.

Tổ quốc phía trùng dương - Kỳ 1: Chạm vào phần "máu thịt" thiêng liêng

Thứ Bảy, 14/01/2017, 07:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Có lẽ, mấy trăm năm về trước, cha ông ta không nghĩ rằng rồi một ngày, lớp lớp con cháu của mình sẽ vươn ra với sức mạnh “lấp biển” để bồi đắp, dựng xây nên hình hài, máu thịt của Tổ quốc trên vùng phên dậu phía đông này. Ấy là tôi đang nói đến các đảo mà chúng tôi đã được đặt chân đến trong hải trình dằng dặc suốt gần 1 tháng trời lênh đênh trên biển Trường Sa. Đó là: Đá Lớn, Cô Lin, Len- đao, Tốc-tan, Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ, Núi Le, Phan Vinh. Mênh mông nơi sóng cả ấy, thỉnh thoảng lại đột khởi lên những công trình kiên cố như những cột mốc chủ quyền giữa biển. Có đến 6/8 đảo chỉ là những bãi san hô, đá ngầm, ẩn trong sắc nước biển xanh hy vọng.

Đêm đầu tiên của hải trình, biển như thử lòng người bằng những con sóng cấp 5, cấp 6 cứ thúc những đòn vu hồi vào mạn tàu. Thân tàu lắc lư như đưa võng theo nhịp sóng dồn, khiến chúng tôi xây xẩm, tối tăm mặt mày. Đầu óc cứ vang váng, lưng lửng, loạng choạng như người say.

Điểm đảo chìm Đá Lớn B.
Điểm đảo chìm Đá Lớn B.

Lúc còn nhấc được bước chân thì ai nấy đều nắc nỏm như mong ngóng, như chờ đợi, săm soi dò từng sắc nước, lúc màu nước hến, lúc trầm trầm một màu tia tía lạ lẫm. Có khi sắc nước, màu trời hòa vào một màu nâu đen kịt những mây mưa, thoắt đến, thoắt đi. Tờ mờ sáng, đang lơ mơ, chập chờn trong giấc ngủ, bỗng phát lên những tiếng gà gáy từ trên bong.

Vẫn là tiếng gà ấy, nhưng ở giữa biển trời quê hương, tiếng gà vừa quen thuộc, thân thương, lại vừa có điều chi mới là lạ. Cơn say sóng rồi cũng mau chóng đi qua vào ngày thứ 2 trong hải trình mùa xuân này, biển lặng hơn, sóng nhỏ dần. Chân trời phía đông rạng lên chút nắng hồng. Mỗi lúc, tàu càng tiến sâu vào vùng biển Trường Sa. Theo như thông báo của chỉ huy đoàn, chỉ chừng 1 đến 2 tiếng nữa là thấy đảo.

Cuối cùng, mắt chúng tôi đã “chạm” được vào một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Đảo chìm Đá Lớn, với 3 điểm đảo Đá Lớn A, Đá Lớn B và Đá Lớn C hiện dần trong sắc nước xanh màu da trời. Từ trên tàu (cách đảo hơn 1 hải lý) nhìn sang, đã thấy nối liền một dải trầm trầm một màu sẫm nâu suốt mấy trăm hải lý từ đất mẹ là khoảng nước xanh nõn bao quanh lấy những ngôi nhà nổi 3, 4 tầng kiên cố.

“Đảo hiện dần trong màu nước xanh lam/ Cái giọt máu dưới ngầu ngầu bọt sóng/ Tổ quốc ơi, tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống...”. Chắc có lẽ, ngày trước, cũng với tâm thế này, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết nên những vần thơ rất gợi nói trên. Trong tầm ngắm ống kính máy ảnh, một hàng chữ “đỏ tươi như máu hiện lên” (Tảng san hô-Nguyễn Gia Nùng): “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Mỗi điểm đảo đều cắm lá cờ đỏ, sao vàng tung bay hiên ngang trong nắng mai, tựa như cả hòn đảo ấy chính là cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên biển.

Cờ Tổ quốc tung bay trên biển quê hương.
Cờ Tổ quốc tung bay trên biển quê hương.

Từ cả mấy trăm năm trước, sau đằng đẵng mấy ngày trên biển, bước chân cha ông ta cũng đã từng đến vùng biển này, đặt định mốc giới, cương vực lãnh thổ, khẳng định chủ quyền cho chúng ta ngày hôm nay từ khi nó còn là những hoang đảo.

