.

Tòa án nhân dân tỉnh: Những chuyển biến đáng ghi nhận trong hoạt động xét xử

Thứ Năm, 19/01/2017, 13:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2016, trong bối cảnh tình hình tội phạm, các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính diễn ra phức tạp, cùng với yêu cầu cải cách tư pháp, đã đặt ra cho hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) nhiều nhiệm vụ rất nặng nề. Tuy nhiên vượt qua những khó khăn, ngành Tòa án tỉnh đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận.

Một trong những kết quả nổi bật trong hoạt động xét xử của ngành Tòa án năm 2016 là chất lượng giải quyết, xét xử các loại án ngày càng được nâng cao. Trong năm, toàn ngành đã giải quyết 2.366/2.438 vụ án các loại thụ (đạt 97,%); số còn lại hầu hết là các vụ án mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Điều đáng ghi nhận là, tỷ lệ các vụ án bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy và sửa đều giảm. Trong năm, chỉ có 16,5 vụ án bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm xét xử hủy án (chiếm 0,7%), và 9 vụ (chiếm 0,4%) bị sửa do nguyên nhân chủ quan.

Đối với việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân-gia đình, kinh doanh-thương mại, lao động, về cơ bản, các Tòa án đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng. Hoạt động hướng dẫn cho các đương sự thực hiện các nghĩa vụ về giao nộp chứng cứ, việc xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định. Trong quá trình giải quyết, Toà án đã chú trọng làm tốt việc đối thoại, hoà giải. Kết quả đã có 639 vụ án được hoà giải thành.

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp cho đồng chí Nguyễn Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp cho đồng chí Nguyễn Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án TAND tỉnh cho biết, để có được kết như trên là nhờ TAND 2 cấp đã chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Đây là tiền đề và cũng là giải pháp mang tính đột phá, nhằm nâng cao chất lượng bản án, đồng thời vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động xét xử.

Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết án, ngành cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt đối với các vụ án lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm. Qua những buổi làm việc này, các bên đã có dịp trao đổi, thống nhất những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật, nhằm bảo đảm giải quyết tốt vụ án, tránh tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Do vậy, hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo về cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Trong năm, Toà án 2 cấp chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ở từng địa bàn, từng thời điểm, Tòa án 2 cấp cũng đã tăng cường đưa các vụ án ra xét xử lưu động tại các địa phương, cơ sở nơi xảy ra vụ án hoặc các địa bàn trọng điểm về một số loại tội phạm nhất định. Trong năm, TAND 2 cấp đã tổ chức 116 phiên tòa xét xử lưu động (tăng 15 vụ so với cùng kỳ năm 2015), qua đó, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quần chúng nhân dân.

Công tác kiểm tra đối với Toà án cấp huyện được duy trì thường xuyên và nghiêm túc. TAND tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác tiến hành kiểm tra 1.435 hồ sơ vụ án và  1.321 hồ sơ thi hành án hình sự tại 8/8 Tòa án cấp huyện. Hoạt động kiểm tra tập trung vào các bản án tuyên không rõ ràng, phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật. Thông qua công tác giám đốc kiểm tra, các sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết vụ án đã được phát hiện, những khó khăn, bất cập từ thực tiễn được chỉ rõ, từ đó tìm biện pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, qua đánh giá, chất lượng giải quyết một số vụ án vẫn còn chưa cao. Vẫn còn một số bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán và Hội đồng xét xử, mà nguyên nhân là do một số Thẩm phán chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án và đánh giá chứng cứ thiếu toàn diện, áp dụng pháp luật không đúng. Công tác kiểm tra hoạt động nghiệp vụ thực hiện chưa thực sự sâu sát nên chưa kịp thời phát hiện sai sót để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án, bên cạnh việc chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức Tòa án, ngành sẽ quan tâm làm tốt hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức trong ngành; chú trọng hơn nữa công tác tổng kết thực tiễn xét xử và rút kinh nghiệm công tác xét xử, nhằm kịp thời phát hiện sai sót để hướng dẫn, rút kinh nghiệm về những sai sót trong hoạt động xét xử.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật và khắc phục triệt để tình trạng xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

“Để khắc phục những bản án bị hủy, sửa, chúng tôi sẽ nghiêm khắc xác định rõ trách nhiệm của cá nhân Thẩm phán và Hội đồng xét xử. Những Thẩm phán có bản án, quyết định bị huỷ hoặc sửa do lỗi chủ quan, cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự..., thì phải bị kiểm điểm, gắn với nhận xét đánh giá phân loại cán bộ, công chức hàng năm về năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm”, ông Xuân nhấn mạnh.

Năm 2016, bộ máy tổ chức của TAND 2 cấp tiếp tục được hoàn thiện, củng cố, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành của các đơn vị, cũng như yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ được giao.

Cụ thể, toàn ngành đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 15 Thẩm phán trung cấp và 26 Thẩm phán sơ cấp. Đội ngũ Hội thẩm nhân dân 2 cấp cũng được kiện toàn với 145 hội thẩm, trong đó 20 Hội thẩm nhân dân cấp tỉnh và 125 Hội thẩm nhân dân cấp huyện. Riêng, đồng chí Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án TAND tỉnh đã được Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức danh Thẩm phán cao cấp (Quyết định số 88/QĐ-CTN ngày 10-1-2017).

D.C.H