.
Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII:

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh

Thứ Năm, 14/12/2017, 08:48 [GMT+7]

* Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án TAND tỉnh  trả lời các ý kiến chất vấn của đại biểu về hoạt động của ngành Tòa án.

Về ý kiến chất vấn: Qua giám sát cho thấy Tòa án xét xử cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ trong lĩnh vực án giao thông và tham nhũng còn cao.

Chánh án TAND tỉnh trả lời:

- Đối với án trong lĩnh vực giao thông: TAND xét xử các vụ án  "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ’’ tỷ lệ hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ chiếm gần 80%. Riêng án treo chiếm tỷ lệ 73%. Đó là kết quả giám sát chuyên đề tình hình thực hiện quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ năm 2012 đến năm 2016 đối với TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình.

Theo kết quả xét xử thì đúng là trong thời gian qua TAND hai cấp trong tỉnh đã xử cho các đối tượng phạm tội ‘‘Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ’’ hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ cao, phần nào làm ảnh hưởng đến yêu cầu đấu tranh, giáo dục, phòng ngừa tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông.

Hiện tại, TAND Tối cao chỉ hướng dẫn điều kiện cho hưởng án treo, chứ không có quy định khống chế tỷ lệ cho hưởng án treo. Cho hưởng án treo đúng quy định là thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước.

Qua kiểm tra công tác xét xử định kỳ chưa phát hiện trường hợp nào Tòa án xử cho hưởng án treo không đủ điều kiện theo Hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013/HĐTP, ngày 6-11-2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Cụ thể, có 5 điều kiện được hưởng án treo gồm: bị xử phạt tù không quá 3 năm; có nhân thân tốt; có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng; có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự; có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành phạt tù thì không ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Các lý do để Tòa án xem xét cho hưởng án treo:

- Các đối tượng phạm tội ‘‘Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ’’ đều do lỗi vô ý. Người phạm tội không thấy trước được hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Đa số phạm tội theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt: phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; có nhiều thành tích trong sản xuất, chiến đấu (được tặng Bằng khen, Huân, Huy chương); có bố, mẹ là liệt sỹ, là thương binh, là người có công với cách mạng.

- Người phạm tội có nhân thân tốt, đã khắc phục bồi thường đầy đủ thiệt hại theo yêu cầu của người bị hại, được người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ có đơn xin bãi nại hoặc xin cho bị cáo được hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ.

- Có nhiều trường hợp tai nạn xảy ra do một phần lỗi của người bị hại, như: điều khiển mô tô tham gia giao thông không có giấy phép lái xe theo quy định; không đội mũ bảo hiểm; điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng đã uống rượu, bia, chạy xe lạng lách, đánh võng, không làm chủ tốc độ; sử dụng điện thoại di động trong khi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông...

Chánh án TAND tỉnh đã có văn bản chấn chỉnh và yêu cầu trong xét xử hạn chế cho hưởng án treo, đặc biệt là đối với án tham nhũng.
Chánh án TAND tỉnh đã có văn bản chấn chỉnh và yêu cầu trong xét xử hạn chế cho hưởng án treo, đặc biệt là đối với án tham nhũng.

Để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án ‘‘Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ’’, khắc phục được tình trạng xét xử cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ không đúng, giảm tỷ lệ cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với các vụ án này theo kết quả giám sát chuyên đề tình hình thực hiện quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp sau: nâng cao nhận thức trong đấu tranh, xét xử các vụ án ‘‘Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ’’, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra hoạt động xét xử các vụ án này.

Với tinh thần chỉ đạo kiên quyết, không cho các trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng (phạm tội thuộc khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự có mức án từ 3 đến 10 năm tù) được hưởng án treo, như: làm chết 2 người trở lên; không có giấy phép lái xe theo quy định; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm; trong tình trạng có sử dụng rượu, bia hoặc sử dụng các chất kích thích.

Đối với các trường hợp Thẩm phán xét xử cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ không đúng, Chánh án yêu cầu Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa làm bản tường trình, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.

Tùy theo mức độ sai phạm đối với Thẩm phán để chỉ đạo kiểm điểm trước đơn vị theo quy định tại Quyết định số 120/QĐ-TANDTC, ngày 19-6-2017 của Chánh án TAND Tối cao về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND. Ngoài việc kiểm điểm trách nhiệm Thẩm phán khi có án bị hủy, bị sửa do xử cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ không đúng thì vi phạm của Thẩm phán còn được xem xét khi bình xét danh hiệu thi đua cuối năm.

- Đối với việc xét xử các vụ án tham nhũng:

Tỷ lệ cho hưởng án treo đối với các vụ án tham nhũng cao, chiếm 34,6%. Từ ngày 1-11-2011 đến ngày 30-11-2017, Tòa án hai cấp đã xét xử 11 vụ án về nhóm tội tham nhũng với 23 bị cáo, có 8 trường hợp được hưởng án treo. Hình phạt áp dụng trong một số vụ án tham nhũng chưa đủ sức răn đe, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, các trường hợp được Tòa án cho hưởng án treo không phải là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, số tiền tham nhũng ít; bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ đáng được khoan hồng, được hưởng chính sách nhân đạo của pháp luật.

Sau khi có Kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 1-11-2017, Chánh án TAND tỉnh đã có Công văn số 595/TAND gửi các Tòa án yêu cầu chấn chỉnh việc xét xử các vụ án hình sự, đặc biệt là án tham nhũng, án kinh tế, hạn chế cho hưởng án treo để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng theo các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án tham nhũng.

Năm 2017, TAND hai cấp xét xử 2 vụ án về tham nhũng, có 3 bị cáo đều bị xử phạt tù giam và không có bị cáo nào được hưởng án treo.

