.
Ký sự pháp đình:

Ly hôn... ở tuổi xế chiều!

Thứ Sáu, 09/09/2016, 11:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Những nguyên đơn và bị đơn trong các vụ án ly hôn này đều đã bước sang phía bên kia sườn dốc của cuộc đời và các cuộc hôn nhân của họ cũng đã kéo dài hơn ba mươi năm có lẻ. Dẫu vậy, qua bao cay đắng, mệt nhoài của cuộc sống, cuối cùng họ có mặt ở Tòa để chấm dứt cho “cái duyên” vốn dĩ đã héo úa từ lâu.

Tất cả họ hầu như đều có chung một tâm trạng, giá như “đối phương” giải thoát cho mình sớm hơn thì chắc chắn cuộc đời của họ sẽ không nhiều nước mắt, nỗi buồn như thế. Và cũng giá như trong quá khứ một lần thôi họ kiên quyết ly hôn, thì có lẽ họ sẽ dành được nhiều thời gian hơn để làm những gì mình yêu thích, đam mê.

 

 

1. Ông Nguyên năm nay tròn 60 tuổi, còn bà Linh thì kém ông 2 tuổi. Hai ông bà đều là cán bộ hưu trí của TP.Đồng Hới và kết hôn từ năm 1981, đến nay là đã tròn 35 năm. Trước đây do điều kiện công tác, ông bà mỗi người một nơi, đến năm 1992 ông bà mới về chung một mái nhà. Hơn chục năm xa cách, nay được về đoàn tụ, những tưởng cuộc sống ấm êm, hạnh phúc sẽ luôn duy trì dưới mái nhà vững chãi.

Tuy nhiên, sự bất đồng về cách sống, cách ăn ở, cách cư xử đã đưa mâu thuẫn vợ chồng trở nên gay gắt, ông bà đã quyết định ly hôn. Nhưng, vì nghĩ các con còn nhỏ dại, nếu bố mẹ ly hôn sẽ bơ vơ không nơi nương tựa, nên ông bà nhẫn nhịn rút đơn về sống chung. Cũng từ đó, cơm thì chẳng lành mà canh cũng chẳng thể nào ngọt hơn.

Ông Nguyên cho rằng vợ mình không làm tròn bổn phận, có mưu tính cá nhân, hay ghen tuông vô lối và nhất là chửi bới, rải truyền đơn nói xấu chồng khắp nơi bất chấp sự khuyên bảo, tạo cơ hội của ông. Mang tiếng là vợ chồng vậy mà từ lâu ông bà đã mỗi người một nơi, không ai quan tâm đến ai. Còn bà Linh thì một mực khẳng định nguyên nhân xuất phát từ việc ông Nguyên ngoại tình và có con riêng. Vì con cái bà nhẫn nhịn, tha thứ cho ông, hy sinh quyền lợi bản thân và việc bà đánh ghen cũng là để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Mặc dù hiện nay tuổi đã cao, nhưng ông Nguyên vẫn có người tình ở ngoài do bà không còn đáp ứng được nhu cầu sinh lý cho ông. Nếu bây giờ ly hôn khi vợ chồng đã lớn tuổi thì quá tội lỗi, bà không muốn mang tiếng xấu cho con. Bà chấp nhận bỏ qua cho ông và hứa sẽ thay đổi bản thân với điều kiện ông phải chấm dứt chuyện ngoại tình của mình.

Tòa xét thấy mâu thuẫn giữa ông Nguyên và bà Linh đã thực sự trầm trọng, không thể khắc phục, hơn nữa qua nhiều lần hòa giải, hai bên vẫn không thay đổi, không cải thiện được tình cảm. Tòa quyết đình xử cho ông Nguyên được ly hôn bà Linh.

2. Bước sang tuổi 60, ông Hiệp và bà Nga lại đưa nhau ra Tòa để kết thúc cuộc hôn nhân hơn 30 năm của mình. Năm 1986, ông bà kết hôn và về ở chung với gia đình bên vợ. Cuộc sống lứa đôi kéo dài được 1 năm thì ông Hiệp bỏ đi theo người khác và ở với người ấy từ đó đến nay. Khi ông ra đi, bà Nga đang mang thai ở tháng thứ 7. Năm 1987, ông Hiệp đã làm đơn xin ly hôn, nhưng vì con chưa được 1 tuổi, Tòa án đình chỉ không giải quyết.

Từ đó, không ai làm đơn, nhưng ông bà cũng không hề sống chung với nhau. Ông Hiệp đã có gia đình riêng, sống hạnh phúc, được nhập hộ khẩu với người phụ nữ kia và có con cái đề hều. Bà Nga một mình nuôi con mà không hề có sự giúp sức, đồng cam cộng khổ của chồng. Đến nay, bà thấy tình cảm vợ chồng không còn nữa, vợ chồng chỉ còn trên danh nghĩa mà thôi và quyết định ly hôn để bản thân được UBND xã công nhận là hộ độc thân, được hưởng các chế độ xã hội của Nhà nước.

Tại phiên tòa ly hôn và suốt các cuộc hòa giải ông Hiệp đều không hề có mặt. Đủ để biết, mối duyên nợ của ông với vợ mình đã cạn kiệt đến mức nào. Chắc chắn hiếm có phiên tòa ly hôn nào lại diễn ra chóng vếnh đến thế, tài sản chung không có, con chung thì đã trưởng thành, bị đơn thì vắng mặt, Tòa xử cho bà Nga được ly hôn ông Hiệp. 30 năm nghĩa vợ chồng nhưng chỉ vẻn vẹn 1 năm sống chung, khó có sức chịu đựng nào hơn người phụ nữ bền bỉ này.

Thông thường những cuộc ly hôn ở tuổi trẻ luôn khiến người trong cuộc cảm thấy tiếc nuối, day dứt khôn nguôi, còn khi đã ở tuổi xế chiều, đó dường như lại là cảm giác giải thoát, nhẹ nhõm. Bởi một khi những mâu thuẫn gia đình đã âm ỉ, dai dẳng suốt những tháng năm dài, nay được mở trói, ai trong số họ cũng tự tìm ra được lối đi của riêng mình.

Tuy vậy, nếu sự cởi trói này đến sớm hơn từ hai phía, để những mái đầu không pha quá nhiều sợi bạc, để những vết hằn trên khóe môi, đuôi mắt không còn là kẻ thù của thời gian, thì chắc chắn cuộc ly hôn đó sẽ ít nước mắt hơn rất nhiều. Và có một điều như đã thành quy luật, trong những cuộc ly hôn tuổi xế chiều, người phụ nữ thường thiệt thòi hơn cả. Họ đã đánh mất cả tuổi thanh xuân cho cuộc hôn nhân này, rồi khi về già nỗi cô đơn lại tiếp tục theo đuổi họ.

Quảng Hạ

-------------------------------------------

(*)Tên nhân vật đã được thay đổi