.

Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ Bảy, 28/05/2016, 06:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 26-5-2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân (TCD) và giải quyết khiếu nại, tố cáo (gọi tắt là Chỉ thị số 35-CT/TW). Nhằm đánh giá đúng kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế sau hai năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Huệ, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh về nội dung này.

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh ta?

- Đồng chí Nguyễn Huệ: Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 10-7-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 497-CV/TU về việc thực hiện chỉ thị này; UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho hơn 60 cán bộ chủ chốt và cán bộ làm công tác TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) ở cấp tỉnh và cấp huyện.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1365/KH-UBND, ngày 27-10-2014 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW gắn với việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân. Nội dung của kế hoạch hướng vào việc thực hiện tốt việc TCD, xử lý đơn thư KNTC; kiện toàn tổ chức, cán bộ TCD, giải quyết KNTC; tăng cường hoạt động quản lý nhà nước và thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về TCD; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động TCD; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC theo thẩm quyền và các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài... UBND tỉnh cũng đã ban hành Nội quy TCD tại Trụ sở TCD tỉnh, Quy chế TCD trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo thực hiện Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn.

Các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Công văn số 497-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ, phân công rõ trách nhiệm cho các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc. Đến nay, hầu hết các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã bố trí bộ phận chuyên trách TCD và địa điểm TCD; đồng thời quan tâm tăng cường cơ sở vật chất, thực hiện chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ TCD.

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác TCD, giải quyết KNTC khi thực hiện  Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh ta?

- Đồng chí Nguyễn Huệ: Từ đầu năm 2015 đến hết quý I năm 2016, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp đã tiếp 1.465 lượt công dân và nhận 1.679 đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân, so với cùng kỳ giảm 168 đơn. Các ngành, cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đã giải quyết được 649/680 vụ khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt 95,4%; 106/115 vụ tố cáo, đạt tỷ lệ 92,2%. Đây là tỷ lệ giải quyết KNTC đạt rất cao so với bình quân chung của cả nước và tăng 2% so với năm 2014.

Lãnh đạo huyện Lệ Thủy và các phòng, ban chuyên môn thực hiện TCD định kỳ và đột xuất theo quy định.
Lãnh đạo huyện Lệ Thủy và các phòng, ban chuyên môn thực hiện TCD định kỳ và đột xuất theo quy định.

Có thể khẳng định rằng, qua hai năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp quyết liệt, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác TCD, giải quyết KNTC. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục được nâng lên; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan tư pháp trong xử lý, giải quyết KNTC ngày càng hiệu quả hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Nhận thức và trách nhiệm về công tác TCD của một số cấp ủy, thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế, nhất là ở cơ sở; công tác TCD và giải quyết KNTC ở một vài nơi chưa gắn công tác TCD với việc giải quyết KNTC. Việc chỉ đạo thực hiện pháp luật về TCD, KNTC và các văn bản của Trung ương, của tỉnh ở một số sở, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc, dẫn đến sự phối hợp của các cấp, ngành chưa chặt chẽ hiệu quả. Trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch UBND một số địa phương trong công tác TCD, giải quyết KNTC chưa cao.

Có một số vụ việc cơ quan giải quyết khiếu nại chưa thực hiện gặp gỡ, đối thoại với công dân, hoặc tổ chức đối thoại nhưng còn mang tính hình thức, chưa thực sự lắng nghe, hướng dẫn, giải thích cho người KNTC hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, mặc dù đơn đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật nhưng nhiều người dân chưa đồng tình nên vẫn tiếp tục KNTC lên cấp trên. Một số công dân đến nhiều lần, gửi đơn nhiều nơi, mặc dù vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật và đã được giải thích, hướng dẫn song vẫn chưa thông suốt. Cá biệt có trường hợp lợi dụng quyền KNTC để khiếu kiện vượt cấp, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại trụ sở TCD...

- Phóng viên: Trước thực trạng đó, theo đồng chí cần phải có những giải pháp nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TCD và giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian tới?

- Đồng chí Nguyễn Huệ: Để thực hiện tốt hơn nữa công tác TCD, giải quyết KNTC, trong thời gian đến cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể như sau:

Trước hết, cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc, rộng rãi trong toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TCD, giải quyết KNTC bằng nhiều hình thức thích hợp để mọi người dân hiểu rõ; gắn liền công tác phổ biến giáo dục pháp luật kết hợp công tác dân vận trong công tác TCD, giải quyết KNTC.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh liên quan đến lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, nhất là quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư; về giá đất cụ thể để thực hiện bồi thường; quy định về giải quyết tranh chấp đất đai; tăng cường quản lý nhà nước về đất đai ở cả ba cấp; đầu tư để hoàn thiện hồ sơ địa chính ở các cấp, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đẩy mạnh hơn nữa việc công khai đầy đủ thông tin cho người dân và doanh nghiệp biết để giám sát và thực hiện.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nhất là thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp; thực hiện nghiêm chế độ TCD của thủ trưởng theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc TCD với xử lý, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh. Chú trọng TCD tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân. Đối với những địa phương còn tồn các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật chưa thực hiện xong, cần rà soát xác định nguyên nhân cụ thể chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền.

Bốn là, đối với các vụ việc phức tạp, lãnh đạo, các địa phương trực tiếp làm công tác TCD, lắng nghe ý kiến và chỉ đạo công tác giải quyết KNTC cho công dân. Trong quá trình giải quyết KNTC cần tăng cường tiếp xúc với công dân nhằm tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh KNTC gắn với  làm tốt việc thu thập chứng cứ, tài liệu làm căn cứ cho việc giải quyết các đơn thư KNTC.

Năm là, tiếp tục kiện toàn, củng cố Ban TCD cấp huyện theo đúng tiêu chuẩn, quy định của Luật Tiếp công dân; quan tâm công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác TCD, giải quyết đơn thư KNTC gắn với thực hiện tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng kịp thời với các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác TCD, giải quyết KNTC. Kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc TCD, giải quyết KNTC.

Sáu là, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ TCD, giải quyết đơn, thư KNTC. Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các KNTC trong lĩnh vực tư pháp.

Bảy là, nâng cao chất lượng, hiệu qủa công tác giám sát việc giải quyết KNTC của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, các đại biểu Quốc hội và HĐND, UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác giải quyết KNTC; tăng cường thanh tra trách nhiệm việc thực hiện TCD, KNTC theo đúng quy định của pháp luật.

- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Bùi Thành (thực hiện)