.

Nhật ký Trường Sa - Kỳ 4: Lên đảo

Thứ Ba, 19/01/2016, 10:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Đúng 6 giờ ngày 7-1-2016, tàu 561 kéo ba hồi còi dài chào Trường Sa Lớn thân thương trước khi áp mạn vào cầu cảng. Nhưng trước đó, khi đứng trên boong tàu đón bình minh, “thủ đô” của Quần đảo Trường Sa hiện ra trước mắt chúng tôi, hiên ngang giữa muôn trùng sóng nước biển khơi.

>> Kỳ 3: Trên biển

>> Kỳ 2: Lên đường

>> Kỳ 1: Hội ngộ

Trong 21 đảo gồm 9 đảo nổi, 12 đảo chìm Việt Nam xác lập chủ quyền trong Quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đảo Trường Sa Lớn có diện tích lớn nhất với chiều dài phần nổi 630 mét, chiều rộng 350 mét. Độ cao trung bình khi thủy triều xuống mức thấp nhất khoảng 2,4 đến 2,8 mét. Thềm san hô bao quanh đảo, cách kè chắn sóng nơi xa nhất 300 mét và gần nhất 50 mét. Trường Sa Lớn ngày nay trở thành thị trấn Trường Sa thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cách bán đảo Cam Ranh 254 hải lý về phía đông-đông nam.

Ảnh 9 : Toàn cảnh đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa) nhìn từ tàu 561.
Toàn cảnh đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa) nhìn từ tàu 561.

Đón tàu 561 cùng đoàn công tác trên cầu cảng hầu như có mặt đầy đủ đại diện lãnh đạo các lực lượng vũ trang, dân chính; cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.

Cậu chiến sỹ Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1991, quê quán huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có mặt tại cầu cảng từ rất sớm. Cậu bảo: “Vui lắm anh ạ! Lần đầu tiên kể từ ngày ra đảo, em mới thấy hết tình cảm đất liền dành cho huyện đảo chúng em như thế này”. Tâm ra Trường Sa Lớn đúng trọn một năm (cậu nhấn mạnh với tôi: “Anh nhé! chính ngày này, tháng này một năm về trước em có mặt ở thị trấn Trường Sa!”).

Nguyễn Đức Tâm tốt nghiệp Trường đại học Giao thông vận tải Hà Nội, khác với những thanh niên khác, cậu chàng viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Hỏi: “Sao chọn nghiệp binh?”. Trả lời dứt khoát: “Để cống hiến. Môi trường quân đội rèn luyện cho em thành người. Khó khăn, vất vả nơi đảo tiền tiêu giúp em định hướng tương lai của mình”. Hỏi: “Thế em có dự định ở lại lâu dài trong quân đội không?”. Trả lời: “Không anh ạ! Em sẽ theo ngành nghề em học sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở thành kỹ sư cầu đường”.

Thật đúng như câu nói nằm lòng của chúng tôi “Cả nước vì Trường Sa. Trường Sa vì cả nước”.

Cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo rất ấm lòng trước tình cảm tràn trề đất liền gửi tặng Trường Sa, đó không chỉ quà vật chất mà hơn hết là món quà tinh thần vô cùng quý giá”.

Trong 4 tàu hải quân vận chuyển hơn 400 tấn hàng tết cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, 561 là tàu đầu tiên từ đất liền đến đảo Trường Sa Lớn. Quà cho Trường Sa ngoài lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm ngày tết, “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”, bánh kẹo, trà thuốc... hàng trăm con lợn, gà, rau xanh còn có hàng ngàn thùng quà của các cơ quan, đoàn thể, nhân dân trong cả nước gửi tặng.

Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên Trung ương Đoàn trực tiếp ra Trường Sa, cùng với bộ đội, nhân dân trên đảo tổ chức gói 2016 cặp bánh chưng (tượng trưng cho Tết Bính Thân 2016). Để thực hiện, hàng nghìn tấm lá dong, lạt tre, củi đốt... cũng theo tàu 561 đến thị trấn Trường Sa. Tết này, Tập đoàn Khataco Khánh Hòa tặng bộ đội Trường Sa thịt đà điểu ăn tết.

Trên cầu cảng nhộn nhịp cảnh chuyển hàng tết xuống đảo, trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa hồ hởi khoe với cánh phóng viên báo chí: “Chưa bao giờ chúng tôi đón nhận một khối lượng hàng hóa tết nhiều và đến sớm như năm nay.

