.

"Chạy trời không khỏi nắng"

Thứ Sáu, 28/04/2017, 09:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhắc lại vụ lừa đảo, chiếm đoạt hành chục tỷ đồng do đôi vợ chồng Nguyễn Văn Bảy - Dương Thị Thúy Hà gây ra tại thành phố Đồng Hới vào năm 2011, rất nhiều người còn nhớ. Dương Thị Thúy Hà bị tuyên phạt 30 năm tù về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Riêng Nguyễn Văn Bảy chịu án 11 năm tù. Trong thời hạn tạm hoãn thi hành án thì Bảy bỏ trốn. Sau hai năm… tưởng chừng mọi sự chìm vào lãng quên, nhưng đến một ngày, Nguyễn Văn Bảy phải ngoan ngoãn tra tay vào còng của các trinh sát dày dạn kinh nghiệm thuộc Phòng Cảnh sát truy nã (PC52), Công an Quảng Bình tại một tỉnh xa xôi ở Tây Nguyên.

 

Quyết định truy nã Nguyễn Văn Bảy của Cơ quan thi hành án hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình.
Quyết định truy nã Nguyễn Văn Bảy của Cơ quan thi hành án hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình.

Lãnh án vì “tín dụng đen”

Trở lại thời điểm cách đây 6 năm, trên địa bàn thành phố Đồng Hới xảy ra một vụ lừa đảo khá “chấn động”, nhiều người dân cả tin, nhẹ dạ “tiền mất tật mang” với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng khi đường dây “tín dụng đen” bị vỡ. Đối tượng lừa đảo, chủ chòm trong đường dây “tín dụng đen” này là hai vợ chồng Nguyễn Văn Bảy- Dương Thị Thúy Hà, thường trú ở phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới.

Từ tháng 3 đến tháng 6-2011, Nguyễn Văn Bảy cùng vợ thông qua nhiều thủ đoạn lừa đảo cho vay tiền đối với nhiều người rồi chiếm đoạt số tiền trên 3,2 tỷ đồng.  Dương Thị Thúy Hà cũng bằng hình thức vay tiền như trên, lấy tiền của người vay sau trả lãi suất rất cao cho người Hà vay trước, qua đó từ tháng 12-2010 đến tháng 6-2011, Hà chiếm đoạt của 9 người, tổng số tiền trên 15 tỷ đồng. Có tiền trong tay, hai vợ chồng mặc sức tiêu xài cá nhân.

Để tạo lòng tin với những người cho vay tiền, hai vợ chồng tiếp tục sử dụng chiêu bài lấy tiền người cho vay sau trả lãi suất cao đối với người trước. Đến khi khánh kiệt tiền, hai vợ chồng Bảy- Hà tuyên bố vỡ nợ.

Sau khi vụ việc vỡ lở, VKSND tỉnh truy tố Dương Thị Thúy Hà hai tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139 BLHS và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 140 BLHS; truy tố Nguyễn Văn Bảy về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139 BLHS.

TAND tuyên phạt Dương Thị Thúy Hà 30 năm tù và Nguyễn Văn Bảy 11 năm tù. Khi Dương Thị Thúy Hà chấp hành án tù thì Nguyễn Văn Bảy trong thời gian tạm hoãn thi hành án đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Hành trình “vạch lá, tìm sâu”

Sau mấy lần hẹn không được do công tác đột xuất, một ngày cuối tháng tư, tôi mới có dịp trò chuyện cùng trung tá Nguyễn Viết Huân, cán bộ Phòng PC52, người trực tiếp truy tìm và bắt đối tượng Nguyễn Văn Bảy về quy án.

Trung tá Huân vào chuyện: “Bảy trốn khỏi địa phương ngày 14-4-2014, từ đó bặt tăm. Chúng tôi lần theo từng chút dấu vết, vẽ nên hành trình của Bảy trong suốt hơn hai năm trời, đến tháng 7-2016, khi biết khá chính xác nơi Bảy ẩn náu, lãnh đạo PC52 mới xác lập chuyên án mang số hiệu 716L do thượng tá Bùi Văn Núi, Phó Trưởng phòng PC52 phụ trách, tôi và đại úy Trương Thanh Phong trực tiếp tầm nã Nguyễn Văn Bảy”.

