.

Thực hư việc rừng phòng hộ Ka Vàng bị phá tan hoang!?

.
10:52, Thứ Sáu, 04/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Minh Hóa do đồng chí Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn vừa đi kiểm tra thực tế tại khu vực rừng Ka Vàng (thuộc rừng phòng hộ Minh Hóa) để xác minh thông tin một số báo điện tử nêu rừng phòng hộ ở đây đang bị tàn phá phá tan hoang…

Sau thông tin một số báo điện tử phản ánh việc rừng phòng hộ ở Ka Vàng (thuộc lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa) đang bị tàn phá tan hoang, ngày 27-4-2018, UBND huyện Minh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Hạt kiểm lâm, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Công an huyện, BCH Quân sự huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa (BQLRPH) và UBND xã Dân Hóa do đồng chí Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu đã đi kiểm tra, xác minh vụ việc. Phóng viên Báo Quảng Bình đã tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Minh Hóa.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Bùi Anh Tuấn (người cầm gậy) cùng đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra tại rừng phòng hộ Ka Vàng.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Bùi Anh Tuấn (người cầm gậy) cùng đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra tại rừng phòng hộ Ka Vàng.

Đoàn kiểm tra đã đến địa điểm thông tin các báo nêu (tiểu khu 124), trên thực tế đây là khu vực rừng thuộc khoảnh 2, tiểu khu 144 do BQLRPH Minh Hóa quản lý, còn tiểu khu 124 là tiểu khu nằm sát biên giới Việt - Lào, cũng do BQLRPH Minh Hóa quản lý, cách bản Ka Ai hơn một ngày đường đi bộ. Đoàn kiểm tra đã theo một con đường mòn có tọa độ: X:473585; Y:1963327 và X:472974; Y:1962277 để đến địa điểm các báo đã nêu ở khoảnh 2, tiểu khu 144. Đây là tuyến đường mòn có độ dốc lớn, vì vậy người dân nếu muốn vận chuyển đồ vật, hoàng hóa đi qua con đường này thì phải kéo chứ không thể vác, gùi được.

Đoàn kiểm tra ghi nhận địa hình, khung cảnh của con đường trùng hợp với hình ảnh mà một số báo điện tử đã phản ánh. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện có 7 gốc cây (phần lớn các loại gỗ nhóm 4 đến nhóm 6) bị đốn hạ nằm trên khoảnh 2, tiểu khu 144.

Trong số 7 cây trên có 1 cây kháo vàng (nhóm 6) cụt ngọn, rỗng ruột bị cưa thành 3 khúc nhưng vẫn để nguyên ở hiện trường; 6 gốc cây còn lại ở hiện trường chỉ còn gốc, cành, ngọn và một số bìa, phần gỗ đã bị lấy đi hết. Cũng trong 7 gốc cây bị đốn hạ trên, có 2 gốc được xác định là còn đứng, 6 cây còn lại đã bị cơn bão số 10 tháng 9-2017 làm bật gốc. Trong 7 gốc cây có 6 gốc đã được lực lượng của BQLRPH Minh Hóa đánh dấu kiểm tra, khai tử trong các lần kiểm tra trước đó (ngày 23-3-2018 và 18-4-2018).

Đáng chú ý trong 7 gốc cây được đoàn kiểm tra phát hiện, tại tọa độ: X472334; Y:1962425 và X:472252; Y: 1962282 có 2 gốc cây re (nhóm 4), có đường kính gốc trung bình là 27,5 cm (gốc cây đã được đánh dấu kiểm tra, khai tử vào ngày 23-3-2018 và 18-4-2018), cạnh gốc cây có một số bìa và một hộp gỗ 0,125m3. Đoàn công tác nhận thấy hiện trường ở 2 gốc cây này trùng hợp hình ảnh mà các báo đã nêu.

Tại tọa độ X:472974; Y:1962277, đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã ghi nhận được điểm trùng hợp với hình một số người đang gùi gỗ (hình ảnh cho thấy là gỗ mun) mà các báo đã đăng. Theo nhận định của đoàn kiểm tra thì số gùi gỗ nêu trên có thể được người dân gùi từ bên Lào về (địa điểm xác định cách đường biên giới khoảng 800m) qua lâm phận của BQLRPH Minh Hóa; điều này trùng hợp là vào thời gian cách đây nửa tháng, lực lượng của BQLRPH Minh Hóa đã bắt được 5 phác gỗ mun như hình ảnh nêu trên. Mặt khác, theo khẳng định của ông Đinh Minh Đức, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Minh Hóa và ông Đinh Thanh Xuân, Giám đốc BQLRPH Minh Hóa, tại khu vực rừng Ka Vàng không có hoặc không còn cây gỗ mun và các loại cây gỗ quý như lim, gõ.

Trong thời gian đoàn liên ngành đi kiểm tra trên thực địa, không phát hiện lâm tặc và các hoạt động liên quan đến phá, khai thác rừng trong khu vực tiểu khu 144. Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy, thời gian qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng đã được các cấp, ngành và đơn vị chủ rừng quan tâm nên đã hạn chế được rất nhiều tình trạng người dân vào rừng khai thác trái phép. Tuy nhiên, một số người dân bản Ka Ai vì tu sửa, làm nhà ở nên vẫn vào rừng phòng hộ do BQLRPH Minh Hóa quản lý để khai thác gỗ trái phép.

Sau khi đi kiểm tra, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Bùi Anh Tuấn đã yêu cầu BQLRPH Minh Hóa, chính quyền xã Dân Hóa và các đơn vị liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Hiện trường tại 2 gốc cây re bị đốn hạ trùng hợp với hình ảnh các báo đã nêu.
Hiện trường tại 2 gốc cây re bị đốn hạ trùng hợp với hình ảnh các báo đã nêu.

“Mặc dù không có việc rừng phòng hộ ở Ka Vàng đang bị tàn phá tan hoang, tuy nhiên việc một số người dân vào rừng khai thác gỗ thì vẫn có. Vì vậy, yêu cầu BQLRPH Minh Hóa, các địa phương, đơn vị liên quan cần tăng hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát để quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn; tránh tình trạng ở một số nơi, khu vực rừng đã bị phá tan hoang rồi cơ quan chức năng mới phát hiện được.

Trước mắt, yêu cầu BQLRPH Minh Hóa (đơn vị chủ rừng) trong những ngày tới tiếp tục đi kiểm tra lại ở những khu vực khác thuộc lâm phận mà mình quản lý; đồng thời kiểm kê lại những cây gỗ đã bị bão làm gãy đổ để có biện pháp xử lý.

Sau các lần đi kiểm tra rừng phải làm văn bản báo cáo UBND huyện, tránh tình trạng như vừa qua, BQLRPH Minh Hóa đã 2 lần đi kiểm tra, có đánh dấu kiểm tra những gốc cây bị đốn hạ nhưng không báo cáo để UBND huyện biết, xử lý…”, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa chỉ đạo.

Phan Phương

 

 

,