.

Năm tháng Kiến Giang

Thứ Sáu, 02/12/2016, 09:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy đang được mở rộng để trở thành một đô thị tầm vóc hơn trong tương lai. Một đô thị lớn với tiềm lực kinh tế tương xứng là đòi hỏi khách quan. Nhưng vùng đất này vẫn còn nghèo với những “khuyết tật” mà tạo hóa đã tạc vào nó rất cần được chỉnh sửa...

Phá thế cách sông, trở đò

Có lẽ sự kiện lớn nhất sau chiến tranh ở Lệ Thủy, đặc biệt với vùng giữa là cầu Phong – Xuân nối đôi bờ Kiến Giang được hoàn thành vào cuối năm 1976. Niềm vui khôn tả, vì đó là ước mơ nghìn đời của cư dân đôi bờ sông Kiến Giang đoạn chảy qua Lệ Thủy.

Hồ chứa An Mã, “bầu sữa” cho đồng lúa huyện Lệ Thủy.
Hồ chứa An Mã, “bầu sữa” cho đồng lúa huyện Lệ Thủy.

Sau cầu Phong-Xuân, cầu Phong Liên cũng được xây dựng 5 năm sau đó trên một nhánh khác của dòng Kiến Giang. Và sau ngày đất nước thống nhất gần ba chục năm, một cây cầu nữa lại được khởi công trên đoạn sông đẹp nhất, rộng nhất của dòng Kiến Giang.

Chiếc cầu này trở thành “anh cả” trong những cây cầu vượt dòng Kiến Giang và cũng vì thế nó “vinh dự” được mang tên của chính dòng sông này - cầu Kiến Giang. Tiếp đó cầu Phong-Liên và cầu Phong-Xuân cũng được đập bỏ để xây lại hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Có lẽ bây giờ ít ai nói rằng vùng giữa Lệ Thủy, đặc biệt với thị trấn Kiến Giang là vùng sông nước, cách sông trở đò. Ba chiếc cầu hoành tráng trong vòng bán kính chưa đến một cây số đã vô hiệu hóa cái sự “chia cắt” của dòng sông không rộng lắm nhưng quanh năm nước đủ đầy khá hung hãn về mùa lũ.

Nhưng ba chiếc cầu hình như chưa “phủ sóng” hết thị trấn này, đặc biệt khi nó được mở rộng. Bởi vậy, khi phá cầu cũ Phong-Xuân để xây cầu mới ngay chỗ cầu cũ, nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao không xây cầu ở chỗ khác, cầu cũ sửa lại tý chút là còn dùng tốt? Và khi đó thị trấn Kiến Giang lại có thêm một cây cầu. Ý kiến phản biện này xem ra có lý.

Bởi cầu cũ Phong-Xuân hẹp nhưng còn tốt và nếu giữ lại có thể nó chỉ dành cho phương tiện thô sơ, người đi bộ, xe máy, xe con còn các phương tiện khác đã có cầu Phong-Liên và cầu Kiến Giang (với khoảng cách khá gần) để vượt qua sông Kiến Giang và nối với các khu cực khác trong thị trấn.

Nhưng chưa hóa giải được ngập lụt

Ba chiếc cầu đã hóa giải cái sự chia cắt của sông Kiến Giang nhưng một vấn nạn khác của vùng đất này vẫn hiện hữu: lũ lụt ! Quả là lũ lụt, tai ương ngàn đời nay trên vùng đất này cứ đến hẹn lại lên và gây ra bao nỗi truân chuyên cho người dân và kìm hãm cả sự phát triển kinh tế - xã hội ở đây. Chúng ta chưa có giải pháp gì “đủ mạnh” để khắc chế được lũ, “sống chung với lũ” là giải pháp bất đắc dĩ, yếm thế...

