.

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Xây "bệ phóng" vững chắc trong bối cảnh toàn cầu hóa

Thứ Sáu, 21/10/2016, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, bên cạnh các mặt tích cực đã đạt được trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, như: xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp..., thì công tác này ở tỉnh ta vẫn còn không ít hạn chế, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, chung tay mạnh mẽ hơn từ nhiều phía để tháo gỡ khó khăn.

Thể hiện rõ nét nhất về mặt hạn chế là, nhiều doanh nghiệp nhận thức, am hiểu về pháp luật còn kém. Đơn cử: Vào thời điểm giữa tháng 10 năm 2012, Công ty TNHH Xây dựng A và Công ty TNHH Xây dựng B có ký kết hợp đồng kinh tế về việc cho thuê cừ thép larssen.

Theo đó, công ty A cho công ty B thuê gần 200 cây cừ thép để thi công tại công trình hệ thống thoát nước thải và trạm bơm trên địa bàn thành phố. Sau khi hợp đồng kinh tế được ký kết, công ty B đã thực hiện thanh toán đợt đầu tiên theo đúng cam kết trong hợp đồng với tổng giá trị thanh toán hơn 200 triệu đồng, các đợt tiếp theo, công ty B có nghĩa vụ phải thanh toán cho công ty A tiền thuê cừ thép vào ngày đầu của tháng kế tiếp (căn cứ vào khối lượng cừ thép cho thuê thực tế).

Với hơn 4.800 doanh nghiệp, trong đó chiếm hơn 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, công tác hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng này trên địa bàn tỉnh ta đóng một vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập thương mại quốc tế và sự tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định, diễn đàn kinh tế thế giới của Việt Nam.

Tuy nhiên, sau đó, công ty B với nhiều lý do khác nhau đã từ chối thực hiện các khoản thanh toán và hoàn trả cừ thép cho công ty A, mặc cho công ty A nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu. Công ty A đã khởi kiện công ty B để chấm dứt hợp đồng kinh tế, buộc công ty B phải thanh toán toàn bộ và một lần tiền thuê cừ thép với hơn 1,5 tỷ đồng, đồng thời phải trả lại toàn bộ số cừ thép đã thuê. Công ty B thừa nhận toàn bộ nội dung hợp đồng và quá trình hợp thực hiện hợp đồng đã ký kết.

Điều đáng nói là sau khi thuê cừ thép về, công ty B lại tiếp tục ký kết hợp đồng thi công công trình cho công ty C và thế chấp toàn bộ số cừ thép nói trên để ứng thêm tiền bổ sung vốn thi công, nhưng không được công ty C chấp nhận.

Đến cuối năm 2013, giám đốc công ty C không cho công ty B tiếp tục thi công và chiếm giữ số cừ thép, do công ty B vẫn còn nợ gần 450 triệu đồng từ công ty C. Tòa xét thấy việc công ty B dùng tài sản là số cọc cừ thép thuê của công ty A để thế chấp là không đúng, vì đây là tài sản không thuộc sở hữu của công ty B. Việc công ty C chiếm giữ số cọc trên là không hợp pháp và phải trả lại số cọc nói trên cho công ty A. Tòa quyết định buộc công ty B phải trả toàn bộ tiền thuê cừ thép, buộc công ty C trả lại cừ thép cho công ty A.

Trong trường hợp không trả được bằng hiện vật thì công ty C phải trả bằng tiền theo giá của Sở Tài chính đã định giá. Như vậy, rõ ràng trong vụ án này, cả hai doanh nghiệp B và C đều có những hoạt động vi phạm pháp luật, khi một bên đưa tài sản đi thuê thế chấp vay tiền, một bên chiếm giữ tài sản không thuộc sở hữu.

Đây là những minh chứng rõ ràng cho việc thiếu kiến thức về pháp luật hoặc có biết, nhưng vẫn cố tình vi phạm của hai đơn vị trên. Nếu có được sự tư vấn cụ thể, rõ ràng về pháp lý trong trường hợp này, có thể công ty B và C sẽ không lâm vào tình trạng gặp nhau trước Tòa như thế này.

Một trường hợp khác cũng bộc lộ mặt hạn chế về nhận thức pháp luật của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ. Năm 2010, vợ chồng ông A bà B (Công ty C) đã ký với ngân hàng D hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại thửa đất số 1a để bảo đảm cho khoản vay 2,4 tỷ đồng tại ngân hàng D. Công ty C không thanh toán đúng cam kết trong hợp đồng, nên ngân hàng D khởi kiện yêu cầu trả hơn 3,5 tỷ đồng cả gốc và lãi, trường hợp không trả được nợ thì đề nghị Tòa án nhân dân huyện chấp nhận cho ngân hàng D có quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Phía công ty C cho biết đang gặp khó khăn trong kinh doanh, không có khả năng thanh toán đúng hạn, nếu không trả được nợ thì đồng ý để ngân hàng D xử lý tài sản thế chấp thu hồi nợ. Tòa án nhân dân huyện chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ngân hàng D và buộc công ty C phải trả số tiền đã vay và tiền lãi, nếu không trả được thì ngân hàng D có quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (ngôi nhà 4 tầng).

Vậy nhưng, tiếp sau đó, Chi cục Thi hành án huyện đã kiến nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với với bản án sơ thẩm nêu trên vì quyết định trong bản án không đúng với thực tế, cho nên không thể tổ chức thi hành án.

