.

"Nở rộ" các hình thức cho vay tín dụng đen

.
10:16, Thứ Tư, 11/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Đã có không ít những “rủi ro”, hệ lụy về mặt xã hội cũng như pháp lý xảy ra khi tham gia hoạt động vay vốn tín dụng đen, thế nhưng do thủ tục nhanh gọn, thậm chí không cần thế chấp tài sản, đã và đang khiến cho các dịch vụ vay vốn dạng này ngày càng “nở rộ” trên địa bàn thành phố Đồng Hới.

Từ các tuyến đường lớn ở trung tâm thành phố Đồng Hới đến hang cùng ngõ hẻm trong khu dân cư, xuất hiện nhan nhản thông báo, quảng cáo về các khoản cho vay trả góp, vay lãi suất thấp, vay tín chấp. Theo giới thiệu thì các khoản vay này không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày, thậm chí nếu giới thiệu (giới thiệu người đến vay-NV) sẽ có “hoa hồng”. Với khoản vay tiền gấp từ 5 đến 15 triệu đồng thì người vay chỉ cần có chứng minh nhân dân và hộ khẩu, hoặc chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe là ổn.

Nhan nhản các thông báo cho vay vốn “lãi suất thấp” với thủ tục đơn giản, nhanh gọn.
Nhan nhản các thông báo cho vay vốn “lãi suất thấp” với thủ tục đơn giản, nhanh gọn.

Anh L. (xin được giấu tên) là giám đốc một công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí cho biết: “Từ sau 2013 đến 2015, do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong khi các khoản nợ ngân hàng chưa giải quyết được, để tiếp tục hoạt động, công ty tôi buộc phải “giật gấu vá vai” bằng những khoản vay “nóng”, lãi suất cao.

Hầu hết các khoản vay này đều được thỏa thuận miệng với nhau theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Vẫn biết vay vốn bằng hình thức này, mình phải chịu lãi suất cao, thế nhưng do thủ tục nhanh gọn, có khi lại không phải thế chấp tài sản gì nên phải vay tạm để lo việc trước mắt, chứ không còn cách nào khác”.

Anh L cho hay: “Thủ tục vay tiền cũng rất đơn giản, chỉ cần lập một bản cam kết, thỏa thuận về thời gian trả nợ giữa người cho vay và người vay là có thể vay được”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người tìm đến các nguồn vay vốn này, chủ yếu là những người cần tiền gấp trong một thời gian ngắn, mà không phải thực hiện một thủ tục pháp lý nào. Ngược lại, đánh vào tâm lý cần tiền gấp của người vay, các dịch vụ cho vay này ngày càng “nở rộ”, hoạt động tự do, công khai và gần như không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nào.

Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình cho biết, hiện nay ngoài kênh vay vốn từ các ngân hàng, còn có các công ty tài chính hoặc các hình thức cho “vay nóng”, hay còn gọi là tín dụng đen. Nếu vay vốn từ các công ty tài chính còn có thể kiểm soát được chứ các hình thức vay tín dụng đen thì các cơ quan quản lý khó có thể kiểm soát. Các đối tượng mở dịch vụ cho vay chủ yếu do các tiệm cầm đồ, tiệm vàng, hoặc do “xã hội đen” nắm giữ.

Đối tượng khách hàng vay theo hình thức này thường là những người chơi cờ bạc, cá độ, lô đề. Cũng có trường hợp là những người muốn vay tạm bên ngoài để đáo hạn hoặc trả nợ ngân hàng trong thời gian ngắn. Một số cá nhân, doanh nghiệp nhỏ vì thiếu vốn sản xuất, kinh doanh cũng tìm đến nguồn cung từ tín dụng đen.

Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người tìm đến các kênh vay vốn này là vì vay vốn ngân hàng thường phải trải qua nhiều thủ tục ràng buộc khắt khe và chặt chẽ, trong khi “vay nóng”, vay tín dụng đen, thủ tục đơn giản, ít có sự ràng buộc, nên dễ dàng vay vốn hơn. Tuy nhiên, cũng chính vì các khoản vay này đều là thỏa thuận dân sự giữa hai bên, nên khi xảy ra “kiện tụng” sẽ khó có căn cứ pháp lý để pháp luật can thiệp.

Còn ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, hầu hết những người tìm đến các kênh vay vốn này thường là những người cần một số tiền lớn trong một khoảng thời gian ngắn, mà không phải mất thời gian, công sức làm các thủ tục, hồ sơ gì. Mặc dù các dịch vụ cho vay này được giới thiệu rộng rãi, tuy nhiên không phải ai cũng có thể tiếp cận vay vốn được. Bởi, muốn vay được phải có người giới thiệu, quen biết, hoặc đối tượng cho vay phải nắm được ít nhiều thông tin về tài sản của người vay. Đây thực chất là hoạt động cho vay tín dụng đen.