Lạ nỗi, tàu càng tiến đến gần các điểm đảo, người mẹ biển vĩ đại kia càng hiền hòa, chứ không cuồng nộ như lúc trước. 10 giờ sáng, tàu đã cắm neo ngay gần bãi ngầm san hô điểm đảo chìm Đá Lớn B, thế nhưng, phải đến sáng hôm sau chúng tôi mới được lên đảo.

Một đêm tàu cắm neo trên biển, mà nói như Đại tá, Phó Lữ trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác Nguyễn Hưng là để đoàn hồi sức trước khi vào đảo. Với chúng tôi, đấy là một “khoảng lặng” không hẳn để chúng tôi tác nghiệp “từ xa”, mà còn để những người đến Trường Sa có thời gian dồn tụ, lắng đọng lại những cảm giác khó định hình của một người con nước Việt, lần đầu được ra nơi vùng biển cực đông này. Đây là nơi mà sử sách cha ông xưa gọi là “Đại Trường Sa” hoặc “Bãi Cát Vàng”.

Từ nửa đầu thế kỷ XVII, cứ mỗi năm, các Chúa Nguyễn đều tổ chức các đội dân binh Hoàng Sa và Bắc Hải dong thuyền ra 2 quần đảo (Trường Sa và Hoàng Sa ngày nay) thu lượm hàng hóa, vũ khí trên các tàu mắc nạn và đánh bắt hải sản quý về dâng nộp. Năm 1815, 1816, vua Gia Long cho thủy quân và đội Hoàng Sa ra khảo sát và đo đạc đường biển. Đến những năm 1834, 1835 và 1836, nhà Nguyễn còn đến đây tiến hành khảo sát, dựng bia, cắm mốc, trồng cây. Từ đó, quần đảo Trường Sa được xác lập như là phần máu thịt không thể tách rời của nước ta.

Vận chuyển hàng hóa vào đảo.
Vận chuyển hàng hóa vào đảo.

Tỉ mỷ và chi tiết hơn, tài liệu Quân chủng Hải quân (2007) cho biết rằng, Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo, bãi đá, bãi cạn, bãi ngầm, với diện tích khoảng 160 đến 180 ngàn km2, nằm ở phía Đông-Đông Nam bờ biển Nam Trung Bộ, trong giới hạn từ vĩ độ 06030’N đến 12000’00’’N và từ 111030’00’’E đến 117030’00’’E, thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong số hơn 100 đảo, bãi san hô, chỉ có 23 đảo và bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước.

Thực chất đó là những đỉnh nhô cao của một cao nguyên ngầm với tổng diện tích khoảng 414.000km2. Bao quanh đảo là thềm san hô nước nông. Vừa ra khỏi thềm nước nông kia, độ sâu đột ngột rơi xuống từ vài trăm đến vài nghìn mét.

Hai chiếc xuồng nhỏ nhanh chóng được hạ thủy, làm nhiệm vụ cấp lương thực, thực phẩm. Mê mải ngắm nhìn những khối nhà bằng bê-tông vững chãi, nghiêm ngắn trên biển, chúng tôi, ai nấy đều lặng người đi. Những đảo chìm ấy ngày nay, chính là phần nổi của những ngọn núi san hô ngầm dưới lòng biển. Bên trên những “núi” san hô ngầm ấy là một khoảng nước êm ả, phẳng lặng, lúc màu xanh dương, lúc sẫm màu tùy theo độ sâu (từ 1 đến 3m) của mực nước, rộng hàng chục, có khi hàng trăm km2.

Đêm xuống, nhìn những ánh đèn hắt ra từ đảo giống như những ánh mắt  giữa biển đen đặc giữa ngàn vạn con sóng. Con tàu cứ dập dềnh, lắc lư theo nhịp sóng nhồi, duy chỉ có “ánh mắt” ấy là vẫn đăm đăm một ánh nhìn bao quát một vùng biển, đảo của Tổ quốc. Chỉ cần hình dung rằng, giữa bịt bùng sóng gió lúc khuya khoắt này, ngư dân chúng ta sẽ vững tâm và tự tin biết chừng nào khi thi thoảng nhoi người hướng ánh nhìn về phía thứ ánh sáng chủ quyền này?

Dương Công Hợp

Kỳ 2: Thao thức... Trường Sa