.

Lênh đênh "phận lục bình" - Kỳ 1: Chuyện của Hà

Chủ Nhật, 21/05/2017, 20:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhìn họ, tôi luôn nghĩ đến những phận lục bình tím ngắt trên sông: lênh đênh, chìm nổi và bám víu nhau chẳng biết đâu là bến bờ. Nhưng, như những bông lục bình bình dị, bất chấp sóng gió dập vùi, chỉ cần cắm rễ là vươn lên nở tím dòng sông và đẹp đến nao lòng ấy, họ vẫn sống mạnh mẽ, can trường vượt qua nghịch cảnh cùng một khát khao sống mãnh liệt, lạ kỳ. Họ là những hộ dân xóm vạn chài, neo đời mình bên dòng sông Gianh, đoạn đi qua địa phận thị xã Ba Đồn.

Trưa tháng 5. Gió qua sông lồng lộng thổi vẫn không đủ sức xua đi cái nắng đầu mùa bỏng rát, chát chúa. Như lời hẹn trước, Hà chạy con thuyền máy đón những người khách lạ như chúng tôi nơi bến sông sau lưng chợ Ba Đồn. Hà bảo: “Nhà em phải đi ngược lên phía thượng nguồn. Vợ con em đang đợi cơm ở nhà”.

 Hoàng Bạch Hà với 33 năm sinh sống trên thuyền.
Hoàng Bạch Hà với 33 năm sinh sống trên thuyền.

Gọi là nhà nhưng như lời Hà giải thích chỉ là một chiếc bè nhỏ nằm chông chênh giữa mênh mang sóng nước. Vậy nhưng, với những người chìm nổi trên sông như anh, đó là cả một cơ ngơi lớn. Không mừng vui, khấp khởi làm sao được khi gần nửa đời người neo mình với sông nước, chẳng dám mơ một ngày được lên bờ, vợ chồng anh chỉ ước có một con thuyền máy vững chãi đủ sức đi qua những ngày nắng gắt, những đêm mưa nguồn.

Vậy mà sau gần 10 năm “ra riêng”, bám trụ trên con thuyền rách bươm, gió lùa tứ phía sau bao trận bão lũ, vợ chồng Hoàng Bạch Hà (33 tuổi, quê ở Cảnh Hóa) và Hoàng Thị Tú (31 tuổi, quê ở Quảng Tiên) đã có được một bè nổi chắc chắn neo ngay giữa dòng sông, đoạn phía phường Quảng Phong (thị xã Ba Đồn). Hà bảo, trong một dạo, mấy anh nhiếp ảnh lang thang trên sông sáng tác, gặp anh, thương cảm cho hoàn cảnh của đôi vợ chồng trẻ vạn chài, họ kêu gọi bạn bè quyên góp, ủng hộ được 20 triệu đồng.

Cùng với ít vốn liếng lận lưng, vợ chồng Hà quyết định đóng mới một bè nổi làm chỗ trú chân cho cả gia đình. Giọng của anh lẫn hòa giữa tiếng máy nổ lạch bạch trên sông. Khuôn mặt đen nhẻm vì nắng gió vẫn sáng bừng lên bởi nụ cười lấp lánh hạnh phúc.

Chừng mươi phút trên sông, chúng tôi cũng đến được nhà của vợ chồng anh. Đó là một bè gỗ rộng chừng hơn 10m2, khá vững chãi và chắc chắn. Nhà chẳng có gì ngoài chiếc ti vi đã cũ vốn là quà của một người bạn mới quen. “Cũ người, mới ta”, vợ chồng anh quý nó như một món đồ đắt tiền. Nó càng quý hơn bởi giữa mênh mang sóng nước, giữa màn đêm đen kịt chỉ có tiếng sóng ì oạp vỗ vào mạn thuyền, chiếc TV như cầu nối đưa những con người ấy gần hơn với thế giới văn minh phía bến bờ gần mà xa kia.

“Từ đợt trước, có anh nuôi tôm trên cồn nổi đó cho dùng điện miễn phí, rứa là tụi em mừng quá, nối dây điện ra giữa bè. Có điện sáng để sinh hoạt, bớt khổ hơn nhiều chị ạ”, Hà chỉ về phía bờ bên kia, giọng ấm áp niềm vui.

Tôi bảo, mình nhỏ tuổi hơn nên muốn vợ chồng anh cứ gọi bằng em. Hà thật thà như đếm: “Người lớn hay nhỏ, tụi em cũng gọi bằng anh, bằng chị quen rồi. Lên chợ bán cá cũng rứa. Tụi em ở đây chẳng mấy khi để tâm đến chuyện tuổi tác mô chị”.

Vợ chồng Hà chẳng ai biết chữ. Sinh ra, đã thấy mình nằm chõng chơ giữa lòng con thuyền cũ mèm, rách nát. Không một ngày được đến trường, tuổi thơ của họ chỉ là những tháng ngày lênh đênh trên sông nước, làm bạn cùng cá, tôm và những con người cùng chung thân phận như mình. Vậy nên, trong những lần trôi trên sông mưu sinh, họ gặp nhau rồi cứ thế nên nghĩa vợ chồng. Chừng đó đến nay cũng ngót nghét gần chục năm trời với bốn mặt con, đủ nếp, đủ tẻ.

