.
Bố Trạch:

Giải bài toán chuyển đổi cây trồng trên đất cao su

.
09:20, Chủ Nhật, 29/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Vùng gò đồi huyện Bố Trạch có tiềm năng và lợi thế để phát triển cây cao su, thời điểm cao nhất diện tích lên tới 11.100/18.220ha diện tích cao su toàn tỉnh. Tuy nhiên, sau hai cơn bão năm 2013 và năm 2017, diện tích cao su của huyện giảm mạnh, hiện chỉ còn 7.470ha, giảm 10,2% so với vùng kỳ; trong đó diện tích cho thu hoạch trên 5.220ha.

Cùng với chủ trương giữ ổn định diện tích cao su hiện có, UBND huyện Bố Trạch còn khuyến khích người dân chủ động chuyển đổi đối với diện tích cao su bị đổ gãy trên cơ sở căn cứ vào nhu cầu thị trường, khả năng chịu gió bão và quy hoạch sản xuất của địa phương.

Hiện tại, phần lớn diện tích cao su bị gãy đổ được bà con chuyển đổi sang một số loại cây trồng khác, như: hồ tiêu, cam, bơ, cây dược liệu..., bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải bài toán chuyển đổi cây trồng bền vững trên đất cao su ở huyện Bố Trạch.

Những mô hình chuyển đổi hiệu quả

Sau bão năm 2013, 12ha cao su của ông Bế Văn Mai bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Trong khi nhiều người quanh vùng vẫn còn “mặn mà” với việc trồng mới cây cao su, ông Mai lại quy hoạch và chuyển đổi diện tích này sang trồng cam.

Trồng cam là hướng chuyển đổi hiệu quả trên đất cao su của ông Bế Văn Mai, thị trấn Nông trường Việt Trung.
Trồng cam là hướng chuyển đổi hiệu quả trên đất cao su của ông Bế Văn Mai, thị trấn Nông trường Việt Trung.

Năm 2014, ông Mai tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời tập trung công tác chuẩn bị đất vườn và đặt mua cây giống. Đến giữa năm 2015, ông chính thức trồng những cây cam V2 và cam lòng vàng đầu tiên.

Theo ông Mai, với vùng luôn bị ảnh hưởng bão, chỉ có cây tán thấp mới chống chọi lại được với gió. Đến nay, ông Mai đã trồng được 7ha cam, chủ yếu các giống cam lòng vàng, V2, cam canh, cam chanh, cam mật; trong đó, hơn 3ha trồng cam V2, cam lòng vàng đã bắt đầu cho trái bói năm 2017.

Cũng không trồng lại cao su trên diện tích bị gãy đổ, ông Nguyễn Văn Diệm lại phát triển trang trại theo hướng tổng hợp, đa dạng cây, con. Sau khi thuê máy múc hết gốc cao su, ông Diệm quy hoạch 4ha trồng cây hồ tiêu, diện tích còn lại ông trồng sắn, dưa, ớt để nhanh có nguồn thu. Năm 2015, hồ tiêu của ông cho bói lứa đầu tiên, ông thu hoạch được hơn 2 tấn, bán với giá gần 400 triệu đồng.

Ngoài ra, ông còn đầu tư 3ha mặt nước để nuôi cá, xây chuồng trại nuôi hươu lấy nhung và hàng chục đàn ong lấy mật. Hiện tại, ông đang tiếp tục trồng thử nghiệm cây bơ với diện tích gần 1ha.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bố Trạch còn xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi trên diện tích cao su như mô hình trồng cây ăn quả của anh Thái Chí Thành ở thôn 2 Võ Thuận, xã Tây Trạch, với hơn 1ha trồng các loại cam Vinh, cam đường, hồng xiêm, mãng cầu, táo xanh và gần 1.000 gốc măng tây để lấy ngắn nuôi dài; hiện vườn cây ăn quả của anh đang sinh trưởng và phát triển tốt, một số cây cam Vinh đã cho quả bói, dự kiến sau 2 năm sẽ cho thu hoạch đại trà.

