.

Nhật ký Trường Sa - Kỳ 1: Hội ngộ

Thứ Năm, 14/01/2016, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhà khách Bộ Tư lệnh Vùng IV Hải quân nằm bên chân sóng biển Đông ở thành phố Cam Ranh thuộc khu vực quân sự hoàn toàn, không có nhà dân sinh sống trong vòng bán kính 6km. Đây chính là nơi Bộ Tư lệnh Vùng IV Hải quân đón tiếp cánh phóng viên báo chí cả nước ra thăm quân và dân trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa thân yêu nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

>> Bình yên trên đảo Trường Sa Lớn

Tác giả với đại tá Ngô Mậu Bình, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng IV Hải quân.
Tác giả với đại tá Ngô Mậu Bình, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng IV Hải quân.

11 giờ 30 phút ngày 3-1-2016: Chuyến tàu Bắc-Nam số hiệu SE5 đưa tôi đến ga Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, một tỉnh cực nam Trung Bộ “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” nổi tiếng trong cả nước. Tuy nhiên, chuyến đi lần này của tôi không phải dành cho du lịch, nghỉ ngơi mà sẽ hội ngộ cùng đội ngũ báo chí cả nước trên hành trình ra Trường Sa, hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo lời chỉ dẫn của đại úy Khuất Văn Thịnh, cán bộ Ban Tuyên huấn Vùng IV Hải quân, từ thành phố Nha Trang, tôi tiếp tục di chuyển trên quãng đường gần 60 km về thành phố Cam Ranh, tìm nhà khách Bộ Tư lệnh Vùng IV Hải quân.

Buổi chiều, đón tôi ngay cổng nhà khách không ai khác chính là đại úy Khuất Văn Thịnh. Anh xuýt xoa: “Thông cảm nhé! Không ra đón nhà báo được, vì chỉ mỗi mình phải túc trực ở đây lo cho rất nhiều đoàn”. Bắt tay nhau dung dị, như những người lính, tôi bảo anh, tiếng miền Trung nặng nhẹ, như bản chất người miền Trung: “Không sao đâu anh, miễn anh hướng dẫn đường đi, chúng em tìm ra ngay ấy mà!”

Vậy là bắt đầu từ chiều ngày 3-1, chúng tôi - những người làm báo chính thức bước vào cuộc sống giống như quân đội. Mọi sinh hoạt đều đúng giờ quy định (Mà thực ra cánh nhà báo dù có muốn tìm một nơi nào đó để “bù khú” hàn huyên cũng chẳng có giữa một bên sóng nước và một bên cát trắng mênh mông. Vậy nên ngoài thời gian cơm ăn ngày ba bữa, chỉ còn biết về phòng, hoặc tụm năm, tụm ba nơi sảnh nhà khách uống nước trà tán gẫu).

Chiều ngày 4-1-2016: Phòng tôi ở có thêm thành viên mới, anh Nguyễn Hữu Chí, phóng viên đến từ Báo Ấp Bắc, tỉnh Tiền Giang.

Theo danh sách đăng ký với Quân chủng Hải quân gửi về cho Bộ Tư lệnh Vùng IV Hải quân, tham gia chuyến công tác ra Trường Sa lần này có 101 phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước. Về phía các tỉnh miền Bắc, tôi điểm qua có các phóng viên: Ma Ngọc Hưng, Báo Tuyên Quang; Phạm Hùng Cường, Báo Phú Thọ; Báo Hải Dương; Đài PT-TH Hà Nam; Đài PT-TH Hải Phòng; Báo Thái Bình; Báo Hưng Yên... Báo Hà Nội mới có 2 phóng viên trẻ: Trịnh Tuấn Điệp và Đỗ Chí Đạo.

Cánh báo Đảng miền Trung, Tây Nguyên có tôi: Ngô Thanh Long, Báo Quảng Bình; Nguyễn Thành Trung, Báo Nghệ An; Đặng Văn Nở, Báo Đà Nẵng; Nguyễn Phương Triều, Báo Quảng Ngãi; Vĩnh Thành, Báo Khánh Hòa; Phan Văn Hiếu, Báo Ninh Thuận; Trần Thị Ngọc Ngà, Báo Lâm Đồng; Nguyễn Ngọc Tú, Báo Gia Lai... Từ miền Nam ra có phóng viên Lâm Thị Mỹ An, Báo Hậu Giang; Nguyễn Thành Long, Đài PT-TH Bình Dương; Nguyễn Hữu Chí, Báo Ấp Bắc... Số phóng viên còn lại đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và các bộ, ngành...