Nguyễn Văn Bảy vốn dân kinh doanh, quan hệ xã hội rộng, khả năng ngoại giao tốt, biết lái xe ô tô... Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát Phòng PC52 biết Bảy thỉnh thoảng “nhảy cóc” thực hiện các chuyến đi Hà Nội, Ninh Bình, Lạng Sơn, sang cả Trung Quốc. Việc nắm thông tin qua những chuyến đi của Bảy nhằm thu hẹp phạm vi dần lại ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên.

Đối tượng Nguyễn Văn Bảy.
Đối tượng Nguyễn Văn Bảy.

Ngày 12-9-2016, trung tá Nguyễn Viết Huân và đại úy Trương Thanh Phong lên đường, bắt đầu hành trình “vạch lá tìm sâu” quyết tâm bắt bằng được đối tượng Nguyễn Văn Bảy. Địa bàn cụ thể là khu vực các xã Ea Tân, Ea Tó, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắc. Khi đến xã Ea Tân, nguồn tin xác nhận Bảy từng có mặt trên địa bàn khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8-2016. Thông tin tiếp tục cung cấp Bảy di chuyển qua xã khác cách Ea Tân chừng 80km sâu trong rừng. Theo dấu Bảy, lực lượng truy bắt đến địa phương này, xuôi về thị xã Buôn Hồ, sau đó lần vào mỏ khai thác đá quý ở khu vực giáp ranh Ea Tân... Tại mỏ đá quý, Nguyễn Văn Bảy vừa rời đi trước đó 4 ngày.

Ngày thứ 5 truy tìm Bảy, vẫn “bặt vô âm tín”. Ngày thứ 6, nguồn tin cung cấp Bảy xuất hiện tại thành phố Buôn Ma Thuột, sử dụng giấy tờ của một người khác để ẩn thân. Mất thêm 3 ngày cùng các lực lượng tại chỗ truy tung tích Nguyễn Văn Bảy vẫn không có kết quả. Trung tá Huân bảo: “Tám ngày trôi qua giữa mùa mưa Tây Nguyên dữ dội, ba giờ sáng ngày thứ tám, lúc ăn mì tôm chống đói, hai anh em Huân, Phong có cảm giác buồn vì nhiệm vụ chưa hoàn thành, chưa lúc nào thực hiện truy bắt đối tượng truy nã thời gian dài đến thế. Sáng ngày thứ 9, nguồn tin cung cấp chính xác nơi Nguyễn Văn Bảy lẫn trốn”.

10 giờ sáng ngày 21-9-2016, vòng vây của lực lượng truy bắt được tăng cường và thu hẹp dần trong phạm vi 5 gia đình tại phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh chân dung kẻ bị truy nã đưa ra cho người dân nhận dạng. Bà con xác nhận đúng đối tượng đang có mặt trong một gia đình hai vợ chồng quê Nghệ An. Quá trình bao vây ngôi nhà, một tình huống mới nảy sinh là hai vợ chồng chủ nhà đi làm rẫy vắng. Nhưng đích xác Nguyễn Văn Bảy đang trốn trong nhà.

Hơn 12 giờ trưa, vợ chồng chủ nhà trở về, cửa nhà mở. Nguyễn Văn Bảy cố thủ trong phòng vệ sinh, biết cùng đường trốn chạy nên khi tiếng trung tá Nguyễn Viết Huân nặng âm sắc Quảng Bình dõng dạc cất lên: “Bảy, biết việc gì chưa?”. Nguyễn Văn Bảy mở cửa phòng vệ sinh, cúi đầu: “Dạ, em biết, em biết!” và ngoan ngoãn đưa hai tay vào còng.

Ngày 24-9-2016, tổ công tác của trung tá Nguyễn Viết Huân và đại úy Trương Thanh Phong di lý đối tượng Nguyễn Văn Bảy về đến Quảng Bình, kết thúc hành trình dày công “vạch lá tìm sâu” truy bắt kẻ trốn án.

Ngô Thanh Long