“Không biết chữ nên cần làm giấy tờ chi về hộ khẩu, khai sinh rồi đăng ký học cho con đều nhờ cha mẹ ở trên bờ làm cho hết. Em chỉ đến ký tên. Mà chị ơi, em ký tên Hà nhưng ký mãi vẫn không nhớ được mặt chữ. Có khi lăn tay lại ưng hơn. Những khi có thiệp mời đám cưới là phải chạy lên bờ, nhờ người đọc cho. Muốn bắt xe về quê thì cứ thấy xe mô chạy cùng chiều là nhảy lên, lên xe rồi hỏi chứ cũng không đọc được bảng tên”, Hà lại thật thà trải lòng, giọng buồn buồn. Phía bốn bề ngoài kia, gió qua sông vẫn thổi. Người kể về phận mình mà như thể sông đang thầm thì kể về một phần đời của chính sông.

Không chấp nhận cho con khổ vì mù chữ như mình, vợ chồng Hà quyết tâm cho con lên bờ học chữ. Đến tuổi tiểu học, hai đứa lớn được gửi về cho ông bà nội để đi học. Vài ba tháng, anh chị lại ngược nguồn lên thăm con một lần. Hai đứa nhỏ, đứa lên 5, đứa lên 3 ở trên thuyền, đêm cùng cha mẹ đi buông lưới, thả rập. Ngày lại quẩn quanh trên chiếc bè nổi rộng 10m2, chẳng cần biết phía bến bờ kia là rực rỡ sắc màu ra sao, là nhộn nhịp đông đúc thế nào.

Cậu con trai thứ ba dù đã lên 5 tuổi nhưng vẫn chưa nói được. Vợ chồng anh gọi thằng bé là “con trời nuôi”. Bởi sinh ra vài ngày nó mắc bệnh uốn ván, chạy ngược chạy xuôi khắp bệnh viện tuyến trên, tuyến dưới, tưởng chết nhưng rồi vẫn sống sót trở về. Rồi cũng chính nó, ba lần, bảy lượt rơi xuống sông, cuối cùng cũng được ba nó cứu sống.

Nghĩ lại thôi đã thấy thương đến đứt từng khúc ruột nên giờ, dù cho thằng bé lầm lì, chẳng bình thường như những đứa trẻ khác thì vợ chồng Hà cũng không lấy đó làm buồn phiền. Tôi hỏi, sao không gửi bé lên bờ đi học, được tiếp xúc với nhiều người có khi sẽ nói dễ dàng hơn?

Chị Tú cười cười rồi lắc đầu bảo: “Gửi hai đứa cho ông bà nội rồi, gửi thêm đứa nữa thì ông bà gánh sao được, nên thôi. Mà ở đây, có cực mấy rồi cũng chịu được”. Thì ra, dù cuộc sống có chìm nổi đến đâu, có thu vén thế nào, khổ cực vẫn như cái đuôi nhằng nhẵng đeo bám ngày nọ nối ngày kia, khiến con người ta không còn cảm thấy mình khổ. Và họ mặc nhiên nhìn nhận nó là chuyện bình thường rồi cứ thế, lạc quan, bình thản mà sống.

Hai đứa con nhỏ của vợ chồng anh Hà quanh năm chỉ biết quẩn quanh trên chiếc bè chừng 10m2.
Hai đứa con nhỏ của vợ chồng anh Hà quanh năm chỉ biết quẩn quanh trên chiếc bè chừng 10m2.

Dạo trước, đêm xuống, hai vợ chồng lại ngược nguồn buông lưới, thả rập. Bình minh vừa hửng, anh chỉ biết quẩn quanh dưới bến thuyền đợi vợ mang cá lên chợ bán. Nhưng giờ, anh đã có việc để giết thời gian lại kiếm thêm thu nhập. Đó là vài ba lồng cá neo cạnh nhà. Mùa này, hơn 1.200 con cá được thả xuống lồng chỉ với hy vọng đến mùa thu hoạch, vợ chồng sẽ có thêm ít tiền để gửi về quê nuôi con ăn học. 

Hà bảo, cuộc sống lênh đênh trên sông, không biết đâu là bến bờ, bữa no, bữa đói cũng không làm anh thấy khổ. Ngay cả khi cơn bão năm 2013 quật ngã con thuyền - tài sản lớn nhất thời điểm ấy - chìm nghỉm xuống sông cùng tất cả vật dụng, áo quần, anh cũng chẳng thấy mình tủi cực. Chỉ một điều khiến vợ chồng Hà đau đáu mãi là cả hai không ai biết chữ. Cuộc sống đôi khi quẩn quanh, khó nhọc hơn cũng vì lẽ đó.

Hà ao ước: “Nếu có lớp học xóa mù miễn phí, em sẽ đi học. Học để biết viết, biết đọc, ít nhất là biết viết tên mình. Nhưng chỉ sợ đến tuổi ni rồi, còn học hành chi nỗi nữa không”. Ước mơ ấy, với nhiều người là bé nhỏ, nhưng với vợ chồng Hà lại mênh mông, vời vợi. Nhưng nghe người đàn ông hiền như cỏ, thật thà như đếm ấy nói, lòng cứ thấy vui vui lạ. Tựa như thể giữa màn đêm đen kịt không biết đâu là bến bờ, chợt nhìn thấy ánh đèn điện ấm áp tỏa ra từ chiếc bè chơ vơ giữa lòng sông lạnh.

Diệu Hương

Kỳ 2: Chòng chành theo con nước