.

Tranh luận về tính pháp lý của thỏa thuận góp vốn vào OceanBank

.
07:38, Thứ Sáu, 23/03/2018 (GMT+7)

Chiều 22-3, tiếp tục phần tranh luận tại Phiên tòa xét xử vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).

>> Vụ góp vốn vào OceanBank: Viện Kiểm sát đề nghị mức án nghiêm khắc

Các luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều quan điểm nhằm gỡ tội cho thân chủ của mình, trong đó tập trung phân tích về tính pháp lý của thỏa thuận góp vốn vào OceanBank.

Vai trò của Thỏa thuận 6934 trong việc ra nghị quyết đầu tư

Quá trình điều tra và xét hỏi, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng thành viên PVN) đã thừa nhận không có cuộc họp của Hội đồng Quản trị bàn riêng về việc ký Thỏa thuận số 6934 góp vốn vào OceanBank. Song bị cáo Thăng cho rằng điều đó không có nghĩa là các thành viên Hội đồng Quản trị không biết.

Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa tại phiên tranh luận. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa tại phiên tranh luận. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bị cáo Đinh La Thăng đã giải thích việc đầu tư góp vốn này là để xử lý tồn tại của Ngân hàng Hồng Việt. Hội đồng Quản trị đã họp, hội ý, trao đổi nhiều lần để thống nhất cách xử lý các vấn đề của Ngân hàng Hồng Việt, tuy nhiên lúc đó không có văn bản nào thể hiện.

Mặt khác, trước khi ký Thỏa thuận 6934, các cá nhân trong Ban Tổng Giám đốc và Ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt (trong đó có nhiều cá nhân là thành viên Hội đồng Quản trị PVN) đã có những bước khảo sát các ngân hàng khác trước khi quyết định lựa chọn OceanBank là ngân hàng thỏa mãn các điều kiện mà PVN đưa ra.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng cho rằng có nhiều thành viên Hội đồng Quản trị PVN nắm được tinh thần thỏa thuận đầu tư góp vốn mà bị cáo Đinh La Thăng ký với Hà Văn Thắm chứ không phải khi bị cáo Thăng ký thỏa thuận mà Hội đồng Quản trị và Ban điều hành không biết gì.

Theo Luật sư Phan Trung Hoài, một trong những vấn đề quan trọng là cần nhìn nhận, đánh giá về giá trị pháp lý của bản Thỏa thuận 6934 ngày và việc bị cáo Đinh La Thăng ký thỏa thuận này có phải bị coi là hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng PVN bị mất vốn 800 tỷ đồng hay không.

Tất cả các lời khai của bị cáo Thăng đều nêu thỏa thuận hợp tác này không phải là căn cứ góp vốn, chỉ có giá trị làm cơ sở trình lên Hội đồng Quản trị xem xét. Khi bị cáo Thăng ký thỏa thuận góp vốn không họp các ủy viên Hội đồng Quản trị mà chỉ trao đổi miệng, nhưng sau khi có thỏa thuận, Hội đồng Quản trị PVN đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 7289.

Có mặt tại phiên tòa với tư cách người làm chứng, Hà Văn Thắm cũng khẳng định Thỏa thuận 6934 ngày 18-9-2008 chỉ là bản thỏa thuận về nguyên tắc.

Về nội dung này, quan điểm của Viện Kiểm sát khẳng định Thỏa thuận tham gia góp vốn số 6934 ngày 18-9-2008 là cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện các hoạt động góp vốn trong giai đoạn 2008-2011 của PVN.

Mặc dù khai tại tòa, bị cáo Thăng luôn cho rằng thỏa thuận góp vốn 6934 không có giá trị pháp lý, chỉ có tính nội bộ nên việc thực hiện các quy trình góp vốn sau này đúng theo quy định của pháp luật, song đại diện Viện Kiểm sát cho rằng có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Đinh La Thăng biết hành vi của mình là vi phạm và có thủ đoạn che giấu. Đó là việc bị cáo Thăng nhờ một số thành viên Hội đồng Quản trị ký xác nhận việc Hội đồng Quản trị PVN đã bàn bạc, thống nhất về chủ trương PVN góp vốn vào OceanBank.

Tại phiên tòa, các thành viên này đã khai nhận việc ký xác nhận theo đề nghị của bị cáo Đinh La Thăng là không đúng sự thật. Do đó, lời khai của bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa cho rằng hành vi của bị cáo là thực hiện đúng quy định của pháp luật là không có cơ sở.

Tính pháp lý của Nghị quyết 7289

Cáo trạng của Viện Kiểm sát cho rằng mặc dù Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép nhưng ngày 1-10-2008, bị cáo Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết 7289 về việc tham gia góp vốn mua cổ phần OceanBank.

Theo luật sư, quá trình điều tra và khai tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng đã trình bày rõ Nghị quyết này về mặt pháp lý không phải là một quyết định đầu tư. Khai tại tòa, trong phần xét hỏi, bà Phan Thị Hòa (nguyên thành viên Hội đồng Quản trị, nguyên Trưởng ban kiểm soát PVN) cũng khẳng định Nghị quyết 7289 chỉ đồng ý về mặt chủ trương để thực hiện các thủ tục góp vốn, chưa có giá trị pháp lý để chuyển tiền cho OceanBank.

Song, cũng theo bà Phan Thị Hòa, để có thể chuyển tiền, PVN phải có một Nghị quyết đồng ý chuyển tiền. Tuy nhiên, thực tế PVN không ban hành bất cứ Nghị quyết đồng ý chuyển tiền nào nhưng việc chuyển tiền đã được thực hiện.

Bào chữa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN), các luật sư cho rằng trong lần góp vốn thứ nhất, toàn bộ những vấn đề liên quan đến quyết định việc PVN mua cổ phần tại OceanBank đều do những người khác trong PVN tham mưu, thực hiện chứ không phải Ninh Văn Quỳnh.

Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Sau khi Nghị quyết góp vốn 7289 được ban hành, Ban Tài chính kế toán PVN phải thực hiện việc chuyển tiền chứ không phải bị cáo Ninh Văn Quỳnh tự ý thực hiện. Mặt khác, vào thời điểm PVN thực hiện việc chuyển tiền ngày 25-12-2008, bị cáo Ninh Văn Quỳnh đang đi công tác ở nước ngoài nên không liên quan gì đến việc quyết định góp vốn của PVN mua 20% cổ phần, tương đương 400 tỷ đồng tại lần góp vốn đầu tiên.

Trong lần góp vốn thứ hai, bị cáo Ninh Văn Quỳnh cũng không soạn thảo và ký bất kỳ văn bản nào để góp 300 tỷ đồng mua cổ phần của OceanBank.

Lần góp vốn thứ ba với số tiền 100 tỷ đồng, bị cáo Ninh Văn Quỳnh với tư cách Kế toán trưởng đã lập ủy nhiệm chi chuyển 100 tỷ đồng đến OceanBank. Việc làm này cũng là thực hiện thủ tục pháp lý sau khi Nghị quyết góp vốn 4266 do Hội đồng Quản trị PVN thông qua. Luật sư cho rằng, lần góp vốn thứ 3 đã vi phạm quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2011 nên bị cáo Ninh Văn Quỳnh phải chịu một phần trách nhiệm.

Ngày 23-3, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.

Theo Kim Anh-Nguyễn Cúc (TTXVN/Vietnam+)

,