Niềm vui trên bản Dộ

Cập nhật lúc 06:49, Thứ Ba, 25/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ trên ngọn đồi cao nhìn xuống, bản Dộ (Trọng Hóa- Minh Hóa) như một bức tranh thuỷ mặc giữa đại ngàn Trường Sơn. Hàng chục ngôi nhà gỗ mới kiên cố nằm san sát nhau trên khoảng đồi bằng phẳng. Đó là những ngôi nhà được xây dựng từ chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo" do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện bằng nguồn vốn của Công ty Cảng dịch vụ dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
 

Bản mới Dộ mới giữa đại ngàn Trường Sơn.
Bản mới Dộ mới giữa đại ngàn Trường Sơn.

Trước đây, người dân bản Dộ mới (dân từ bản Tà Vờng chuyển về sống trên đất bản Dộ nên nhiều người vẫn gọi nơi đây là bản Dộ mới) sống ở bản Tà Vờng cách vị trí bản mới bây giờ khoảng 2km, nằm bên kia con nước Khe Dọi.

Đến mùa mưa lũ, bản thường bị cô lập dài ngày. Khó khăn chồng chất khó khăn khi những trận mưa lớn kéo dài trong năm 2010 khiến ngọn đồi cao phía sau bản bị sạt lở nghiêm trọng làm cho bà con hết sức lo lắng, mất ăn mất ngủ. Nhưng mùa mưa năm nay, lòng dân bản Dộ mới đã yên tâm vì đã có những ngôi nhà kiên cố.  

Những ngôi nhà trong mơ

Khung cảnh bình yên trong ánh nắng chiều ở bản Dộ mới làm cho tôi hết cảm giác mệt sau cuộc hành trình dài từ thành phố Đồng Hới lên đây. Bản Dộ mới tọa lạc trên một khu đất khá rộng lớn, bằng phẳng cạnh con nước Khe Dọi, xung quanh được che chắn bởi những ngọn núi cao hùng vỹ.

Nơi đó có 22 ngôi nhà gỗ, vừa được xây dựng hoàn thành cho các hộ dân từ bản Tà Vờng chuyển đến. Nước sinh hoạt được đưa về tận trung tâm bản nhờ hệ thống đường ống dẫn nước tự chảy lấy ở thượng nguồn một con suối. Cách trung tâm bản không xa là điểm trường bản Dộ thuộc Trường tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các em nhỏ trong bản được đi học. Ở đây cũng gần trạm xá quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Ra Mai nên sức khỏe của người dân luôn được quan tâm...

Hơn 3 tháng trước, các ngôi nhà cho bản Dộ mới đã hoàn thành. Dù chưa được làm lễ bàn giao nhưng 22 hộ dân với 118 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mày đồng ý chuyển về ở trước mùa mưa lũ năm nay. Lúc tôi đến, nhiều người dân trong bản cũng mới đi làm rẫy về. Trong niềm vui có nhà mới, Hồ Khai nói: “Đúng là có mơ miềng cũng không thấy”.

Rời nhà Hồ Khai, chúng tôi bắt gặp mấy đứa trẻ đang chơi trên một khoảng đất gần trung tâm bản. Khi được hỏi về việc học hành nơi ở mới, em Hồ Hoan, học sinh lớp 5, bộc bạch: “Trước đây, cứ mùa mưa lũ đến là cháu phải bỏ học vì không thể qua suối, nhưng giờ ra đây ở gần trường học rồi nên cháu không phải lo nữa”.

Già làng Hồ Xếp, nói: “Đời bọ đã qua 86 mùa rẫy rồi nhưng cũng không thể làm nổi một ngôi nhà vững chắc để ở. May có các nhà hảo tâm và Bộ đội biên phòng giúp đỡ mới có nhà mới hôm nay”.

Trưởng bản Hồ Khiên tiếp lời: “Từ ngày được chuyển về nơi ở mới, bà con ở đây vui lắm! Người lớn thì yên tâm sản xuất chứ không lo sạt lở như trước, trẻ con thì nói cười nhiều hơn vì chúng được đi học rất gần. Ở đây chưa có điện lưới quốc gia nhưng hôm vừa rồi có một đoàn cán bộ dưới tỉnh lên khảo sát để làm điện năng lượng mặt trời. Nghe cán bộ nói sang năm sẽ lắp điện nên dân bản miềng càng phấn khởi hơn. Dân bản miềng có nằm mơ cũng không thấy niềm vui như ngày hôm nay”.

Công trình từ “2 nguồn vốn, 4 lực lượng”

Cuộc sống khó khăn của dân bản Tà Vờng những năm trước luôn được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai chia sẻ và trăn trở tìm cách tháo gỡ. Họ đã thí điểm nhiều loại cây trồng, vật nuôi với hy vọng giúp bà con sớm thoát đói nghèo.

Bộ đội Biên phòng Đồn Ra Mai hướng dẫn bà con trồng cây.
Bộ đội Biên phòng Đồn Ra Mai hướng dẫn bà con trồng cây.

Tuy nhiên, điều kiện ở đây quá khắc nghiệt, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên mọi sự đổi thay rất chậm. Đặc biệt vào năm 2010, những trận mưa lớn đã gây sạt lở mạnh. Cả một quả đồi cao sau bản đổ xuống ầm ầm đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của dân bản. Tình hình cấp bách cần sớm giải quyết là tổ chức di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, mặt khác khẩn trương tìm biện pháp giúp bà con ổn định cuộc sống về lâu dài.

Phương án khả quan nhất là chuyển toàn bộ dân bản Tà Vờng đến định cư ở một địa điểm mới. Nhưng để làm được điều này thì vô cùng khó bởi cần một số tiền không nhỏ. Thế nhưng khi nhận được sự bày tỏ của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công ty Cảng dịch vụ dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đồng ý hỗ trợ 600 triệu đồng cho việc chuyển dân. Vậy là 2 nguồn vốn đã sẵn sàng cho việc di dời bản Tà Vờng đến nơi ở mới.  Tuy nhiên, ở địa bàn khó khăn như vậy thì số tiền đó cũng chưa đủ nếu không huy động được lực lượng tại chỗ. Nhưng với sự đồng thuận cao giữa Bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương và dân bản, mùa hè năm 2011, công trình đã được triển khai.

Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay 22 ngôi nhà mới đã được hoàn thành trong niềm vui phấn khởi của dân bản. “Để xây dựng bản Dộ mới, chúng tôi đã thành lập tổ công tác nhiều tháng liền cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Lúc cao điểm, phải phối hợp thêm với Đoàn thanh niên của xã, huyện vào bám bản giúp đồng bào. Điều quan trọng cho sự thành công này là chúng tôi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân vào xây dựng công trình. Sau đó là sự nhiệt tình của anh em cán bộ, chiến sĩ. Chính vì thế mà chúng tôi thường gọi đây là công trình “2 nguồn vốn, bốn lực lượng” - thượng tá Lê Văn Thuận, Chính trị viên Đồn biên phòng Ra Mai tâm sự. 

                                                                                Xuân Vương










 

,
.
.
.