Thật đúng như câu nói nằm lòng của chúng tôi “Cả nước vì Trường Sa. Trường Sa vì cả nước”. Cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo rất ấm lòng trước tình cảm tràn trề đất liền gửi tặng Trường Sa, đó không chỉ quà vật chất mà hơn hết là món quà tinh thần vô cùng quý giá”.

8 giờ sáng 7-1-2016: Giữa màu trắng của sắc lính hải quân, giữa sắc nắng vàng xuân sớm ấm áp trên đảo phủ xuống bạt ngàn xanh bàng vuông, cây phong ba, cây lá tra (những loài cây đặc hữu trên Quần đảo Trường Sa), đội ngũ phóng viên theo sự hướng dẫn của cán bộ trên đảo tiến hành các nghi lễ: viếng và thắp hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa tri ân các anh hùng liệt sỹ anh dũng hy sinh vì Trường Sa, vì chủ quyền biển đảo quê hương tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Trường Sa; tham gia lễ chùa tại chùa Trường Sa nguyện cầu cho quốc thái dân an, cho biển đảo bình yên, vững vàng trước phong ba bão táp, trước âm mưu bành trướng của các thế lực thù địch.

Sân bay Trường Sa đón chiếc máy bay DH-30 từ đất liền bay ra có nhiệm vụ chuyển một chiến sỹ trên đảo bị đau nặng, cần phẫu thuật kịp thời về đất liền. Đại tá Bùi Đình Dương bật mí cho cánh phóng viên: “Trường Sa Lớn bây giờ mỗi tháng đón tiếp trên 15 chuyến bay. Những chuyến bay bằng máy bay phản lực có cánh loại nhỏ DH-30 đưa đón lãnh đạo cấp cao, cán bộ, chiến sỹ công tác ra đảo; thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn...".

Thời gian đoàn công tác lưu lại đảo Trường Sa Lớn 2 ngày, 2 đêm với hàng loạt nội dung hoạt động: thăm, tặng quà cho cán bộ, nhân dân; thăm các lực lượng bộ đội, nhà đèn, cột hải đăng, trạm khí tượng; đến thực tế các hộ cư dân, chùa Trường Sa, trường tiểu học... phục vụ cho công tác tuyên truyền.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ cùng đón Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 cùng bộ đội, nhân dân trên đảo được tổ chức sớm với các chương trình: gói bánh chưng; đi lễ chùa đầu năm mới; nghe thư chúc tết của Bộ Tư lệnh Vùng IV Hải quân gửi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa; tổ chức dạ hội văn nghệ, hái hoa dân chủ; đón giao thừa...

Ảnh 10 : Quà Tết đến với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.
Quà Tết đến với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.

18 giờ tối 7-1-2016: Tôi có người khách đặc biệt ghé thăm, trung úy Trần Đức Mạnh, sỹ quan thông tin Tiểu đoàn 455, Vùng IV Hải quân, quê quán xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa. Bắt tay thật chặt chào nhau, tôi bảo anh: “Quảng Bình vô chưa kịp tìm đến các anh, các anh đã tìm tới rồi, thấy ngại quá!”. “Ngại chi mà ngại, ở đảo xa, mỗi khi nghe tin đoàn khách mô ra, hỏi xem ai quê Quảng Bình không, nếu có là tìm nhau ngay”. Giữa muôn trùng sóng nước biển khơi, cách đất liền hàng trăm cây số, cách quê hương cả nghìn dặm đường, tình đồng chí, đồng hương thêm thân, thêm quý.

Trần Đức Mạnh từng 3 lần công tác ra đảo, mỗi lần kéo dài khoảng một năm. Lần thứ nhất tại Trường Sa Lớn năm 2009; lần thứ hai năm 2011 ở đảo Nam Yết; lần thứ ba năm 2012 tăng cường cho đảo Phan Vinh và lần này, tôi gặp anh trên Trường Sa Lớn.

8 giờ sáng 9-1-2016: Rồi cũng đến lúc cánh phóng viên chúng tôi chào tạm biệt thị trấn Trường Sa. Cảnh người ở, người đi bịn rịn khó rời. Mấy phóng viên nữ úp mặt vào vai lính đảo khóc ngon lành... Tàu 561 chờ sẵn đoàn nơi cầu cảng, tiếp tục chuỗi hành trình đến với các đảo xa.

Tạm biệt nhé Trường Sa Lớn yêu thương, chúng tôi đi nhưng tình người ở lại. Trong sóng nước Trường Sa, tôi chợt nghe những câu thơ dội về: “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa”

Thanh Long

Kỳ 5: Đát Lát-bản tình ca trên sóng