Hàn Quốc du ký - Bài 2: Seoul - Cung điện gyeongbokgung

Cập nhật lúc 09:50, Thứ Tư, 03/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày đầu tiên chúng tôi đặt chân xuống sân bay quốc tế Incheon khi có một cơn bão đang tràn qua Hàn Quốc. Cái háo hức được chiêm ngưỡng thành phố từ trên máy bay đã không còn bởi bầu trời đục màu mưa. Đón chúng tôi tại sân bay, phía bạn đã phải chuẩn bị nhiều áo mưa để phục vụ đoàn đi tham quan Đài quan sát Thống Nhất Odusan.

>> Bài 1: Kỳ tích sông Hàn

Đài quan sát Thống Nhất Odusan tọa lạc trên đỉnh Odusan như niềm kiêu hãnh, nhìn xuống 2 con sông là sông Hàn và sông Imjingang. Bạn cho biết rằng, với độ cao 140 mét từ đài quan sát, khi trời trong sáng, du khách có thể nhìn thấy những người dân miền Bắc Triều Tiên làm ruộng phía bên kia biên giới. Tiếc là vì cơn bão nên tầm quan sát bị hạn chế. Ai cũng băn khoăn, lo lắng sợ chuyến đi sẽ không thành công vì mưa bão.

Thế nhưng, sáng hôm sau, cơn bão nhanh chóng qua đi, bầu trời thu nước Hàn trở nên xanh trong và Seoul bừng sáng.

Seoul - một trong mười thành phố lớn nhất thế giới

Ai từng đến Hàn Quốc đều bảo rằng, mùa thu là mùa đẹp nhất ở Seoul, và chúng tôi may mắn có được diễm phúc ấy. Mùa thu ở Hàn Quốc là mùa của các lễ hội, lễ tạ ơn trời, vì thế đến Seoul vào mùa thu là được sống những ngày vui vẻ nhất trong năm và thành phố sẽ đón du khách như những người may mắn.

Ở Seoul, những nét đặc trưng cho quá khứ và hiện tại cùng đan xen tồn tại lẫn nhau. Những cung điện, chùa chiền, lăng tẩm, những bộ sưu tập nghệ thuật vô giá minh họa cho quá khứ hào hùng. Đồng thời, những tòa nhà chọc trời sáng lấp lánh và dòng xe cộ hối hả thể hiện một hiện tại đầy sức sống.

Lịch sử Seoul là lịch sử của Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc), đã trải qua hơn 600 năm chinh chiến và xây dựng. Kinh đô xưa nằm trọn ở phía Bắc sông Hàn, có đủ bốn cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc được bao bọc bởi những thành quách có diện tích khoảng 16 km2 và ngót 100.000 dân. Lịch sử của Hàn Quốc được ghi dấu bằng những cuộc đấu tranh chống xâm lược, đó cũng là nguồn cội hun đúc nên tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc của người Hàn Quốc. Nằm trong khu vực ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, song trên cơ sở của nền văn hóa bản địa bền vững, Seoul vẫn giữ cho mình một bản sắc dân tộc độc đáo. Sự hòa quyện một cách hài hòa và chọn lọc giữa hiện tại và quá khứ tạc nên một Seoul Hán Thành hôm nay.

Không phải ngẫu nhiên mà Seoul trở thành một trong mười thành phố lớn nhất trên thế giới, với 11 triệu dân, chiếm 1/5 dân số Hàn Quốc, GDP lên đến gần 74 tỷ USD. Seoul không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, an ninh - quốc phòng của đất nước mà còn là trung tâm kinh tế của cả nước, đóng vai trò quan trọng bậc nhất của Hàn Quốc về nguồn nhân lực và nguồn vốn. Lịch sử phát triển của Seoul có thể nói được bắt đầu từ cuối những năm của thập kỷ 70.

Đoàn nhà báo Việt Nam trước Cung điện Gyeongbokgung.
Đoàn nhà báo Việt Nam trước Cung điện Gyeongbokgung.

Những năm 60, hình ảnh Seoul được gắn liền với món ăn mà đến bây giờ khi nhắc tới thì hầu như người Hàn Quốc nào cũng nhớ rõ, đó là món Tông-de-chi-ghe (như là món hổ lốn ở ta) - một món ăn mà nhắc đến nó là gợi lại nỗi đau của cả một dân tộc. Những năm đầu của thập kỷ 60, sự thống khổ của người Hàn Quốc thể hiện ở những người dân nghèo đến cùng cực, họ phải nhặt những mẫu xương thừa, những cọng rau thải và những bát cơm đổ đi rồi bỏ vào nấu chung thành món Tông-de-chi-ghe để sống qua ngày. Seoul hôm nay là biểu hiện về sức vươn lên của một dân tộc nghèo khó, cùng cực, đi lên từ lòng yêu nước, tinh thần cần cù, sáng tạo và giàu khát vọng.