Thì ra, vợ chồng ông bà AB có hai thửa đất liền kề, thửa đất số 1b với diện tích gần 400m2 và có tài sản gắn liền trên đất là ngôi nhà 4 tầng, đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất, còn thửa số 1a với diện tích hơn 200m2 và tài sản gắn liền trên đất là ngôi nhà 1 tầng, chưa được UBND huyện cấp đổi số vì đang thế chấp tại ngân hàng.

Như vậy, thửa đất được đưa thế chấp thực chất chỉ có ngôi nhà 1 tầng, còn ngôi nhà 4 tầng lại nằm trên thửa đất khác. Ở đây, phía Ngân hàng D đã có những sai sót, sơ hở ngay từ ban đầu ở khâu kiểm tra chặt chẽ tài sản thế chấp của khách hàng, dẫn đến những hệ lụy tiếp theo.

Các hội nghị tập huấn về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp luôn được tổ chức thường xuyên, hiệu quả
Các hội nghị tập huấn về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp luôn được tổ chức thường xuyên, hiệu quả.

Hai ví dụ trên đây cho thấy một thực tế, rõ ràng dù là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực nào, quy mô ra sao, việc được hỗ trợ pháp lý là một yêu cầu, đòi hỏi khách quan trong bối cảnh hiện nay. Ông Trần Hoàng Giang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, Hội Doanh nghiệp tỉnh thường xuyên có sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, như: Sở Tư pháp, Sở Tài Nguyên-Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh..., để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua hình thức tập huấn, hội nghị, nói chuyện chuyên đề, đối thoại trực tiếp...

Những nội dung thường xuyên được quan tâm chủ yếu về các quy định, luật mới, chính sách, thủ tục mới liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thời gian gần đây, Hội cũng chủ động duy trì một “đường dây nóng” để bất kỳ doanh nghiệp nào có nhu cầu tìm hiểu, mong muốn giải đáp thắc mắc về pháp lý đều có thể liên lạc trực tiếp để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Hội Doanh nghiệp tỉnh trong việc hỗ trợ pháp lý cho các thành viên của mình chính là nguồn kinh phí còn nhiều hạn hẹp, do đó, quy mô và chất lượng tổ chức các hình thức hỗ trợ pháp lý còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặt ra. Mặt khác, nguồn nhân lực có hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực này hầu như không có, chủ yếu cán bộ nhân viên tự tìm hiểu, nghiên cứu để giúp sức doanh nghiệp.
Phía Sở Tư pháp cho biết, một trong những hoạt động hiệu quả nhất của tỉnh trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chính là đã xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp.

Theo đó, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có 37 sở, ban, ngành và địa phương xây dựng Trang thông tin điện tử cho cơ quan, đơn vị mình trong đó có phát triển chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, như: Sở Tư pháp, Cục Hải quan tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông...

Song song với đó, Sở Tư pháp đã phát hành 7.400 cuốn Bản tin Tư pháp trong đó có nội dung giới thiệu một số văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, thường xuyên duy trì chuyên trang “Pháp luật về Thuế”. 403 bộ tài liệu về các luật liên quan đến doanh nghiệp, 36.000 sách bỏ túi tìm hiểu một số quy định về Hiến pháp, Luật Đất đai... đã được phát hành rộng khắp toàn tỉnh. Tỉnh ta cũng hiện có 2.375 tủ sách pháp luật, trong đó có 1.555 tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Các tủ sách này duy trì các đầu sách phục vụ cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan...

Công tác bồi dưỡng kiến thức và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp cũng được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng. Năm 2015, toàn tỉnh đã tổ chức gần 100 hội nghị, lớp tập huấn, buổi đối thoại cho gần 10.000 lượt người là đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh, người lao động trong các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể để bồi dưỡng, hỗ trợ kiến thức pháp luật, trong đó có pháp luật về đầu tư, kinh doanh.

Việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp được triển khai thông qua nhiều hình thức, như: tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp, bằng văn bản, qua điện thoại, Internet, qua chuyên mục “Công dân, doanh nghiệp hỏi, cơ quan chức năng trả lời” (Sở Thông tin và Truyền thông)... Các ý kiến của doanh nghiệp cũng được các cơ quan chức năng có liên quan tiếp nhận, giải đáp kịp thời, đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tồn tại không ít khó khăn. Bên cạnh các hạn chế về khách quan, như: văn bản pháp luật còn chồng chéo, bất cập, thường xuyên thay đổi, một số điểm chưa phù hợp, thì nỗi lo về đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ pháp chế, cán bộ thực hiện nhiệm vị hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều, chưa được bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ là điều đang hiện hữu. Nguồn kinh phí cấp cho công tác này tại các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của thực tiễn,  chưa được bố trí riêng, mà còn lồng ghép, vận dụng, khiến hiệu quả hoạt động chưa cao.

Mặt khác, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, do đó, chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề pháp lý, thậm chí một số doanh nghệp chưa bố trí cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách trong đơn vị mình. Đây là những khó khăn cần có sự khắc phục trong thời gian tới bằng các giải pháp mạnh mẽ, thiết thực nhất.

Trong đó, chú trọng việc hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp hoạt động để chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua kết quả điều tra khảo sát.

Đồng thời, cần chỉ đạo tăng cường và phát triển hơn nữa các tổ chức pháp chế thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, đội ngũ luật sư, các chuyên gia tư vấn và cộng tác viên tư vấn pháp luật nhằm tạo ra một mạng lưới tư vấn, hỗ trợ pháp lý đắc lực cho các doanh nghiệp.

Mai Nhân