.

Xét xử Trịnh Xuân Thanh: Hệ lụy của việc chỉ định thầu kém năng lực

.
08:23, Thứ Tư, 17/01/2018 (GMT+7)

Ngày 16-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) và đồng phạm được tiếp tục với phần đối đáp giữa đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa và các luật sư, các bị cáo.

>> Làm rõ hành vi tham ô tài sản của bị cáo Trịnh Xuân Thanh

Đáng lưu ý, trong phần đối đáp của mình, đại diện Viện Kiểm sát đã đưa ra nhiều tài liệu, bằng chứng để nêu lên những hậu quả nặng nề từ việc chỉ định nhà thầu kém năng lực là PVC thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN)
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN)

Theo quan điểm của Viện Kiểm sát, vấn đề xuyên suốt bao trùm của vụ án là việc chỉ định PVC làm tổng thầu. Trong cáo trạng, trong hồ sơ vụ án và qua lời khai tại Tòa, các bị cáo nguyên là cán bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) như Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN), Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN)... đều thừa nhận việc chỉ định thầu cho PVC không đúng như nghị quyết của Hội đồng Thành viên PVN.

Cụ thể, Hội đồng Thành viên PVN thống nhất để PVC là liên danh tổng thầu, nhưng cuối cùng bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN) lại chỉ định PVC là tổng thầu. Đây chính là sai lầm của bị cáo Đinh La Thăng.

Kiểm sát viên Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng: “Chúng tôi lấy làm lạ là chính PVC và Ban Lãnh đạo PVC đều thừa nhận thời điểm ký hợp đồng, PVC không có năng lực. PVC không đủ năng lực và kinh nghiệm theo quy định để thực hiện một dự án lớn như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Nhưng các luật sư và một số bị cáo khác lại cố chứng minh PVC đủ năng lực làm tổng thầu.”

Kiểm sát viên Đào Thịnh Cường dẫn chứng trong Báo cáo số 117/BC-XLDK ngày 6-1-2018 của PVC gửi Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã nêu rõ: “PVC chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, do đó chưa xác định được sự đầy đủ về phạm vi công việc, chưa lường hết các khó khăn trong quản lý tiến độ và thiếu hụt chi phí. Đặc biệt, sau khi ký hợp đồng, PVC đã liên tục gặp nhiều khó khăn về tài chính dẫn đến chưa chủ động được dòng tiền để triển khai dự án và thanh toán cho các nhà thầu phụ.”

Trên cơ sở những tài liệu và chứng cứ thu thập được, lời khai của các bị cáo, người làm chứng, người giám định, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, Viện Kiểm sát xác định: Hậu quả của vụ án là hết sức nghiêm trọng. Số tiền thiệt hại trên 119 tỷ đồng và 13 tỷ đồng tham ô chưa nói hết được tính chất mức độ nghiêm trọng của vụ án. Ngoài những thiệt hại ban đầu xác định được, việc làm trên của các bị cáo đã làm Dự án kéo dài gấp đôi, làm đội vốn đầu tư gần chục ngàn tỷ đồng, số tiền nếu phạt theo tiến độ của hợp đồng EPC đã lên tới hàng trăm triệu USD.

Ông Đào Thịnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, đối đáp với các luật sư tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN)
Ông Đào Thịnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, đối đáp với các luật sư tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN)

Hệ lụy của việc giao PVC không có năng lực làm tổng thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là rất lớn. Đó là, thời gian thi công dự án bị kéo dài gấp đôi. Theo Dự án được phê duyệt và theo Hợp đồng EPC đã ký, dự án phải hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, theo trình bày của PVC tại phiên tòa, dự án đến nay mới hoàn thành khoảng 81% khối lượng công việc. Tổng mức đầu tư phải điều chỉnh nhiều lần và tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu gần chục nghìn tỷ đồng.

Mặt khác, nếu phạt theo Hợp đồng EPC sẽ lên tới hàng trăm triệu USD bởi mỗi ngày bị phạt theo Hợp đồng EPC là 500.000 USD. Bản thân PVC cũng chịu chi phí phát sinh rất lớn. Theo Báo cáo 117 của PVC ngày 6-1-2018, PVC chi phí phát sinh tới 155 tỷ đồng/năm. Chưa kể tới một loạt hệ lụy khác về kinh tế, xã hội do dự án chậm tiến độ gây ra.

Tại phiên tòa, nhiều luật sư đề cập đến việc chỉ định PVC là tổng thầu là ưu tiên cho việc phát huy nội lực. Đại diện Viện Kiểm sát đồng thuận với quan điểm này, song cũng cho rằng sự phát triển, phát huy nội lực phải có lộ trình, phải làm chủ được công nghệ, làm chủ được nguồn lực... mới có đủ khả năng "gánh vác."

Luật sư Đinh Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Luật sư Đinh Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Để làm rõ hơn về hệ lụy của việc chỉ định nhà thầu kém năng lực, đại diện Viện Kiểm sát đã nêu dẫn chứng “đau xót” tại Dự án Ethanol Phú Thọ do PVC làm nhà thầu với vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng hiện đang phải nằm “đắp chiếu” do nhà thầu PVC kém năng lực.

Cũng theo Viện Kiểm sát, trong vụ án này, vai trò chỉ đạo xuyên suốt là bị cáo Đinh La Thăng, khởi nguồn từ việc bị cáo Đinh La Thăng chỉ định thầu cho PVC, các bị cáo khác ở PVN mặc dù biết PVC không đủ năng lực, Hợp đồng EPC số 33 thiếu cơ sở pháp lý, nhưng vẫn cố tình triển khai thực hiện. Đó chính là hành vi cố ý làm trái của các bị cáo.

Ngày 17-1, trước khi Hội đồng xét xử nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng tại Tòa.

Theo Kim Anh-Nguyễn Cúc (TTXVN/Vietnam+)

,