.

Tham ô hơn 300 triệu đồng vẫn được hưởng án treo?

Thứ Bảy, 11/03/2017, 10:42 [GMT+7]
(QBĐT) - Mặc dù "Tham ô tài sản" hơn 300 triệu đồng, nhưng các bị cáo Nguyễn Thị Xiêm (SN 1959) ở tổ dân phố 2, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, nguyên kế toán Trường Mầm non Ngân Thủy (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy) và nguyên Hiệu trưởng trường này là Phan Thị Giang (SN 1975) ở thôn Hoàng Viễn, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy vẫn được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lệ Thủy cho hưởng án treo. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh lại cho rằng mức hình phạt mà TAND huyện Lệ Thủy dành cho các bị cáo trong vụ án này là "quá nhẹ" và đã có kháng nghị phúc thẩm về phần hình phạt.
 
 
“Đút túi” chế độ của đồng nghiệp
 
Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2013-2014, Nguyễn Thị Xiêm, kế toán và Phan Thị Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngân Thủy (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy) đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tiền lương trợ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi, tiền lương, phụ cấp lâu năm, chế độ thai sản và tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của một số cán bộ, giáo viên nhà trường. Ngoài ra, 2 đối tượng này còn lập khống chứng từ thanh toán tiền làm thêm giờ nhằm chiếm đoạt tài sản từ ngân sách Nhà nước.
 
Cụ thể, trong thời gian trên, Nguyễn Thị Xiêm đã có hành vi lập danh sách chi trả tiền lương, phụ cấp cho 12 giáo viên dạy hợp đồng và trình Phan Thị Giang ký duyệt, rồi rút tiền tại Kho bạc Nhà nước huyện Lệ Thủy. Thế nhưng, khi tiến hành chi trả cho giáo viên, Xiêm đã chi trả ít hơn số tiền đã rút, để chiếm đoạt hơn 207 triệu đồng. Trong đó, Nguyễn Thị Xiêm chiếm đoạt hơn 146 triệu đồng tiền lương, phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi của giáo viên dạy hợp đồng; lập khống chứng từ thanh toán tiền lương, phụ cấp ưu đãi sai quy định gần 61 triệu đồng.
 
Cùng thủ đoạn nói trên, trong năm 2014, Nguyễn Thị Xiêm đã chiếm đoạt gần 17,4 triệu đồng tiền truy lĩnh phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24-12-2010 của 5 giáo viên.
 
Từ năm 2013-2014, trong quá trình chi trả tiền chế độ thai sản cho 3 giáo viên khác, Xiêm cũng đã chiếm đoạt số tiền hơn 2,7 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, theo quy định của pháp luật, trong thời gian nghỉ sinh thì giáo viên và nhà trường không phải đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN cho giáo viên đó, nhưng khi làm hồ sơ thanh toán tiền lương cho giáo viên, Nguyễn Thị Xiêm vẫn khấu trừ các khoản đóng góp trên vào tiền lương hàng tháng của 8 giáo viên để chiếm đoạt số tiền hơn 7,8 triệu đồng.
Kháng nghị phúc thẩm số 226/VKS-KNPTHS của VKSND tỉnh cho rằng hình phạt dành cho các bị cáo “quá nhẹ”.
Kháng nghị phúc thẩm số 226/VKS-KNPTHS của VKSND tỉnh.
Nghiêm trọng hơn, trong năm 2013 và quý II-2014, Nguyễn Thị Xiêm và Phan Thị Giang đã bàn bạc, thống nhất lập khống hồ sơ thanh toán tiền làm thêm giờ của cán bộ, giáo viên để rút tiền ngân sách ngân sách Nhà nước, nhằm chiếm đoạt số tiền gần 66 triệu đồng.
 
Tổng số tiền mà Nguyễn Thị Xiêm và Phan Thị Giang đã chiếm đoạt được trong vụ án này là hơn 300.875.670 đồng. Trong đó, Nguyễn Thị Xiêm chiếm đoạt là 285.875.670 đồng và Phan Thị Giang chiếm đoạt 15 triệu đồng.
 
Theo nhận định của TAND huyện Lệ Thủy, tại bản án hình sự sơ thẩm số 39/2016/HSST ngày 20-12-2016, hành vi phạm tội nhiều lần của Nguyễn Thị Xiêm thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, vì vậy phải xử lý nghiêm. Với những hành vi nêu trên, Nguyễn Thị Xiêm và Phan Thị Giang đã bị TAND huyện Lệ Thủy tuyên phạt về tội: “Tham ô tài sản”.
 
Theo đó, áp dụng khoản 2 Điều  278; điểm b, p, s, khoản 1 Điều 146; Điều 47; khoản 1, 2 Điều 60, Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Xiêm 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Áp dụng khoản 1 Điều 278, các điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; khoản 1, 2 Điều 60, Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phan Thị Giang 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ngoài ra, buộc các bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã tham ô. 
 
Hình phạt quá nhẹ?
 
Tuy nhiên, ngày 16-1-2017, VKSND tỉnh đã kháng nghị phúc thẩm số 226/VKS-KNPTHS đối với bản án hình sự sơ thẩm số 39/2016/HSST ngày 20-12-2016 của TAND huyện Lệ Thủy. Bản kháng nghị nêu rõ, hành vi phạm tội của các bị cáo Nguyễn Thị Xiêm và Phan Thị Giang đã lợi dụng chức vụ được giao, lập khống chứng từ để rút tiền từ ngân sách Nhà nước, chi trả không đúng chế độ của cán bộ, giáo viên nhà trường.
Đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm, bởi nó không chỉ là hành vi chiếm đoạt tài sản, mà còn làm ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ nói chung, và của trường học, giáo viên nói riêng đang công tác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
 
Việc TAND huyện Lệ Thủy xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Xiêm 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách 5 năm) và Phan Thị Giang 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách 24 tháng) là không đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra, không có tác dụng răn đe, phòng ngừa đối với loại tội phạm này. Đồng thời, không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước được quán triệt tại Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. 
 
Vì vậy, VKSND tỉnh đã kháng nghị phần hình phạt đối với bản án hình sự sơ thẩm số 39/2016/HSST ngày 20-12-2016 của TAND huyện Lệ Thủy và yêu cầu TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo hướng sửa án sơ thẩm, không cho các bị cáo trong vụ án nói trên được hưởng án treo.
 
Dương Công Hợp