Theo các số liệu của các cơ quan chức năng ở huyện Lệ Thủy, cao trình vượt lũ của vùng giữa Kiến Giang là 4,0 mét so với mực nước biển. Nhắc lại là trận lũ lịch sử năm 1979 có mực nước là 3,85 mét so với mực nước biển ( tại trạm thủy văn Phan Xá). Nhiều ý kiến cho rằng trước mắt cần tạo nên những “điểm nhấn” vượt lũ. Đó là xây dựng những tuyến đường có cao trình vượt được lũ.

Trong đó trọng tâm là tuyến dọc vùng giữa và tuyến ngang nối vùng giữa với đường Hồ Chí Minh. Ý tưởng này đã được đề cập đến khá lâu nhưng hình như chưa có chuyển động gì mới, cụ thể. Đường 16 mới được xây dựng nhưng đáng tiếc là mới chỉ có cầu Kiến Giang trên tuyến là vượt được lũ, còn toàn tuyến đường nhiều nơi có cao trình chỉ đạt 2,7 mét. Những trận lũ lớn nhiều đoạn bị ngập trên 1,0 mét.

Trong tương lai,  Kiến Giang là một đô thị có tầm vóc. Nhưng thật vô lí khi có một đô thị thường xuyên bị nhấn chìm trong lũ. Qua một mùa lũ chỉ riêng việc dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa, công sở, trường học, siêu thị, bệnh viện... đã phải tốn một số kinh phí, công sức không nhỏ của từng gia đình, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... Cộng các con số ấy lại chắc chắn sẽ là một tổng số khổng lồ góp phần kéo lùi sự phát triển của một vùng đất.

Chưa nói đến sự gián đoạn các hoạt động vì lũ ở một thành phố. Lũ ở Lệ Thủy cũng rề rà lắm, có bận dăm bảy ngày nhưng cũng có nhiều mùa lũ kéo dài cả chục ngày nước mới chịu rút... Vì vậy, về lâu dài phải nghĩ ra cách gì để vượt lũ cho thành phố tương lai này?

Nâng cao vùng đất ở của khu vực Kiến Giang là vấn đề bức thiết và là giải pháp có thể thực hiện được trong điều kiện “thời gian không hạn chế”, phù hợp với một địa phương nghèo. Bởi diện tích vùng đất ở (những chỗ thấp cần phải tôn cao để chống ngập lụt) của thị trấn Kiến Giang không quá lớn, kể cả khi mở rộng. Lâu nay người dân vẫn coi tôn cao nền nhà là việc quan trọng, nhưng diễn ra tự phát và thiếu quyết liệt, vì tâm lí “nước lụt lút cả làng”. Hơn nữa vùng giữa đâu sẵn đất để tôn cao nền nhà?

Từ những vấn đề trên thiển nghĩ cần tập trung đẩy mạnh một số việc, có việc cấp bách, có việc thuộc về lâu dài nhưng phải có định hướng ngay từ bây giờ. Đó là phải tạo ra phong trào vượt lũ trong xây dựng nhà ở mới và cải tạo nhà ở cũ trong khu vực dân cư. Làng tôi, hiện có khoảng 3% số hộ (khoảng 12-13 hộ ) nhà không bị ngập lụt trong những trận lũ lớn. Cách đây nửa thế kỷ con số đó chỉ 1-2 hộ.

Chính quyền các cấp cần tạo nên những khu vực “vượt lũ” để xây dựng những công trình công cộng như trường học, bệnh viện, nhà văn hóa... Với những công trình lớn phải coi “vượt lũ” là một tiêu chí trong đầu tư xây dựng. Để tạo điểm tựa cho giải pháp này, chính quyền cần có quy hoạch tạo nên những “mỏ đất” dành riêng khai thác phục vụ “vượt lũ”.

Và nghèo khó vẫn đang ám ảnh

Khi bước vào thế kỷ 21, (nghĩa là trước đây hơn 16 năm) tôi đã có chuyến đi ngược dòng Kiến Giang lên đến thượng nguồn và sau đó có bài viết “Nước Kiến Giang còn trong, còn mát?” trên báo Quảng Bình. Vâng, nước Kiến Giang vẫn còn trong, còn mát, chỉ có ô nhiễm tý chút từ sự vô thức của con người. Và sự ô nhiễm đó cũng “lành tính”.

