.

Hỏi đáp về Luật Thống kê 2015

Thứ Năm, 08/12/2016, 10:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Hỏi:  Phân loại thống kê là gì?

Trả lời:

Khoản 14 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Phân loại thống kê là sự phân chia hiện tượng nghiên cứu thành các bộ phận và xếp các yếu tố của hiện tượng vào từng bộ phận riêng biệt, không trùng lặp, căn cứ vào một hoặc một số đặc điểm của yếu tố thuộc hiện tượng nghiên cứu. Phân loại thống kê gồm danh mục và nội dung phân loại thống kê. Danh mục phân loại thống kê gồm mã số và tên từng bộ phận. Nội dung phân loại thống kê gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận.

Hỏi:  Vai trò và yêu cầu xây dựng phân loại thống kê?

Trả lời:

1. Phân loại thống kê được sử dụng thống nhất trong hoạt động thống kê nhà nước, làm căn cứ để thống nhất sử dụng trong quản lý nhà nước.

2. Việc xây dựng phân loại thống kê phải tuân thủ các yêu cầu sau đây:

- Bảo đảm đầy đủ về nội dung, phạm vi của tổng thể;
- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tính hệ thống và tương thích giữa các phân loại thống kê;
- Bảo đảm so sánh quốc tế;
- Bảo đảm tính khả thi.

Hỏi: Thẩm quyền ban hành phân loại thống kê được quy định như thế nào?

Trả lời:

Thẩm quyền ban hành phân loại thống kê quy định như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và nội dung phân loại thống kê quốc gia.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành phân loại thống kê ngành, lĩnh vực phụ trách không thuộc phân loại thống kê quốc gia.

3. Cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực ban hành phân loại thống kê ngành, lĩnh vực thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

Hỏi: Thẩm định phân loại thống kê ngành, lĩnh vực được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 26 Luật thống kê 2015 quy định thẩm định phân loại thống kê ngành, lĩnh vực như sau:

1. Phân loại thống kê ngành, lĩnh vực phải được cơ quan thống kê trung ương thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê trước khi ban hành.

2. Hồ sơ gửi thẩm định gồm văn bản đề nghị thẩm định và bản dự thảo phân loại thống kê.

3. Nội dung thẩm định gồm mục đích, căn cứ, phạm vi và đơn vị phân loại thống kê.

4. Thời hạn thẩm định là 20 ngày kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.

5. Bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình bằng văn bản gửi cơ quan thống kê trung ương, trong đó nêu rõ những nội dung tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý, ban hành phân loại thống kê ngành, lĩnh vực. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về phân loại thống kê ngành, lĩnh vực do mình ban hành.

Hỏi: Cơ quan thống kê trung ương có vai trò gì trong việc phối hợp, xây dựng phân loại thống kê? Mối quan hệ giữa phân loại thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành và phân loại thống kê do bộ, ngành ban hành?

Trả lời:

Cơ quan thống kê trung ương giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và nội dung phân loại thống kê quốc gia. Cơ quan thống kê trung ương có trách nhiệm thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê đối với phân loại thống kê ngành, lĩnh vực trước khi ban hành.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành phân loại thống kê thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách không thuộc phân loại thống kê quốc gia. Cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực ban hành phân loại thống kê ngành, lĩnh vực thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

Phân loại thống kê do bộ, ngành ban hành đều phải đáp ứng các yêu cầu của việc xây dựng, ban hành phân loại thống kê và không được trùng lặp hoặc chồng chéo với phân loại thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo tài liệu của Tổng cục Thống kê

(Còn nữa)