Seoul có nhiều cung điện nổi tiếng như điện Gyeongbokgung (chúng tôi sẽ nói đến cung điện này ở phần sau của bài viết), Changdeokgung, Deoksugung... nhiều công viên, chùa chiền, đền đài và ngọn tháp Nam San nổi tiếng.

Tháp Nam San là tháp sóng điện truyền phát sóng truyền hình lớn nhất và cao nhất ở Hàn Quốc được xây dựng vào năm 1975 trên núi Nam San - núi có chiều cao 265 mét. Phải đến năm 1980 Tháp Nam San mới được mở cửa cho người dân tham quan và từ đó trở thành công trình kiến trúc tiêu biểu cho thành phố Seoul. Tổng chiều cao của tháp là 479 mét kể từ chân móng lên tận chót đỉnh. Đứng trên phòng quay ở lưng chừng tháp (cách mặt đất hơn 300m) có thể ngắm tứ phía của Seoul. Phía nào cũng lớp lớp nhà cao tầng mọc lên trên những dãy đồi núi nhấp nhô.

Ngày 9-12-2005, tháp được đổi tên thành Tháp N-Seoul và trở nên mới mẻ, lộng lẫy hơn. Tại cửa vào của tháp N-Seoul là logo chữ N rất lớn với nghĩa chữ N trong Nam San và cả nghĩa "Tự nhiên mới (new nature)". Điểm nổi bật nhất của Tháp N-Seoul mới hồi sinh là mà trình diễn ánh sáng ban đêm. Hằng ngày, từ 7h tối đến 12h đêm, toàn bộ phần thân tháp sẽ khoác lên mình ánh sáng nhiều màu khác nhau vào mỗi giờ đúng. Đây là hình tượng hóa bằng ánh sáng hình dáng của bông hoa đang nở với chủ đề "Hoa của Seoul". Người dân thành phố Seoul thường truyền nhau câu "Bất đáo Nam San bất đáo Hàn", tạm dịch "Chưa đến tháp Nam San là chưa đến Hàn Quốc".

Tìm hiểu các đồng nghiệp nước bạn qua những người phiên dịch, chúng tôi được biết: Đoạn sông Hàn chảy qua Seoul dài 183 km, nối hai bờ bắc - nam bởi 26 cây cầu, trong đó có những cầu nổi tiếng như: Cham-shil, Yung-dong, Tong-ho, Han-Nam, Won-hyo... Qua sông Hàn đi về phía nam là những khu công nghiệp hiện đại, những khu nhà cao tầng nối tiếp nhau trên những ngọn đồi nối dài bên sông. Bờ nam còn có sân bay quốc tế Kim-po và sân vận động có sức chứa 65.000 người - một trong số 10 sân vận động được Hàn Quốc xây dựng phục vụ cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh - Giải vô địch bóng đá thế giới 2002. Seoul cũng đã từng tổ chức Đại hội Thể thao châu Á 1986, Thế vận hội Mùa hè 1988 và Paralympic Games 1988.

Trong hai ngày ở Seoul, chúng tôi đã được đi dạo phố, đi tàu điện ngầm, thăm khu thương mại E-mart. Điều chúng tôi thấy rõ ràng nhất trên đường phố Seoul là tuyệt nhiên không thấy bóng dáng chiếc xe máy nào. Lưu thông trên đường phố toàn xe ô tô các loại, mặc dù các tuyến đường phố rất rộng (từ 4 đến 8 làn xe) nhưng ô tô vẫn nối đuôi nhau kín đặc. Trên phố cũng rất ít thấy người đi bộ. Thành phố Seoul hiện đại và rất sạch, khó mà thấy được những rác rưởi vứt bên lề phố, thậm chí giữa lòng đường như ở ta. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những cử chỉ, hành vi thể hiện ý thức bảo vệ môi trường rất cao của người dân Hàn Quốc.

Tại khách sạn President chúng tôi nghỉ lại, tôi đã thấy một vị khách cúi xuống nhặt mẫu giấy vụn, vô tình rơi ra khi nhân viên khách sạn vận chuyển hành lý, mang đến thùng rác để vào rồi mới quay lại quầy lễ tân làm thủ tục nhận phòng. Tại trung tâm thương mại E-mart, tôi cũng chứng kiến những đứa trẻ khi ăn quà xong chúng vẫn cầm các thứ vỏ bao trên tay cho tới lúc đến chỗ có thùng rác để thả vào. Những hành động đó lý giải vì sao họ có một thành phố sạch đẹp đến như vậy. Và điều này không chỉ thể hiện ở Thủ đô Seoul mà ngay cả khi đi xuống các tỉnh phía nam những ngày sau chúng tôi vẫn thấy phố xá rất sạch sẽ.