Bởi, hầu hết các khoản vay này đều được giao dịch bằng miệng. Chiêu thức của những đối tượng cho vay tín dụng đen là khi người vay không có khả năng trả nợ, các đối tượng cho vay liền lập ra một giấy vay nợ, do người cho vay nắm giữ.

Sau một thời gian, các đối tượng này sẽ tự tính số tiền lãi cộng dồn vào tiền gốc, để tiếp tục tính lãi. Vậy là “lãi mẹ đẻ lãi con”, lãi chồng lãi”. Nhiều người phải “ngậm đắng, nuốt cay” để còng lưng trả nợ. Nhưng cũng có không ít trường hợp không có khả năng trả nợ, đã bị “chủ nợ” đe dọa, hành hung hoặc cưỡng đoạt tài sản, hoặc bị kiện ra tòa.

Có nhiều người khi bị kiện ra tòa thú nhận rằng, thực tế họ không vay số tiền lớn như bên khởi kiện đưa ra, thế nhưng họ không đưa ra được bằng chứng gì để chứng minh số tiền mình đã vay. Trong khi đó bên khởi kiện lại có giấy tờ (thường là bản viết tay thỏa thuận giữa người vay và người cho vay) liên quan đến khoản vay này.

Trong trường hợp này, Tòa án buộc phải căn cứ vào giấy vay nợ do người chủ nợ đưa ra. Điều đáng nói là trong các giấy vay nợ này, không hề thể hiện số tiền lãi “con nợ” phải thực hiện, vì vậy Tòa án cũng không có căn cứ nào để xem xét việc cho vay lãi suất quá quy định của pháp luật.

Điều đáng nói, sự nở rộ của các hình thức cho vay này, trong thực tế có sự bắt tay ngấm ngầm với các băng, nhóm "xã hội đen", các đối tượng đòi nợ thuê. Bởi khi người vay không có khả năng trả nợ, những người cho vay này sử dụng các băng, nhóm này như một công cụ để đòi nợ thuê, nhằm dọa dẫm, khủng bố tinh thần, thậm chí đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người khác.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến cho biết, chẳng những phải chịu những hậu quả về mặt pháp lý là buộc người vay phải trả tiền (với lãi suất cao-NV), trong thực tế đã có nhiều trường hợp, người vay không có khả năng trả nợ đã bị các đối tượng cho vay nặng lãi “khủng bố”, đe dọa. Trên địa bàn tỉnh ta, đã xuất hiện nhiều vụ việc đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản của công dân đã bị xử lý theo pháp luật.

Đằng sau loại hình kinh doanh, dịch vụ cầm đồ, liệu có hay không các hoạt động “trá hình” như cho vay nóng, tín dụng đen?
Đằng sau loại hình kinh doanh, dịch vụ cầm đồ, liệu có hay không các hoạt động “trá hình” như cho vay nóng, tín dụng đen?

Các dịch vụ tín dụng đen ngày càng “nở rộ”, hoạt động gần như công khai, thế nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, các cơ quan chức năng vẫn chưa quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nếu không muốn nói là buông lỏng hoàn toàn. Trên địa bàn thành phố Đồng Hới hiện có 177 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có 3 doanh nghiệp và 174 hộ kinh doanh.

Qua công tác quản lý, nắm bắt tình hình, cơ quan chức năng mới chỉ phát hiện được các hành vi cầm cố tài sản không có giấy tờ chứng minh tài sản hợp pháp. Đặc biệt là xuất hiện tình trạng hoạt động cầm đồ trá hình như mua bán xe máy cũ, dịch vụ tài chính.

Theo một cán bộ Công an thanh phố Đồng Hới, mỗi năm Công an thành phố tổ chức triển khai kiểm tra công tác quản lý kinh doanh của các cơ sở một lần. Chỉ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, mới xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất. Hoạt động kiểm tra cũng chỉ kiểm tra việc quản lý tài sản cầm cố có chính chủ, có hợp đồng, và mở sổ theo dõi hay không.

Tuy nhiên, qua kiểm tra chưa phát hiện các cơ sở này thực hiện cho vay nặng lãi, hoặc tín dụng đen. Dù có nghe dư luận nhưng chưa có căn cứ để khẳng định có hay không. Mặt khác người bị hại không báo nên cơ quan chức năng không có cơ sở để có biện pháp ngăn chặn và xử lý(!?).

D.C.H
 


 

,