.

Trọn niềm vui...

Chủ Nhật, 01/09/2013, 07:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Niềm vui như nhân đôi khi cầu Văn Hoá, cây cầu thứ ba trên thượng nguồn sông Gianh làm lễ khánh thành, nối liền đôi bờ trong những ngày cả nước hân hoan đón chào Tết Độc lập của dân tộc... Gần trọn một nghìn ngày "nếm mật, nằm gai", chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải cùng các nhà thầu và đội ngũ kỹ sư, những người thợ tài hoa đã "vẽ" nên nét tuyệt đẹp trên dòng sông lịch sử này...

Một nghìn ngày trên công trường xây dựng cầu và đường về xã Văn Hoá! Đấy là con số mà anh Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Chi nhánh 525 Quảng Bình của Công ty CPXD CT 525 Đà Nẵng đã thốt lên khi tôi có lời chúc mừng đơn vị anh đã hoàn thành sứ mạng trên vùng đất phía bắc tỉnh Quảng Bình. Bởi Công ty CPXDCT 525 Đà Nẵng là đơn vị trực tiếp thi công nửa cầu phía bờ Văn Hoá, nơi được coi là "điểm nóng" của công trình.

Có thể nói công trình cầu và đường về xã Văn Hoá là một công trình "đa hệ", bởi có cả cầu qua sông, cầu qua đường sắt và đường bộ. Điểm đầu của công trình nối từ Km 17+ 289 Quốc lộ 12A (xã Cảnh Hoá) kéo dài đến điểm cuối là thôn Hạ Trung xã Văn Hoá với chiều dài ngót 4km, trong đó phần cầu hơn 1km.  5 doanh nghiệp "sừng sỏ" trong làng xây dựng giao thông đã gặp nhau trên bến sông này. Ngoài Công ty CPXDCT 525, có Tập đoàn Sơn Hải, Công ty CP xây dựng Đường Sắt, Công ty CP Đạt Phương và Công ty XD và TM 343. Họ đã đếm từng mẻ bê tông, từng cọc khoan nhồi đóng xuống dòng sông, từng con nước lên xuống và từng ngày đi qua...

Cầu Văn Hoá qua sông Gianh.
Cầu Văn Hoá qua sông Gianh.

"Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay", anh Bình tâm sự, khó khăn thì nhiều nhưng khó nhất là các biện pháp đối phó với Karst...Cái khó đó không chỉ với đơn vị thi công mà trước tiên là với chủ đầu tư. Anh Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Đây là vùng địa chất phức tạp, có nhiều đá vôi phong hoá, nhiều hang Karst đang trong quá trình phát triển với phạm vi rộng, hướng khó xác định...

Trong quá trình thi công có trụ gặp phải 2-3 tầng hang ngầm Karst...Để xử lý những tình huống "đau đầu" này, chủ đầu tư và tư vấn thiết kế đã đưa ra biện pháp thi công đặc biệt, sử dụng nhiều lớp ống vách có đường kính khác nhau hạ xuống tận đáy các hàng ngầm, khoan cọc ngàm qua đáy hang...".

Nhưng khó khăn trong quá trình thi công không chỉ Karst, mà còn có nhiều điều nan giải khác. Đó là công trình  "sinh ra trong buổi khó khăn" với chính sách cắt giảm đầu tư công, vốn cho công trình nhỏ giọt, trong khi lãi suất vay vốn ở ngân hàng tăng cao, rồi phải điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục công trình..., đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) "nóng bỏng" suốt cả thời gian thi công công trình.

Một lần trong chuyến đi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh ra đây kiểm tra tiến độ thi công cầu, khi nói chuyện với chị Nguyễn Thị Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá, phụ trách GPMB của huyện, chị nói vui thôi mà tôi nghe nghèn nghẹn, rằng theo GPMB mà mất đi cả... nữ tính. Để có mặt bằng cho công trình, có đến 223 hộ dân đã phải nhường đất đai, vườn tược, trong đó có 33 hộ phải rời nơi chôn rau, cắt rốn đến vùng đất mới tái định cư...

Một khối lượng công việc GPMB đồ sộ, nhọc nhằn, dai dẳng và cả sự khốc liệt vì thiếu sự hợp tác của một số ít hộ gia đình...Nhưng cũng cần nhắc lại rằng, chính họ, những người phải ra đi đã có một phần hy sinh riêng tư cho công trình thế kỷ này, đừng quên họ!

