.

Phòng, chống tham nhũng: Khi các đoàn thể chính trị-xã hội vào cuộc

Chủ Nhật, 17/04/2016, 07:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương, thì việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong việc giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) là một trong những yếu tố quan trọng. Tuy vậy, thực tế nhiệm vụ này vẫn chưa được các đơn vị, địa phương quan tâm, phát huy và chưa đem lại hiệu quả cao.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm cao của các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân, công tác PCTN 10 năm qua (2005-2015) đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Theo đánh giá của UBND tỉnh so với giai đoạn trước khi chưa có Luật PCTN, công tác PCTN đã có những bước tiến quan trọng.

Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm và thực hiện đồng bộ. Nhất là việc công khai, minh bạch các hoạt động của bộ máy Nhà nước, cải cách hành chính, quản lý và sử dụng tài sản công. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với nhiều biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Đặc biệt, đối tượng tham nhũng là những đối tượng có chức, có quyền, nên đã tạo ra không ít "lực cản" trong việc phát hiện và xử lý các hành vi tiêu cực.

Có thể nói rằng, bên cạnh yếu tố thể chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, nhiều quy định của Luật PCTN và các văn bản dưới luật chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thì công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa được duy trì thường xuyên.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN chưa sâu rộng, nên chưa phát huy hết vai trò của và trách nhiệm của xã hội và nhân dân trong PCTN. Từ đó, dẫn đến vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội chưa được phát huy hiệu quả.

 Đại diện Hội CCB xã Đức Ninh (người đứng thứ 2 từ trái sang) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật PCTN (giai đoạn 2005-2015).
Đại diện Hội CCB xã Đức Ninh (người đứng thứ 2 từ trái sang) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật PCTN (giai đoạn 2005-2015).

Theo thống kê, từ năm 2006 đến nay, chính quyền các cấp đã tiếp nhận và xử lý 3.868/ 3.966 đơn khiếu nại, tố cáo (KN,TC) thuộc thẩm quyền. Qua công tác thanh tra, giải quyết tố cáo của công dân đã phát hiện 8 vụ tham nhũng với 17 đối tượng, kiến nghị, xử lý hành chính 5 vụ (10 đối tượng, chuyển cơ quan điều tra xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự 3 vụ (7 đối tượng), với tổng số tiền thiệt hại do các hành vi tham nhũng gây ra hơn 3,9 tỷ đồng.

Chỉ cần qua số liệu nói trên đã cho thấy, sự tham gia của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát và đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, lãng phí là thực sự cần thiết.

Thế nhưng làm sao để người dân, hội viên, đoàn viên của các đoàn thể chính trị-xã hội nhận thức được điều này, dám đứng lên giám sát và đấu tranh với các biểu hiện, hành vi tham nhũng không phải là chuyện dễ. Nói như vậy, không có nghĩa là không có những điểm sáng đáng để khích lệ và ghi nhận. Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Đức Ninh (TP.Đồng Hới) là một trong những điểm sáng như thế.

Những năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, thông qua hoạt động và việc làm của mình, Hội trở thành cầu nối, là tiếng nói của hội viên và nhân dân trên địa bàn giúp cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm rõ những sai phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên.

Năm 2007, thông qua phản ánh của hội viên và nhân dân, CCB xã đã báo với Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã để giải quyết kịp thời đơn kiến nghị về trường hợp ông Trần Sỹ Luộc, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Ninh có dấu hiệu tiêu cực, sai phạm trong quản lý kinh tế. Sau khi có phản ánh của CCB xã, Đảng ủy, UBND xã Đức Ninh đã nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, xác minh sự việc.

Qua kết quả kiểm tra, Đảng ủy, UBND xã Đức Ninh kết luận, năm 2006, ông Trần Sỹ Luộc đã thiếu tinh thần, trách nhiệm trong quản lý, báo cáo quyết toán kinh tế HTX đúng với sổ sách, chứng từ và chế độ quản lý kinh tế của HTX theo quy định, làm ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Ninh.

Ngày 24-11-2007, Đảng ủy các Đức Ninh đã ra Quyết định kỷ luật ông Trần Sỹ Luộc bằng hình thức khiển trách. Song, câu chuyện vẫn chưa dừng lại đó, khi CCB xã này tiếp tục phát hiện và phản ánh lên chính quyền địa phương về trường hợp ông Hoàng Văn Ngoản, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã đã có hành vi xây dựng nhà ở trái phép trên đất thuộc Nghị định 64 của Chính phủ.

Qua kiểm tra, xác minh của cơ quan chức năng, ông Ngoản đã vi phạm Luật Đất đai, làm nhà trái phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Ngày 16-9-2008, Thành ủy Đồng Hới đã ra quyết định kỷ luật ông Ngoản bằng hình thức cách chức Phó Bí thư Thường trực đảng ủy xã Đức Ninh.  

Chỉ cần qua trường hợp này, có thể thấy rằng công cuộc đấu tranh PCTN và các biểu hiện tiêu cực, luôn đòi hỏi, sự thẳng thắn, dám nói và cả sự dũng cảm của những người, những tập thể đứng lên đấu tranh vì mục đích phơi bày những mặt trái, tiêu cực không vì vụ lợi cá nhân. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận, chính sự vào cuộc một cách kịp thời và đầy trách nhiệm của lãnh đạo, chính quyền nơi đây đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN. Qua đó đã huy động và phát huy tốt vai trò giám sát của  nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị ở địa phương.

Ông Trần Xuân Líu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đức Ninh cho biết: "Việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong việc giám sát và đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, sai trái sẽ góp phần giúp chính quyền địa phương phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những việc làm sai trái, tiêu cực, không đúng quy định của Nhà nước. Địa phương nào biết phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội, ở đó mọi mặt công tác đều thành công, đặc biệt trong công tác đấu tranh, PCTN".

Công tác đấu tranh PCTN là lĩnh vực hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài. Vì vậy, cùng với thực hiện thường xuyên, quyết liệt đồng bộ các giải pháp, nếu các đơn vị, địa phương biết "khai thác" tốt vai trò của nhân dân và mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội thì sẽ tạo nên tính "cộng đồng" trách nhiệm trong hoạt động giám sát, phát hiện các biểu hiện tiêu cực, qua đó góp phần thực hiện tốt công tác PCTN.

D.C.H