Người Rục trong sóng gió đời thường - Kỳ 3: Đường đời không bằng phẳng

Cập nhật lúc 07:16, Thứ Hai, 10/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Cho đến bây giờ, nhờ Bộ đội Biên phòng dạy cho, người Rục đã tự tay làm ra hạt gạo. Nhưng có thể nói rằng đại đa số người Rục  vẫn chưa thực sự hiểu về tài sản, chưa ý thức quyền sở hữu, chưa “tích cốc phòng cơ"...

>> Kỳ 2: Tập làm nông dân

>> Kỳ 1: Những người thích ở rừng

Con bò đổi... chai rượu

Chuyện như bịa, xảy ra cách đây đã hơn 10 năm ở bản Mò O Ồ Ồ, người kể xin phép không nêu tên của nhân vật. Năm 2001, Nhà nước đầu tư cho các gia đình ở 3 bản  người Rục mấy chục con bò để phát triển kinh tế gia đình. Bò tự nhiên có, lợi chưa thấy đâu, ngày ngày phải chăm nuôi, mệt.

Có người bán hàng rong mang vào bản cái đài cát-xét chạy pin, “hát réo rắt”, ai cũng thèm. Anh bán hàng bảo cái đài ấy giá bằng cả con bò. Bò thì có, đang ngại nuôi, người ta gạ đổi cái đài lấy con bò, “gạ mãi” anh hàng rong đồng ý, dắt bò đi để đài lại. Cả nhà vui, hàng xóm sang nghe nhờ, thật hãnh diện. Chừng được nửa tháng, pin yếu, tiếng hát thành tiếng rên, rồi tắt. Quả pin chảy nước, đi sửa, nghe thợ bảo hết cả đống tiền lại thôi, mang cái cục câm ấy về.

Lại anh bán hàng rong, lần này là anh bán rượu, đang lúc thèm rượu, tiền hết, trong nhà không còn gì để đổi. Ông chủ cũ của con bò mang cái đài câm ấy gạ đổi được chai rượu.

Chuyện mua bán đổi chác của bà con có thể ví như những tấn bi hài kịch, việc trả tiền cho vở kịch ấy luôn thuộc về người Rục. Ông Băn, nhân vật đã được nhắc đến trong bài trước cũng đang có cuộc đổi chác mà giá trị cũng không khác mấy chuyện đổi bò lấy rượu. Cái nhà của ông Băn là nhà gỗ, Nhà nước cho hơn 10 triệu làm, thấy ông ít ở, có người xin “ở hộ”.

Ngoài giúp người Rục làm lúa nước, Bộ đội Biên phòng còn giúp người Rục học chữ để “chống” lại vi rút “thị trường”.
Ngoài giúp người Rục làm lúa nước, Bộ đội Biên phòng còn giúp người Rục học chữ để “chống” lại vi rút “thị trường”.

Hôm gặp ông trong rừng đồng chí sĩ quan Đồn Biên phòng Cà Xèng gặng hỏi ông đã “cho” căn nhà thế nào? Ngập ngừng mãi ông Băn bảo: “Thấy nó không có nhà ở tao thương, tao... cho nó”. Hỏi ông nó có cho ông tiền không, ông gật. Bấm ngón tay mãi không đếm ra được... là mấy, đành bảo “mấy trăm”.

Đau nhất là những chuyện đổi chác liên quan đến hàng viện trợ, gạo cứu đói. Đã có lúc lãnh đạo Đồn Biên phòng Cà Xèng ra cái lệnh cấm mua, bán, đổi gạo cũng như các mặt hàng cứu trợ khác, thực hiện được một thời gian phải bỏ, dân không chịu và cũng vì.... xét về luật, cái lệnh ấy không đúng.

Đồn tăng cường công tác quản lý địa bàn, thấy trường hợp nào có dấu hiệu lừa đảo thì can thiệp sớm. Có lần dân báo thấy người đổi mấy con cá khô lấy 3 bao ngô. Dấu hiệu lừa đảo rõ ràng, cán bộ biên phòng giữ người ấy lại đưa đến gặp “bị hại”. Người bị hại bá cổ đối tượng, bảo cán bộ biên phòng “Nó tốt lắm, thương tao lắm”, thế là huề cả làng!