Một nghìn ngày rồi cũng đi qua, mọi khó khăn, trở ngại và những điều phiền muộn cũng đã lùi về phía sau, như con nước của dòng sông này luôn xuôi ra biển theo tháng ngày. Nhìn cây cầu như nét "vẽ" hoa mỹ qua dòng sông, tôi tự vấn: cây cầu đang làm đẹp cho dòng sông hay dòng sông làm cho cây cầu duyên dáng hơn?

Còn với anh Phạm Quang Hải, đã lý giải cái sự "mềm mại" của bê tông cốt thép bằng "ngôn ngữ" chuyên ngành: Cầu chính vượt sông Gianh có chiều dài 756 mét được thiết kế với 3 dạng kết cấu ứng với 3 công nghệ thi công khác nhau, nhịp chính vượt sông là kết cấu dầm hộp BTCT DƯL thi công đúc hẫng cân bằng đối xứng; nhịp dẫn gồm 5 nhịp dầm Super- T bố trí liên tục nhiệt thi công lắp ghép; còn phần cầu cạn kết cấu dầm khung liên tục BTCT thường dạng dầm bản rỗng thi công đổ tại chỗ...Chính điều này đã tạo sự uyển chuyển, hài hoà trong tổng thể công trình, đặc biệt tạo sự hợp lý với những nút giao thông ở hai đầu cầu, đặc biệt phía đường 12A...

Cầu vượt đường sắt.
Cầu vượt đường sắt.

Bất chợt nhớ lại ngày khởi công, ngày 7 tháng 1-2011, mục tiêu của công trình đã được lãnh đạo tỉnh, chủ đầu tư nhấn mạnh là nhằm phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân các xã khu vực phía nam sông Gianh khi có bão lũ; đồng thời khai thác tiềm năng sản xuất xi măng trong khu vực...Trong nắng chiều thu hanh vàng, đứng trên cầu nhìn thuyền bè xuôi ngược dòng sông, tôi cảm nhận được có những mục tiêu chỉ mới là manh nha, nhưng có nhiều điều đã hiện hữu.

Dòng Gianh êm đềm và hiền hoà nhưng cũng có lúc dữ dằn và man dại. Nhớ trận lũ lịch sử năm 2010, dòng Gianh đã trở nên hung hãn, bên này Cảnh Hoá nhìn sang bên kia là biển nước cuộn chảy đục ngầu... Cầu bê tông cốt thép này có lẽ chưa hoá giải được sự hung hãn của thiên nhiên, nhưng sẽ làm vững tin cho hàng nghìn người dân bên kia dòng sông trong chống chọi với bão lũ. Từ bên đường 12A qua cầu và đi hết con đường bê tông vững chãi, rộng rãi, lại vượt qua đường tàu cũng bằng một cây cầu, thì ngay lập tức chúng ta bắt gặp một nhà máy bề thế đang nhả khói lên trời xanh.

Đó là Nhà máy xi măng Văn Hoá của Công ty TNHH VLXD Việt Nam. Khi hỏi về cảm xúc trước sự kiện cầu Văn Hoá thông xe, Anh Nguyễn Nam Thắng, Tổng Giám đốc nói ngắn gọn: "Thật tuyệt vời! Cây cầu sẽ là "cú hích", sẽ tiếp thêm niềm tin cho doanh nghiệp trong làm ăn thời gian tới...".  Không hẹn mà nên, khi cầu Văn Hoá đưa vào khai thác thì cũng là lúc nhà máy đã chạy thử, những mẻ clenke đầu tiên đã ra lò, quả là "thiên thời, địa lợi..." đối với nhà máy non trẻ đang khai thác tiềm năng lâu nay còn bỏ ngỏ trên vùng đất này...

Lâu rồi kể từ những ngày UBND tỉnh làm việc với địa phương liên quan đến GPMB cho công trình tôi mới gặp lại ông Nguyễn Tiến Hạnh, Chủ tịch UBND xã Văn Hoá. Vẫn cái dáng tất bật vốn có, nhưng khi nói về cây cầu, ông lại đỉnh đạc: Công trình đã làm cho bộ mặt của Văn Hoá sang trọng hơn và sẽ mở nhiều triển vọng về phát triển kinh tế cho địa phương. Và, tụi trẻ đến trường không phải qua những chuyến đò làm thót tim người lớn trong mùa mưa bão...

Trên dòng Gianh lại vắng đi một bến đò ngang, bớt đi những lo toan trong mùa mưa bão và vùng quê nhiều tiềm năng này đang có những cơ hội mới trong phát triển...

Văn Hoàng