyện Hương Trà thọc sâu chiếm quận Hương Thủy. Hôm sau, địch tràn lên phản công, chúng tôi quyết đánh mở đường máu rút lui, 3 đồng đội hy sinh, tôi bị thương, địch tiến lại gần sát, tôi ném lựu đạn, lựu đạn không nổ, bọn giặc bắt được, trói lại dùng thuyền máy chở về quận Nam Hòa. Và từ đêm định mệnh ấy, kẻ địch di chuyển tôi qua rất nhiều nhà tù tại miền Nam. Mỗi nhà tù kèm theo những màn tra tấn cực kỳ dã man, tàn bạo, thừa sống thiếu chết”.

“Đêm đó, bọn địch đánh đập tôi, quay điện, đổ nước xà phòng... tìm mọi cách bắt tôi khai. Tôi kiên quyết không khai. Đau quá... tôi quyết định cắn lưỡi tự sát. Chúng phát hiện ra, dùng một que gỗ buộc ngang giữa hai hàm răng, đề phòng tôi cắn lưỡi thêm lần nữa”.

Hành trình của người tử tù “án không án” Trần Bá Huỳnh bắt đầu từ quận lỵ Nam Hòa, đến trại giam Mang Cá. Một tháng sau chúng đưa vào Đà Nẵng. Hai tháng tại xà lim Đà Nẵng, địch tiếp tục chuyển tù nhân vào Sài Gòn, trong đó có ông Huỳnh. Tám tháng ở xà lim Ky Me, Sài Gòn, kẻ thù độc ác, tàn bạo, dã man vô cùng, chúng dùng cực hình tra tấn chết đi sống lại, tróc xương, lột da.

“Chúng đem ra toàn dụng cụ tra tấn, nào là bình quay điện, kìm nhổ răng, búa, dùi cui, roi cá đuối, dây thừng treo... Chúng hỏi tôi: Mày ưa loại nào? Mày muốn đi tàu ngầm, máy bay không xăng, hay tàu điện? (tàu ngầm là đổ nước vào thùng phi, bắt tù nhân ngồi vào đó, nước ngập đến cổ. Chúng dùng đùi cui đánh vào thùng, nhiều người bị sức ép của nước chịu không nổi, hộc máu mà chết; đi máy bay không xăng là treo hỏng tù nhân lên nhà; đi tàu điện là quay điện). Tôi không trả lời, mặc chúng muốn làm gì thì làm.

Thế là chúng quay điện, khi tôi ngất đi, chúng lấy nước tạt vào mặt cho tỉnh lại. Sau cùng, chúng treo tôi lên nóc nhà, vừa treo vừa đánh tới tấp, ngày này qua ngày khác... Một dãy nhà dài 9 đến 10 phòng, mỗi phòng nhốt vài ba người, nằm giữa nền xi măng, ruồi muỗi, rệp nhiều vô kể, bốn bề tường vệt máu người, máu rệp muỗi đen ngòm” (trích Hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên”).

Hồ sơ giấy tờ cùng tập hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của ông Trần Bá Huỳnh.
Hồ sơ giấy tờ cùng tập hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của ông Trần Bá Huỳnh.

Tám tháng ở Sài Gòn, địch tiếp tục chuyển ông Trần Bá Huỳnh về trại giam Biên Hòa. Tại đây, ông bắt liên lạc được với chi bộ Đảng trong nhà tù, tham gia đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, cải thiện chế độ sinh hoạt cho tù nhân. Năm 1967, chiến trường miền Nam thắng lớn, chế độ miền Nam Việt Nam xét thấy để tù binh ở đất liền không bảo đảm, chúng đưa ra đảo Phú Quốc.

Ra trại giam Phú Quốc một thời gian, ông Huỳnh gặp một số đồng chí quê Quảng Bình, như: Nguyễn Văn Tố ở xã Châu Hóa; Nguyễn Văn Luận ở xã Ngư Hóa; Trần Đức Thiện ở xã Quảng Thạch; Võ Xuân Nhiều ở xã Quảng Xuân...

Cũng như Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc được xem như “địa ngục trần gian”, kẻ thù đối xử với tù nhân rất tàn bạo. Chuồng cọp, biệt giam, tra tấn, phạt vạ, lao động khổ sai... chẳng thể lay chuyển ý chí của những người tù cộng sản kiên trung.

“Chúng tôi gặp anh em đồng chí, đồng hương, luôn động viên nhau giữ vững truyền thống cách mạng, tin tưởng vào sự thắng lợi cuối cùng, đừng để ai làm ảnh hưởng đến quê hương”- Ông Huỳnh chia sẻ.

Câu chuyện tàn bạo của nhà tù Phú Quốc được ông Huỳnh kể: “Tôi nhớ có trường hợp đồng chí Kiều và đồng chí Thuận cùng ở xã Đồng Hóa, Tuyên Hóa. Hai người thân nhau, thường xuyên ở bên nhau, lính ngục bắt gặp nghi bàn bạc việc gì đó nên bắt cả hai đánh đập tàn nhẫn, sau đó nhốt vào chuồng cọp. Đồng chí Thuận bị đánh đập đến liệt người, chúng lấy đinh đóng vào ống chân lồi cả tủy ra, lấy nước sôi đổ vào người chịu không nổi đã chết”.

Hiệp định Pa-ri ký kết, tháng 2-1973, những tù nhân chính trị tại nhà tù Phú Quốc được trao trả. Từ Phú Quốc, máy bay chở mọi người đến sân bay Bồng Bồng, tỉnh Thừa Thiên- Huế sau đó ô tô chở về sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị.

Phía bên kia sông Thạch Hãn là miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tự do thực sự đến rồi. Trái tim ông Trần Bá Huỳnh reo ca... Vậy là ông và đồng đội đã chiến thắng, từ cõi chết trở về vinh quang, tự hào.

Ngô Thanh Long

Bài cuối: Trở về