Về ý kiến chất vấn: Tỷ lệ hòa giải đoàn tụ thành của án hôn nhân - gia đình trong năm 2017 đạt thấp, đâu là nguyên nhân và cần có giải pháp nào nâng cao tỷ lệ hòa giải đoàn tụ thành.

Chánh án TAND tỉnh trả lời:

Năm 2017, TAND hai cấp ở tỉnh Quảng Bình thụ lý 1.483 vụ, việc hôn nhân gia đình, tăng 206 vụ, việc so với năm 2016. Đã giải quyết 1.226 vụ, việc. Trong đó, hòa giải thành 749 vụ, việc, đạt tỷ lệ 61% (năm 2017, các loại án Dân sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại hòa giải thành 808 vụ, đạt tỷ lệ cao và đứng thứ 3/12 tỉnh Miền trung-Tây nguyên); hòa giải đoàn tụ thành 296 vụ, việc (trong đó, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do hòa giải đoàn tụ thành 285 vụ, việc và quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành 11 vụ, việc), đạt tỷ lệ 24%.

TAND Tối cao không quy định thống kê số lượng các vụ, việc hòa giải đoàn tụ thành trong án hôn nhân gia đình, mà chỉ quy định số lượng các vụ, việc hòa giải thành theo biểu mẫu thống kê số 01A. Vì vậy, trong báo cáo công tác năm 2017 không thể hiện số liệu về kết quả hòa giải đoàn tụ thành. Mặt khác, tại Chỉ thị số 04/2017/CT-CA, ngày 3-10-2017 của Chánh án TAND Tối cao về việc tăng cường công tác hòa giải tại TAND cũng không quy định về chỉ tiêu hòa giải đoàn tụ thành mà chỉ đặt chỉ tiêu hòa giải thành cho các vụ, việc hôn nhân gia đình trong năm là từ 60% trở lên. Theo chỉ tiêu này, năm 2017, TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình đã hòa giải thành trong án hôn nhân gia đình vượt chỉ tiêu.

Về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải các vụ việc ly hôn, trước hết, Nhà nước khuyến khích tổ hòa giải cơ sở tiến hành hòa giải khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Đây là biện pháp có tác động rất tích cực nhằm cải thiện kịp thời các xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong các vụ, việc ly hôn.

Khi tiến hành hòa giải ở cơ sở không thành, mâu thuẫn gay gắt trong quan hệ vợ chồng, các đương sự gửi đơn yêu cầu TAND giải quyết, trước hết, Thẩm phán phải thực hiện hòa giải vì đây là thủ tục bắt buộc được quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và Gia đình và Điều 205 Bộ luật Dân sự. Khi giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự, đặc biệt là các vụ án hôn nhân gia đình, đội ngũ Thẩm phán của TAND tỉnh Quảng Bình luôn thể hiện sự kiên trì trong quá trình hòa giải. Mặc dù pháp luật không quy định số lần hòa giải, nhưng thực tế một số vụ Thẩm phán vẫn kéo dài thời gian hòa giải từ 2-3 lần. Mục đích cuối cùng là mong muốn vợ chồng trở lại đoàn tụ, chỉ khi nào không còn khả năng hòa giải mới đưa vụ án ra xét xử.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải đối với loại án hôn nhân gia đình, TAND hai cấp đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thư ký. Trong đó, chú trọng đến việc bồi dưỡng kỹ năng hòa giải, trau dồi kinh nghiệm trong hoạt động hòa giải, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hòa giải trong quá trình giải quyết vụ án, để hoạt động hòa giải thực sự đưa lại hiệu quả, bảo đảm chỉ tiêu hòa giải thành do TAND Tối cao đặt ra tại Chỉ thị số 04/CT-CA, ngày 3-10-2017.

- Về việc thực hiện công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Chánh án TAND tỉnh trả lời : Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP, ngày 16-3-2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2017. Thực hiện quy định này, từ ngày 1-7-2017 đến 30-9-2017 (quý 4 của năm công tác 2017), TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình đã công bố đầy đủ các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật xét xử trong 3 tháng theo quy định (549 bản án, quyết định), không có bản án, quyết định nào không công bố.

Tính đến ngày 30-11-2017, số bản án, quyết định mà TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình đã công khai trên Công thông tin điện tử của Tòa án là 676 bản án, quyết định. Như vậy, các Thẩm phán TAND tỉnh và Thẩm phán TAND cấp huyện đã đăng đầy đủ, kịp thời các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Qua đó, đã tạo điều kiện để nhân dân và các cơ quan chức năng giám sát, minh bạch trong hoạt động xét xử.

Về giải pháp trong thời gian tới, để bảo đảm thi hành nghiêm túc Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP, ngày 16-3-2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, TAND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 542/TAND, ngày 31-10-2017 chỉ đạo các đồng chí Chánh tòa, Thẩm phán TAND tỉnh; chánh án, Thẩm phán TAND cấp huyện thực hiện nghiêm túc các nội dung sau: Chấp hành nghiêm túc việc công bố các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Tòa án theo đúng quy định tại Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và Công văn số 144/TANDTC-PC, ngày 4-7-2017 của TAND Tối cao về hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP.

Trên cơ sở phân quyền quản lý, yêu cầu các đồng chí Chánh án TAND cấp huyện phải thường xuyên truy cập vào phần mềm để theo dõi tình hình đăng tải các bản án, quyết định của các Thẩm phán đơn vị mình (thời hạn công bố, việc mã hóa thông tin, thể thức trình bày...) để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời...

Bùi Thành (lược ghi)