Người họa sĩ Trường Sơn

Cập nhật lúc 14:35, Thứ Sáu, 14/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trên đỉnh Trường Sơn năm xưa, có người chiến sĩ ký họa những trọng điểm khốc liệt, những tấm lòng nghĩa tình dân bản với bộ đội hành quân. Hàng trăm bức ảnh thắm thiết được ông mô tả qua nét vẽ chân thực, sống động. Nay, trở lại cung đường Trường Sơn huyền thoại qua ngã Quảng Bình, ông nói như trở về lại ngôi nhà hùng vĩ ngày xưa.

Nhật ký chiến trường bằng tranh

Đợt trở lại chiến trường Trường Sơn vào tháng 5-2012, do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, người họa sĩ chiến trường Trường Sơn tham gia với tất cả trái tim nhiệt tình. Ông tìm lại nơi chốn các trọng điểm đã đi qua, đã từng ký họa. Ấy là họa sĩ Nguyễn Đức Dụ, một người vui tính và hóm hỉnh. Ngồi ở băng ghế sau cùng, họa sĩ Đức Dụ pha trò bằng những câu chuyện Trường Sơn gian khổ nhưng sâu thẳm chiều kích nụ cười lạc quan của các lực lượng chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn.

Họa sĩ Đức Dụ (bên phải) cùng anh hùng gùi thồ Nguyễn Viết Sinh vui cười phát hiện địa điểm họ đi qua từ trong một khuôn hình chụp.
Họa sĩ Đức Dụ (bên phải) cùng anh hùng gùi thồ Nguyễn Viết Sinh vui cười phát hiện địa điểm họ đi qua từ trong một khuôn hình chụp.

Ông sinh năm 1946, tại Đồng Quang, Gia Lộc, Hải Dương. Thuở nhỏ, mê vẽ những gì thân thương, mộc mạc của trăng sao, đất làng, của đồng cây, rơm rạ, của cánh đồng, trâu kéo... Lớn lên, vào lính Trường Sơn, ông đi khắp các ngã đường trọng điểm từ Đông sang Tây Trường Sơn để vẽ lại những gì trải qua và chứng kiến. Ông kể, cuộc đời ông gắn bó với nét vẽ về Trường Sơn và gia tài của ông quý nhất là hơn 400 bức tranh về đường Trường Sơn. Ông đã có 8 triển lãm về các bức tranh này và đều thu hút đặc biệt công chúng với những bức như Trọng điểm Tha Mé, cua chữ A, Bắn máy bay, Đội điều trị binh trạm 33 (1969), Bốc hàng trong chiến dịch, Tổ trực chiến trên cao điểm Suối Trăng (1971)...

Với ông hơn 400 bức tranh về Trường Sơn là cuốn nhật ký hình ảnh sinh động và chứa chan tình cảm. Ở đó những khốc liệt của đạn bom được cô động, súc tích, ở đó những tình cảm chân phương mộc mạc của đồng bào miền núi và của đồng bào các bộ tộc Lào dành cho bộ đội đều thắm đượm keo sơn.

Những câu chuyện dọc đường

Giữa màu xanh của Trường Sơn hôm nay, ông nhớ, ngày xưa, khi vào vùng A So (Thừa Thiên- Huế) chiến đấu, nghe kể về một người dân bản mù lòa nhưng mỗi ngày vẫn gùi đạn bằng ánh mắt của đứa cháu nhỏ. Ông đã tìm gặp và bức tranh nổi tiếng một thời ra đời, mô tả cảnh ông cháu gùi hàng phục vụ chiến dịch.

Ông còn kể, một lần đi công tác về phía đường 9, Quảng Trị, vào mặt trận, địch đánh rát, ông bỏ hết cọ vẽ, thuốc mực để chiến đấu, liền có tiếng một chiến sĩ hét to: "Đồng chí đừng đánh nhau, hãy vẽ đi. Lúc này không vẽ thì còn lúc nào". Vậy là ông lao vào vẽ, giữa trận địa nóng bức làn đạn, khét lẹt mùi thuốc súng, ông vẽ như đẩy hết tâm hồn vào đó, vẽ như dồn hết sức vóc, tình cảm, dồn hết ý tứ và sức lực vào đó. Thiếu màu, ngồi trên trận địa, ông lấy đất sét trắng hòa nước làm màu vẽ. Bức tranh đó hiện còn lưu ở bảo tàng Tổng cục hậu cần quân đội, và nhiều nhà phê bình từng nói đó là bức tranh thể hiện cái thần "bốc cả thiên nhiên Trường Sơn vào tranh".

Cụm trọng điểm A.T.P mùa khô 1970. Tranh sơn dầu của họa sĩ Đức Dụ
Cụm trọng điểm A.T.P mùa khô 1970 (Tranh sơn dầu của họa sĩ Đức Dụ)

Với bộ sưu tập hơn 400 bức tranh ký họa chiến trường bằng đủ thể loại và bằng nhiều chất liệu, ông kể, có khách nước ngoài muốn trả tiền rất lớn để mua đứt bản quyền bộ tranh này, ông nhất quyết không bán. Và câu chuyện này đến tai Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, ông gọi điện cho họa sĩ Đức Dụ, hỏi rõ sự tình, và nói một câu: "Cậu muốn bán đồng đội à?". Ông liền trả lời thủ trưởng: "Không, em không bán. Em dại gì". Lúc đó tướng Đồng Sỹ Nguyên mới thoải mái vui cười. Với ông đó là kỷ niệm về giữ gìn sự thiêng liêng của nghĩa tình đồng đội, một lòng son sắt, thủy chung để người sống được tự hào, người chết được mát mẻ.

Nay ông đã nghỉ hưu, về sống ở làng Ngọc Hà nhưng vẫn say sưa đi và vẽ nhiều đề tài, cả về Trường Sơn. Với tranh về đề tài này, ông không bán được, nhưng ông vẫn ôm ấp vào lòng mình bởi đó là mạch sống của linh thiêng, là suối nguồn của tình cảm trong sáng, chân thành. Trở lại với đường 9 (Quảng Trị), đường 20, 12, (Quảng Bình) qua ngã Na Phàu (Lào), ở đâu ông cũng quan sát cho một bức tranh tương lai về sức sống mới trên đỉnh Trường Sơn.

Nay trở lại những trọng điểm xưa, họa sĩ Đức Dụ nói như trở lại ngôi nhà thân thương, được gặp lại những chốn xưa đã qua trong khung cảnh thanh bình, được gặp lại linh hồn đồng đội qua những nén tâm nhang giữa nghi nghút khói của mây trờ Trường Sơn càng làm cho ông bồi hồi nhớ lại quá khứ cùng gánh vác trách nhiệm với đồng đội dưới mưa bom bão đạn. Chính những tình cảm đó mà cuộc trở lại này ông ví như trở lại ngôi nhà xưa hùng vĩ cho cả nước hành quân.

                                                                                  Minh Phong

,
.
.
.