Và từ đó đến nay chưa thấy ai nói đến sự ô nhiễm trên dòng Kiến Giang nói riêng và Lệ Thủy nói chung. Bởi một điều đơn giản, là Lệ Thủy có nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp lớn nào đâu mà có thể gây ra ô nhiễm công nghiệp, ô nhiễm “ác tính”. Đây có phải là cội nguồn của những hệ lụy khác, trong đó có sự... chậm phát triển?

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, bên cạnh những thành tựu có được thì còn nhiều... bất cập. Em họ tôi có mấy đứa là nông dân chính hiệu. Mấy chục năm nay lao động trên đồng của chúng không thay đổi là bao. Có chăng, ngày xưa nó đi bộ ra đồng, còn nay đi xe máy; ngày xưa làm cả buổi, nay làm độ một, hai tiếng đồng hồ...

Trước mặt làng tôi vẫn cánh đồng ấy, vẫn là cây lúa, vẫn những thửa ruộng nhiều màu sắc khi đến mùa gặt bởi lúa chín không đều... Cảnh làm ăn của nông dân làng tôi và nói chung cả huyện Lệ Thủy hình như không mấy khác so với mấy chục năm về trước. Hiển nhiên, cái “khác” muốn nói đến ở đây là cái khác mang sắc màu làm ăn lớn nhằm tạo ra hàng hóa chất lượng cao, để giải phóng sức lao động của cả vạn nông dân đang khao khát lao động, khao khát làm giàu.

Sau lũ, những cánh cò lại về trên đồng ruộng Lệ Thủy.
Sau lũ, những cánh cò lại về trên đồng ruộng Lệ Thủy.

Cũng có lý khi ai đó nói sản xuất nông nghiệp đã ngủ quên trên thành tích “khoán 10” cách đây cả mấy thập kỷ. Bây giờ chúng ta mới nói đến tích tụ ruộng đất, sản xuất lớn... nhưng chưa thấy một cơ chế nào đủ mạnh để tạo ra sự chuyển biến đó trên mảnh ruộng của nông dân. Dăm bảy năm về trước cũng với chủ đề “tích tụ ruộng đất”, chúng tôi đã về Hoa Thủy để xem những nông dân làm ăn lớn ở đây.

Quả là khi trong tay có khá nhiều ruộng đất họ đã làm nên chuyện và thực sự giàu lên. Nhưng cái cách tích tụ ruộng đất của họ vẫn mang tính cá biệt, không phổ quát và tất nhiên là thiếu bền vững. Có lẽ vì lý do này mà xã Hoa Thủy chưa đẩy lên thành phong trào rộng lớn chăng?

Làm thế nào để một bộ phận nông dân dư thừa ở nông thôn chuyển nghề; làm thế nào để tích tụ ruộng đất cho làm ăn lớn; làm thế nào để những nông dân ưu tú trở thành những ông chủ, những doanh nhân thành đạt ngay trên cánh đồng của họ...? Đó là những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống hôm nay và cũng là tiền đề của phát triển ở vùng đất lao động nông nghiệp đang chiếm số đông.

Dòng Kiến Giang vẫn hồn nhiên xuôi ra biển. Những thế hệ bên dòng sông này vẫn mải miết lao động trên quê hương và vẫn chưa giàu. Cần có những giải pháp có tính đột biến trên vùng quê nghèo này.

Nhưng để tạo nên sự đột biến, khó hy vọng vào một phép mầu nào từ trên trời rơi xuống, mà nó nằm ngay trong quyết sách cụ thể diễn ra hàng ngày của các cấp chính quyền, của những cán bộ được dân giao trọng trách! Bởi trong thực tế, nhiều chủ trương lớn của trung ương lại bắt nguồn từ những việc làm cụ thể, táo bạo vì dân ở ngay từ cơ sở.

Văn Hoàng