Nếu ở trên đường phố chỉ thấy ô tô đi lại, thì xuống tàu điện ngầm mới thấy một xã hội sôi động dưới lòng đất. Đồng nghiệp bạn cho biết, phần lớn người dân Seoul đi lại bằng tàu điện ngầm. Điều đó lý giải vì sao trên các đường phố không thấy xe máy và người đi bộ. Tàu điện ngầm chạy với tốc độ khoảng trên 100km/giờ. Mỗi một ga, tàu điện ngầm chỉ dừng từ 20-30 giây. Vì vậy, phần lớn người dân đi lại trong thành phố bằng hệ thống tàu điện ngầm, tiết kiệm thời gian và bảo đảm an toàn. Ngày nay, ở Seoul có 12 tuyến xe điện ngầm trải dài gần 300 km nối mỗi quận của thành phố và các khu vực xung quanh. Hệ thống các nhà ga và tàu điện rất hiện đại, ở các nhà ga đều có thang máy cuốn lên xuống phục vụ hành khách.

Tháp Nam San về đêm.
Tháp Nam San về đêm.

Với lượng khánh hơn 8 triệu mỗi ngày, hệ thống tàu điện ngầm của Seoul được xếp vào một trong những hệ thống tàu điện ngầm bận rộn nhất trên thế giới. Điều đặc biệt là người Hàn Quốc khi lên tàu điện ngầm mỗi người đều có việc của mình, không có tình trạng trêu chọc nhau, cười nói ầm ĩ. Phần lớn là chú tâm vào máy điện thoại cá nhân có đeo tai nghe (có lẽ phải đến 80%), thỉnh thoảng có người đọc báo, còn lại thì ngồi trật tự. Tận mắt chứng kiến cảnh sử dụng điện thoại di động trên tàu điện ngầm mới hiểu vì sao Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng công nghệ thông tin điện thoại di động và internet cao nhất thế giới.

Gyeongbokgung- Cung điện hoàng gia

Nằm ở phía bắc Seoul, Gyeongbokgung (còn gọi là Bắc cung) là một cung điện hoàng gia được xây dựng lần đầu vào năm năm 1394 bởi vua Taejo - nhà vua đầu tiên cũng là người sáng lập triều đại Joseon. Đây là cung điện chính và lớn nhất của Ngũ Cung.

Cung điện Gyeongbokgung được xây dựng trên mặt bằng bằng phẳng, phục vụ các chức năng chính thức của một cung điện theo quy hoạch và chi tiết kỹ thuật cho một nơi cư trú chính thức để đáp ứng các yêu cầu của thủ đô. Gyeongbokgung là cung điện lớn nhất, biểu tượng cho quyền lực phong kiến của quốc gia.

Qua các triều đại, cung Gyeongbokgung từng bước được mở rộng.  Trong chiến tranh Nhật Bản-Triều Tiên (1592-1598), toàn bộ cung điện đã bị phá hủy. Cung Gyeongbokgung được xây dựng lại vào năm 1868 (thời kỳ nhiếp chính của Daewongun) thành quần thể khổng lồ với 330 dinh thự và 5792 phòng. Tọa lạc trên khu đất rộng 410.000 mét vuông, nơi đây là biểu tượng của Hoàng gia của cả quốc gia Hàn Quốc và là nơi ở của gia đình Hoàng tộc Hàn Quốc.

Gyeongbokgung tiêu biểu cho nền nghệ thuật kiến trúc phương Đông chịu ảnh hưởng của Hán hóa và là niềm tự hào của người dân Hàn Quốc. Gyeongbokgung kết hợp hài hòa giữa bàn tay con người và thiên nhiên, trong khuôn viên có những đại sảnh và những khu vườn được chăm sóc công phu điển hình cho nghệ thuật làm vườn của người Hàn Quốc. Ngày nay, các nghi lễ diễu binh của ngự lâm quân vẫn thường diễn ra để tái hiện quá khứ huy hoàng của các triều đại vua chúa.

Gyeongbokgung cuốn hút du khách không hẳn vì nó là lâu đài với những kiến trúc cổ, đồ sộ được bảo tồn nguyên vẹn và hoàn hảo nhất mà chủ yếu là vì những khu vườn thượng uyển tuyệt đẹp của nó, nơi người Seoul thường đến dạo chơi, ngắm cảnh và nghỉ ngơi.

Cả thời gian hội thảo nữa chúng tôi chỉ ở Seoul hai ngày nên cơ hội chiêm ngưỡng Seoul cũng không nhiều, nhưng với những gì đã được tận mắt chứng kiến cũng đủ để hình dung về một thành phố thủ đô hiện đại, sạch đẹp, văn minh và đặc sắc về văn hóa của đất nước Hàn Quốc.

                                                                                    Hữu Thái


                                                                    Bài 3: Đặc sắc văn hóa Gyeongju











 

,
.
.
.