.

Tổ quốc phía trùng dương - Kỳ 4: Từ "chung chiêng lều bạt"...

Thứ Tư, 18/01/2017, 09:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Đảo Tiên Nữ, địa danh này đã hút chúng tôi từ cái tên dịu dàng, quyến rũ đến lạ. Đặc biệt hơn, từ đây, có thể nhìn thấy mặt trời trước 1 tiếng đồng hồ so với đất liền, bởi đây là đảo xa nhất về phía cực Đông của Tổ quốc, cách đất liền 354 hải lý (tương đương 637 km).

>> Kỳ 3: Bên cột mốc chủ quyền

>> Kỳ 2: Thao thức... Trường Sa

>> Kỳ 1: Chạm vào phần "máu thịt" thiêng liêng

Từ tờ mờ sáng, Tiên Nữ đã lọt vào tầm nhìn chúng tôi, với 2 tòa nhà kiêu hãnh giữa mênh mông biển trời trong đó có một công trình trông nhỉn và mới hơn. Đây là công trình nhà văn hóa đa năng đảo Tiên Nữ, món quà của tấm lòng nhân dân TP. Hà Nội.

Nhà Văn hóa đa năng đảo Đá Lớn C.
Nhà Văn hóa đa năng đảo Đá Lớn C.

Chợt nhớ, lúc ở đảo Đá Lớn C, sau khi đi khắp lượt khối nhà văn hóa đa năng mới toanh, đại tá Hưng mới thổ lộ với cánh phóng viên đại ý rằng, sự thay đổi ở Trường Sa như ngày hôm nay là nhờ sự chung tay của cả nước.

Điểm qua các “gương mặt” góp sức bồi đắp nên hình hài của những “cột mốc” chủ quyền trên biển này: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với công trình nhà văn hóa đảo Đá Lớn B; Tập đoàn Điện lực (EVN) với công trình nhà văn hóa đa năng đảo Đá Lớn C...

Những công trình này sẽ giúp cho ngư dân vào trú, tránh  bão và góp phần cho lính đảo “nối dài” công tác cứu hộ ngư dân gặp sự cố trên biển, Trung úy Vũ Văn Lan, Chính trị viên đảo Đá Lớn C rưng rưng  khi nhận món quà đó của Tập đoàn Điện lực.

Từ khu nhà 3, 4 tầng tươi mới nhìn sang những cái cọc bê-tông còn lơ thơ cắm xuống mặt đá san hô, mà những người lính Trường Sa kể, đó là dấu tích của kiểu nhà “cao chân” xưa cũ (tựa như nhà sàn của người miền núi). Giữa chốn bịt bùng sóng gió này, đứng chân trên những kiểu nhà này thì quả là “chung chiêng” thật. Cái cảm giác mà nhà thơ Trần Đăng Khoa có lần miêu tả rằng “Lều bạt chung chiêng giữa nước giữa trời/Đến một cái gai cũng không sống được”.

Thế nhưng, giờ đây, ngay bên cạnh nó, là thế hệ thứ 2, thứ 3 của những khu nhà mới bằng bê-tông bề thế và vững chãi. Một kiểu nhà hoàn toàn khác hẳn với những lối kiến trúc ở trên đất liền. Đó là những tổ hợp dân sinh lẫn quốc phòng hình bát giác trên những tầng vỉa san hô, đá ngầm, hòng che chắn cho những người lính trên đảo tránh được những cơn giông gió Trường Sa.

Từ “lều bạt chung chiêng” với những chiếc cọc bằng bê-tông đến khu nhà kiên cố kia, bao thế hệ công binh phải trần trùng trục dầm mình xuống cái mặt đáy lổm nhổm những san hô, đá ngầm sắc cạnh, vật lộn với từng cơn sóng dữ để tạo thế vững chãi cho những khối nhà neo lại trước sóng gió Trường Sa. Nước mắt, mồ hôi mặn hơn muối bể và còn cả máu họ đã đổ xuống đây.

Gần ngay lối vào đảo Tốc Tan B có một ban thờ nhỏ là nơi thờ tự của 4 liệt sĩ của lớp thế hệ công binh ấy. Đó là Liệt sĩ Lâm Sơ Đệ (quê ở Tuy Hòa, Phú Yên); Trần Kim Ánh (Nha Trang, Khánh Hòa); Trương Văn Vĩ và Trần Ngọc Hiệp ở TP.Hồ Chí Minh. Họ đã ngã xuống trong ngày 27-11-1988, vì một trận giông lốc trong lúc lặn ngụp trên bãi ngầm san hô giữa trời nước Trường Sa ấy.