 Ảnh 7 : Những chiến sĩ Hải quân tăng cường cho các tuyến đảo Trường Sa trong dịp Tết Nguyên đán 2016.
Những chiến sĩ Hải quân tăng cường cho các tuyến đảo Trường Sa trong dịp Tết Nguyên đán 2016.

Trong đời làm báo của mình, tôi gặp rất nhiều cơ duyên, chuyến công tác Trường Sa lần này cũng vậy, cơ duyên đưa tôi hội ngộ với những người đồng hương Quảng Bình, Quảng Trị đang công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng IV Hải quân: đại úy Hoàng Châu (Hải Lăng, Quảng Trị), phụ trách nhà khách; trung tá Phan Xuân Hải, quê quán huyện Quảng Trạch, tàu 936 đi tuyến giữa: Cam Ranh- Đá Lớn- Cô Lin- Len Đao- Sinh Tồn Đông- Sinh Tồn. Trung tá Hải bảo: “Anh đọc thấy tên chú, mong mãi, tưởng chú theo tàu anh, ai ngờ lại đi tuyến nam. Thôi, cứ cố gắng lên nhé!”.

Đại tá Ngô Mậu Bình, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng IV Hải quân, người huyện Lệ Thủy. Lúc gặp anh, tôi tặng anh tờ ấn phẩm Quảng Bình số Xuân 2016, anh cầm mà cứ xuýt xoa mãi: “Quý quá... quý quá!”. Đại tá Bình có thâm niên công tác trong Quân chủng Hải quân 34 năm. Lúc tôi chuẩn bị lên đường, anh vỗ vai: “Chú nhớ giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh sẽ gửi chú cho đại tá Bùi Đình Dương, trưởng đoàn cánh phía nam nhé! Mai mốt về, anh giới thiệu chú với bà con cô bác Quảng Bình vào làm việc và lập nghiệp ở thành phố Cam Ranh này”.

Ngày 5-1-2016: Bữa cơm trưa tiễn cánh phóng viên cả nước lên đường ra Trường Sa có sự hiện diện của đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng IV Hải quân. Mâm cơm đãi khách thịnh soạn hơn tất thảy ngày thường. Đại tá Sơn chân tình rằng: "Các nhà báo hội quân về đây hầu hết đều ở xa ngái. Những ngày Tết Dương lịch, người dân cả nước đều nghỉ còn các anh, các chị phải di chuyển trên tàu, trên xe để bảo đảm đúng thời gian, lịch trình quy định. Bữa cơm hôm nay xem như chúng ta ăn Tết Dương lịch vậy!".

Đội ngũ báo chí được công bố danh sách, hướng di chuyển, số hiệu tàu ngay ở phút chót. Theo đó tàu 996 đi tuyến phía Bắc, lịch trình: Cam Ranh - Song Tử Tây - Đá Nam- Đá Thị - Sơn Ca - Nam Yết- Cam Ranh. Tàu 936 và tàu 571 cùng đi tuyến giữa, trong đó tàu 936 lịch trình: Cam Ranh - Đá Lớn - Cô Lin - Len Đao - Sinh Tồn Đông - Sinh Tồn - Cam Ranh; tàu 571 theo hướng Cam Ranh- Phan Vinh- Tốc Tan- Núi Le- Tiên Nữ - An Bang - Cam Ranh.

Tôi được phân về tàu 561 đi cánh phía Nam với lịch trình: Cam Ranh- Đá Lát - Trường Sa - Đá Tây- Trường Sa Đông - Đá Đông - Cam Ranh. Danh sách chốt lại cuối cùng chỉ còn 98 phóng viên.

15 giờ chiều, chúng tôi nhận lệnh lên xe di chuyển ra Quân cảng Cam Ranh.

Thanh Long

Kỳ 2: Lên đường