.

Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa: Đã có chuyển biến rõ nét!

.
14:31, Chủ Nhật, 25/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là một trong những yêu cầu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đồng thời bảo đảm các phán quyết của tòa án đúng pháp luật, đúng tội, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây việc tranh tụng tại phiên tòa đã có những bước chuyển biến rõ nét.

Theo đánh giá, năm 2017, chất lượng xét xử của Tòa án nhân dân 2 cấp trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên; không có trường hợp xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm; các bản án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án đã được khắc phục triệt để. Ngành Tòa án đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án theo luật định.

Trong quá trình xét xử, Tòa án đã thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, độc lập xét xử và nguyên tắc suy đoán vô tội. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo về cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

Năm 2017 cũng là năm thứ 2 TAND tỉnh triển khai tổ chức các phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm (5 phiên tòa), phiên tòa mẫu (10 phiên tòa) có sự tham dự của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy và một số ban, ngành liên quan.

Một phiên tòa rút kinh nghiệm tại TAND tỉnh.
Một phiên tòa rút kinh nghiệm tại TAND tỉnh.

Qua những phiên tòa này, Ban chỉ đạo CCTP tỉnh đã trực tiếp giám sát hoạt động xét xử và tranh tụng tại phiên tòa, nhằm rút ra những kinh nghiệm, chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục trong xét xử. Đây cũng là dịp để Ban chỉ đạo CCTP tỉnh có những đánh giá về công tác, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất và hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vụ án bị hủy, sửa.

Trong năm TAND 2 cấp bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm xét xử hủy 9/2.489 vụ, việc đã thụ lý, do lỗi chủ quan của thẩm phán và Hội đồng xét xử (HĐXX), chiếm 0,4%; án bị sửa do lỗi chủ quan 5 vụ, việc, chiếm 0,2%. Nguyên nhân là do một số thẩm phán, HĐXX còn hạn chế trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ vụ án. Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp còn áp dụng pháp luật chưa chính xác và xác định không đúng đối tượng khởi kiện, người tham gia tố tụng.

Luật sư Lê Minh Tâm, Trưởng văn phòng luật sư Hướng Dương cho biết, chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa đã có chuyển biến, vai trò của các luật sư tham gia tranh tụng cũng đã được mở rộng và phát huy, tuy nhiên theo mô hình phiên tòa mới hiện nay, đối với các vụ án phức tạp cần phải có sự tham gia của các bên và các cơ quan liên quan tham gia tố tụng.

Muốn chất lượng tranh tụng tại phiên tòa đúng thực chất, theo Luật sư Lê Minh Tâm “ngoài vai trò của kiểm sát viên, luật sư tham gia tố tụng, còn đòi hỏi vai trò của thẩm phán và HĐXX phải thực sự có đủ năng lực, trình độ.”

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án TAND tỉnh cho biết: “Để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất và hiệu quả là vấn đề khó. Bởi, trong các phiên tòa, các bên tham gia tố tụng phải thể hiện rõ vai trò tố tụng của mình. Ngoài ra, năng lực, trình độ về kỹ năng điều hành tranh tụng, kỹ năng xét hỏi của thẩm phán và HĐXX cũng phải đáp ứng được yêu cầu CCTP”.

Đối với ngành Tòa án, để khắc phục những hạn chế nói trên, theo Chánh án TAND tỉnh, thời gian tới, TAND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức; chú trọng tổng kết rút kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động xét xử, nhất là trong các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa xét xử các vụ án điểm.

Bên cạnh đó, ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ Thẩm phán. Đồng thời, sẽ xác định rõ trách nhiệm của cá nhân thẩm phán và Hội đồng xét xử đối với những sai sót do lỗi chủ quan, nhằm khắc phục triệt để việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án thiếu căn cứ, để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án, cũng như việc tuyên án không rõ ràng, phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Ông Nguyễn Xuân Sanh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng, nhìn chung chất lượng tranh tụng nói riêng và chất lượng xét xử các loại án đã có chuyển biến rõ rệt so với trước đây. Nếu như trước đây, trong các buổi tranh tụng tại phiên tòa, kiểm sát viên gần như thụ động trước những câu hỏi của luật sư, thì giờ đây không từ chối bất cứ câu hỏi nào từ phía luật sư.

Đội ngũ kiểm sát viên đã nghiên cứu, theo dõi các vụ việc từ giai đoạn tiếp nhận tin báo, điều tra, khởi tố, nên nắm chắc các bằng chứng, tài liệu, hồ sơ của vụ việc. Tại các phiên tòa, kiểm sát viên không những giữ vai trò buộc tội mà còn thể hiện được vai trò gỡ tội cho bị cáo. Tuy nhiên, vẫn có một số phiên tòa, vai trò của kiểm sát viên vẫn còn thụ động, lúng túng, trả lời các câu hỏi còn chung chung.

“Trong thời gian tới, với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành sẽ tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật bản lĩnh, trách nhiệm của các đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trong thực thi công vụ, một mặt nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, tranh tụng tại các phiên tòa, mặt khác chủ động phát hiện các vi phạm của các cơ quan, kịp thời ban hành kiến nghị, kháng nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các vi phạm. Đồng thời, khắc phục sự lạm quyền, xâm phạm các quyền dân chủ của công dân, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật”, ông Nguyễn Xuân Sanh cho biết thêm.

Dương Công Hợp

 

,