Và giờ đây, người lính đảo Tốc Tan B vẫn ngày ngày dâng lên ban thờ của họ đầy đủ khói hương, hoa quả, trà nước. Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nói rằng: “Có ra Trường Sa mới thấy chí cả của cha ông ta từ nhiều thế kỷ trước đã vượt sóng dữ để vun vén cho giang sơn. Nay ra Trường Sa đã thấy nhiều đổi thay về cảnh vật, duy chỉ có những con người Việt Nam là vẫn giữ cốt cách gan góc của cha anh. Xưa có Trường Sơn, nay có Trường Sa để thử thách bản lĩnh Việt Nam”.

Hôm ở đảo Tiên Nữ, chúng tôi cứ tiếc mãi vì chưa được đặt chân lên Trạm hải đăng cũng có cùng tên với đảo này. Nhưng cũng may mắn là bởi đã gặp mặt với vị Trạm trưởng nhà đèn. Trạm hải đăng Tiên Nữ, thuộc Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (Bộ Giao thông vận tải). Đây là trạm hải đăng xa đất liền nhất của đất nước về phía Đông. Trưởng trạm Bùi Văn Sơn, (người gốc Hải Dương) sang đảo Tiên Nữ nhận quà của từ đất liền là một người mặn chuyện. Anh Sơn tả cho chúng tôi rằng, nó là một ống trụ tròn, với diện tích sàn chừng 50m2, là khu ăn ở, sinh hoạt, trồng rau, nuôi gà, vịt tăng gia sản xuất...

Theo cái vòng quay 6 hoặc 9 tháng vào đất liền một lần, thì tuổi công tác trên các trạm hải đăng trên vùng biển Trường Sa này của anh đã lên đến 21 năm, với 13 cái tết ở ngoài này. Trạm hải đăng cao 27m, nhóm chớp 2+1, chu kỳ 1 giây.

Để giữ cho luồng sáng ngọn đèn này hoạt động suốt 24/24 giờ, 4 anh em trên trạm phải thay nhau trực, với mục đích quan sát khu vực hàng hải, dẫn dắt các tàu thuyền đi qua khu vực trong bán kính 15 hải lý. Ngoài ra, nhà đèn còn có nhiệm vụ xem trên biển có xảy ra sự cố hàng hải gì không, để phối hợp với hải quân làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn trên biển.

Giờ giải lao của lính đảo.
Giờ giải lao của lính đảo.

Nghe anh Sơn kể, thì sự hiện diện của các trạm hải đăng trên vùng biển cực đông này, cũng là một dạng hay hình thức khác của cột mốc chủ quyền. Song, nhiệm vụ đặc biệt của kiểu “cột mốc” này là phát ra ánh sáng chủ quyền, góp vào hải trình suôn sẻ “đi đến nơi, về đến chốn” của tàu thuyền, kể cả tàu thuyền quốc tế qua lại nơi đây.

Một diện mạo chủ quyền khác trên vùng biển này là sự có mặt của các “làng chài” và Trung tâm dịch vụ kỹ thuật hậu cần cho thuyền đánh cá của ngư dân. Những “làng chài” nổi này sẽ là nơi sum vầy, tụ họp của những bạn thuyền đi biển.

Trung úy Đậu Bá Quý, Phân đội Trưởng làng chài đảo Núi Le vỡ vạc cho tôi rằng, làng chài là một tổ hợp của những công trình nhà ở; khu vui chơi, giải trí cho ngư dân; âu tàu trú tránh bão cung cấp các nhu yếu phẩm, thuốc men, rau củ quả, nước ngọt, lẫn sửa chữa tàu thuyền. Gần như các dịch vụ ở đây tất tật đều miễn phí. Bà con chỉ phải chịu phần chi phí máy móc hỏng hóc phải thay thế, giá dầu thì vẫn giữ nguyên như ở trên đất liền. Về lâu dài, đây là những “cứ địa” vững chắc, giúp ngư dân neo bám bền vững hơn, mạnh mẽ hơn trên vùng biển của Tổ quốc. 

Từ “chung chiêng lều bạt...”, ngày nay, giữa những lô nhô đảo chìm đảo nổi, Trường Sa đã có diện mạo mới của vùng biển chủ quyền, hứa hẹn một sự quần tụ của những thế hệ người Việt ở vùng phên dậu viễn đông này trong nay mai.

Dương Công Hợp

Kỳ 5: Tổ quốc bắt đầu ở nơi này