.

Để giám sát, phản biện xã hội thực chất hơn

.
09:47, Chủ Nhật, 18/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội không những góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, mà còn ngăn chặn, đẩy lùi các điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, theo đánh giá, hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị-xã hội vẫn chưa thực sự rõ nét và còn nhiều hạn chế.

Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí thiết thực như: tham gia tích cực vào việc xây dựng và tuyên truyền các quy định về PCTN, lãng phí; tăng cường giám sát phản biện xã hội; thúc đẩy việc cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch nhằm PCTN, lãng phí, sách nhiễu trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, công tác PCTN, lãng phí của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh vẫn còn hạn chế. Mặt trận các cấp và các tổ chức đoàn thể thành viên vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc tham gia PCTN. Việc phối hợp hành động trong hệ thống mặt trận vẫn chưa thực sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, vì vậy kết quả đạt được vẫn chưa cao, tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi.

Năm 2017, qua các cuộc thanh tra hành chính, ngành Thanh tra đã phát hiện số tiền sai phạm lên đến hơn 10 tỷ đồng và 36.000m2 đất, trong đó có 2 vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ. Rõ ràng vẫn có sai phạm xảy ra ở nhiều đơn vị, địa phương. Thậm chí, một số vụ việc tiêu cực, sai phạm còn có dấu hiệu tội phạm liên quan đến tham nhũng.

 Các công trình xây dựng giao thông ở cơ sở luôn có sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng.
Các công trình xây dựng giao thông ở cơ sở luôn có sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng.

Điều đáng nói, có sai phạm xảy ra kéo dài nhiều năm liền và chỉ được phát hiện, ngăn chặn, xử lý sau khi bị thanh tra. Câu hỏi đặt ra là, vì sao có một hệ thống MTTQ, cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện trong hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương, nhưng tiêu cực, sai phạm vẫn diễn ra?

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng ban Dân chủ pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) cho rằng vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và ban, ngành đoàn thểchính trị-xã hội ở các cấp đối với công tác điều hành quản lý nhà nước nói chung và công tác PCTN nói riêng ở địa phương hiện nay vẫn chưa thực sự rõ nét và còn nhiều hạn chế. Mặc dù MTTQ một số địa phương đã thể hiện được vai trò giám sát của mình, thế nhưng hoạt động phản biện về cơ bản vẫn chưa có bước chuyển biến lớn. Nguyên nhân là do hoạt động phản biện khó hơn giám sát rất nhiều.

Bởi, muốn phản biện được, đòi hỏi các thành viên phải có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực cần phản biện. Ông Sinh cũng cho biết thêm, theo quy định, hoạt động giám sát, phản biện chỉ thể hiện ở mức độ có ý kiến, kiến nghị, chứ không thể kiểm tra trực tiếp được. Thậm chí có những kiến nghị, đề xuất của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội chuyển đến cơ quan chức năng chưa được giải quyết triệt để.

Có cùng đánh giá như trên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó chánh Thanh tra tỉnh cho biết: “Mặc dù đã có quy định cụ thể, thế nhưng trong thực tế, vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và đoàn thể chính trị-xã hội vẫn chưa thể hiện rõ nét và còn nhiều hạn chế. Biểu hiện cụ thể là hầu hết các vụ việc sai phạm, tiêu cực bị phát hiện đều do người dân phản ánh lên các cơ quan nhà nước, thông qua kênh tiếp công dân, chứ không thông qua MTTQ các cấp”.

Để hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ các cấp đi vào thực chất, góp phần ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, ông Nguyễn Văn Mạnh Phó chánh Thanh tra tỉnh  cho hay: “Sắp tới, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 được sửa đổi, bổ sung theo hướng sẽ mở rộng diện công khai, minh bạch xuống đến cơ sở, chứ không chỉ giới hạn trong các cơ quan nhà nước. Đó sẽ là điều kiện thuận lợi để mỗi một người dân và Mặt trận ở dân cư thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện của mình”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng ban Dân chủ pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh), thì bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn, các quy định cụ thể về hoạt động giám sát, phản biện, còn yêu cầu cán bộ MTTQ các cấp phải thực sự có năng lực, trình độ.

Mặt khác, muốn tiếng nói giám sát, phản biện của MTTQ thật sự có trọng lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, MTTQ cần có sự phối hợp chặt chẽ với các thành viên của các tổ chức đoàn thể, đồng thời phải tranh thủ ý kiến của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước. Có như vậy, hoạt động giám sát, phản biện mới đi vào thực chất.

Ngày 9-3-2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 08/CTr-MTTQ-BTT về việc thực hiện công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2018-2020.

Nội dung chương trình nhằm hướng đến mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh trong phòng ngừa, đấu tranh PCTN, lãng phí; tạo sự chuyển biến tích cực và thống nhất về nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp về công tác PCTN phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.

Chương trình cũng nhằm tăng cường phối hợp và thống nhất hành động giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận với các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, phát huy vai trò của nhân dân trong công tác PCTN.

D.C.H






 

,