Trầm kha nạn “đói”...rượu

Từ thuở ở rừng, người Rục đã quen với hai cái đói: đói ăn và đói rượu. Cây đoác hạ xuống một nửa làm bột nhúc ăn chống cái đói ăn, một nửa để lấy rượu chữa cái “đói” rượu. Rượu đoác tê tê say, say bởi dịch cây, thực ra không có chất cồn. Rời rừng về bản, uống rượu nấu thấy cũng ngon, say “đã” hơn.

Không chỉ có ngô, thóc, gạo được dùng để đổi rượu, danh mục “qui ra rượu” ở các bản người Rục giờ không còn thiếu thứ gì: từ mật ong, sợi mây, đọt mây, bơ ốc suối, mớ rau rừng đến cả chuột rừng bẫy được. Đi làm thuê cũng có thể trả công bằng rượu.

Cùng với bát cơm, bát bồi ngô thay dần bát cháo bột nhúc (bột đoác) cái đói rượu cũng được chữa dần bằng rượu nấu, loại này phải mua, đổi. Cách làm cũng vẫn như xưa, bao gạo, ngô một nửa chữa cái đói ăn, một nửa chữa cái đói rượu. Không nấu được thì đổi, chai rượu 0,75 lít đổi bằng 6 lon gạo (1,8kg) hoặc 25 - 30 lon ngô (7-8kg).

Chuyện đổi rượu bằng ngô hay lắm, người mang rượu đến tận nhà đổi, chai rượu trao tay cho người uống, rồi người đổi tự đi tẽ ngô, đong vào bao. Lúc thường đếm cho đúng đã khó, có thêm chén rượu đếm “còn khó hơn trồng cây lúa cho thẳng”, để người bán tự đếm...

Bản Mò O Ồ Ồ có gia đình ông Cao Tứi thuộc loại “nông dân chăm chỉ” thu một năm hơn tấn lúa, nửa tấn ngô, cả gạo hỗ trợ của Nhà nước thêm mấy tạ. Nhưng đến giáp hạt, gia đình ông vẫn thiếu ăn,  cũng chỉ vì ông Tứi là một con “sâu” rượu, nên ông đã đổi ngô, thóc lấy rượu uống hết mất rồi. Gặp chị cán bộ phụ nữ bản Ón hỏi chị xem trẻ con có sữa uống không chị bảo: “Nhà nào bố mẹ uống rượu thì con thôi uống sữa”. Hỏi chị bao nhiêu nhà bố mẹ uống rượu chị xua tay: “Đông lắm không đếm được”. Hỏi về vợ chồng Cao Thắng, cặp vợ chồng ở hang đá Hung Mun chị cho biết: “Nhà ấy cả hai vợ chồng đều thích rượu”.

Chị cán bộ phụ nữ còn kể một câu chuyện “cười ra nước mắt”:  Đợt lũ lịch sử tháng 10-2010, trong khi Bộ đội Biên phòng, cán bộ huyện vượt mưa lũ để đưa gạo, hàng hóa vào cho dân 3 bản người Rục, thì trong bản mấy hộ kinh doanh cũng đóng bè vượt lũ, ra ngoài để chở rượu vào “cứu đói” cho dân...?

Thay lời kết

Có được cuộc sống hôm nay của 364 khẩu, 97 hộ người Rục, công đầu phải kể đến là Bộ đội Biên phòng. Sau cây lúa, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đang tiếp tục trồng cao su thử nghiệm rồi chuyển giao cho người dân. Lo kế sách phát triển bền vững cho cộng đồng người Rục.

Thành công là thế nhưng có một nỗi lo rất thực về loại “vi rút” mới mang tên “thị trường” xâm nhập vào cộng đồng, có thể phá hỏng tất cả, đẩy từng người, từng nhà trở lại cuộc sống ở rừng, ở hang. Đó là một thực tế đáng ngại mà các cấp chính quyền cần phải quan tâm trong quá trình giúp đỡ người Rục hoà nhập cộng đồng.

                                                                        Phan Phương





 

,
.
.
.