.

Hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho người dân

.
09:22, Thứ Tư, 14/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Quyền tiếp cận thông tin đã trở thành một nhu cầu và một quyền cấp thiết cần phải bảo đảm đối với mọi công dân, bởi thông tin, đặc biệt là thông tin về pháp luật, chính sách và hoạt động của các cơ quan Nhà nước được coi là yếu tố cốt yếu khi mà xã hội được quản lý và vận hành theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền.

Một trong những văn bản quan trọng nhất đó là Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua ngày 6-4-2016, có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2018. Đây là đạo Luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Để triển khai Luật Tiếp cận thông tin, ngày 15-8-2016, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 1286/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu việc tổ chức triển khai thi hành Luật phải bám sát Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tiễn địa phương.

Việc tổ chức, quán triệt, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin đã được tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn tỉnh.
Việc tổ chức, quán triệt, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin đã được tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện kế hoạch số 1286, tỉnh ta đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai luật cho hàng ngàn cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc tổ chức quán triệt, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin đã được tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Quảng Bình, Đài PT - TH Quảng Bình...

Ngoài ra, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát 149 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và văn bản cá biệt có chứa QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ năm 1989 đến ngày 31-7-2017 liên quan đến Luật Tiếp cận thông tin. Trong đó có 77 văn bản còn hiệu lực, 20 văn bản đã hết hiệu lực toàn bộ chưa được công bố, 1 văn bản hết hiệu lực 1 phần, 17 văn bản cần bãi bỏ, 34 văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế...

Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử tỉnh, các sở, ngành, địa phương luôn cải tiến và thường xuyên đăng tải, cập nhật các thông tin theo quy định nhằm tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin và khai thác thuận tiện.

Đặc biệt, trong thời gian qua, các thông tin liên quan đến sự cố ô nhiễm môi trường biển đã được công khai minh bạch. Hàng tháng thông qua việc tiếp công dân từ cấp tỉnh đến xã, các thành viên tiếp công dân đã giải thích, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các thông tin liên quan trực tiếp đến mình...

Là đầu mối tập trung để cơ quan chuyên môn, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính, Trung tâm hành chính công tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2018.

Việc đưa Trung tâm hành chính công tỉnh vào hoạt động là giải pháp để đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước; đồng thời tăng cường tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm nhanh chóng, công khai, minh bạch, không có khâu trung gian, giảm chi phí thực hiện.

Từ đó, góp phần cải thiện chất lượng công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân; thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trung tâm được trang bị các thiết bị để ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, đồng bộ trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính như: tiếp nhận hồ sơ nhận qua đường bưu điện, thực hiện các giao dịch hành chính công trực tuyến ở mức độ 3 và 4, chuẩn hóa thủ tục, hồ sơ, thuận lợi cho việc tra cứu thông tin...

Đến nay, số lượng thủ tục hành chính được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công là 1.021 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; các cơ quan theo ngành dọc được các Bộ, ngành đặt tại địa phương.

Với phương châm “Lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ”, mọi hoạt động của công chức, viên chức tại Trung tâm hành chính công tỉnh đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên qua hệ thống camera tự động. Những phản ánh, vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính sẽ được xử lý kịp thời, tạo lập môi trường làm việc thống nhất, thuận tiện, văn minh, hiện đại, công khai cho người dân, doanh nghiệp và lãnh đạo để chỉ đạo xử lý bảo đảm quy định...

Mặt khác, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, tổ chức có liên quan đã và đang rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp bố trí cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, trình độ làm đầu mối cung cấp thông tin cho người dân...

Có thể thấy rằng, mặc dù Luật Tiếp cận thông tin chưa có hiệu lực song nhiều nội dung của kế hoạch 1286 về triển khai thi hành luật  đã và đang dần hoàn thiện, tạo tiền đề cơ bản khi Luật chính thức có hiệu lực sẽ được triển khai đồng bộ, toàn diện hơn, cơ chế bảo đảm cho người dân thụ hưởng quyền tiếp cận thông tin .

Tuyết Hà-N.Hải



 

,