Còn anh Dương Văn Hợi ở thôn Cà, xã Hòa Trạch bị gãy đổ 2ha cao su vào năm 2013 thì chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày, như: ngô, sắn, dưa hấu…, dù năng suất tương đối cao nhưng giá thành và đầu ra không ổn định. Năm 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm KN-KN, anh chuyển sang trồng thí điểm 2ha dứa, hiện cây dứa phát triển tốt, dự kiến cuối năm sẽ cho thu hoạch và được Binh đoàn 15 bao tiêu 100% sản phẩm.

Hay mô hình trồng xen cây dược liệu cà gai leo dưới tán cao su thời kì kiến thiết cơ bản của anh Phan Văn Tiến ở xã Sơn Lộc với diện tích 2,6ha do Trung tâm KN-KN hỗ trợ, ngoài ra anh còn trồng thâm canh khoảng 1,5ha; hiện cây cà gai leo đang cho thu hoạch với sản lượng và giá thành đạt khá, sản phẩm được Công ty Nông nghiệp xanh Quảng Bình liên kết bao tiêu đầu ra.

“Vùng gò đồi của huyện Bố Trạch bây giờ đã phát triển đa cây, đa con chứ không còn “độc canh” cây cao su như trước nữa”, đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ. Có thể nói, hiệu quả bước đầu của những mô hình chuyển đổi này đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong việc giải bài toán "độc canh" cây cao su trên vùng gò đồi Bố Trạch.

Cần giải pháp chuyển đổi bền vững

Ngay sau cơn bão năm 2017, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển cây trồng trên vùng gò đồi tỉnh Quảng Bình”, trong đó, đặc biệt chú trọng đến vấn đề chuyển đổi cây trồng phù hợp trên diện tích cao su bị gãy đổ.

Trên cơ sở tình hình thực tế và ý kiến trao đổi của các chuyên gia, tỉnh ta đã thống nhất định hướng tiếp tục phát triển cây cao su trên vùng gò đồi, nhưng cần tuân thủ yêu cầu kỹ thuật, quy hoạch diện tích phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương; tuyệt đối không phát triển ồ ạt một đối tượng cây trồng mà cần đa dạng hóa cây trồng vùng gò đồi để nâng cao hiệu quả kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời phối hợp với các viện nghiên cứu cây dược liệu, viện cây ăn quả để đưa vào quy hoạch những loại cây phù hợp với vùng gò đồi tỉnh Quảng Bình.

Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch chia sẻ, sau cơn bão năm 2017, huyện có chủ trương không khuyến khích người dân mở rộng diện tích cao su mà cần giữ ổn định diện tích cao su hiện có, đồng thời khuyến khích người dân chủ động chuyển đổi sang các đối tượng cây trồng khác phù hợp với điều kiện của địa phương.

Bà con có thể tham khảo một số mô hình phù hợp với khả năng chịu gió bão đã thực hiện thành công trên địa bàn huyện, như: mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo, kim tiền thảo, ba kích, đinh lăng, nghệ, gừng...; mô hình trồng cây ăn quả ổi, cam, bưởi, thanh long ruột đỏ, bơ... để có hướng chuyển đổi phù hợp.

Hiện tại, huyện đang triển khai công tác khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do bão số 10 năm 2017 và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên vùng gò đồi, diện tích cao su kém hiệu quả với diện tích chuyển đổi 1.000ha, kinh phí hỗ trợ 800 triệu đồng.

Mô hình trồng dứa của anh Dương Văn Hợi, xã Hoà Trạch đang phát triển tốt trên đất cao su chuyển đổi.
Mô hình trồng dứa của anh Dương Văn Hợi, xã Hoà Trạch đang phát triển tốt trên đất cao su chuyển đổi.

Chủ trương và lời giải cho bài toán chuyển đổi cây trồng trên đất cao su đã có, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để chuyển đổi một cách bền vững, tránh tình trạng bà con sản xuất tràn lan, ồ ạt theo phong trào.

Theo ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cần có quy hoạch cụ thể về các đối tượng cây trồng và diện tích trồng trên cơ sở nhu cầu thị trường chứ không thể chuyển đổi ồ ạt, tự phát.

Trước hết, địa phương cần xây dựng các mô hình chuyển đổi trên đất cao su bị đổ gãy, có đánh giá hiệu quả về kinh tế cũng như tính thích ứng để người dân tham quan, học tập; đồng thời cần chủ động tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để hợp đồng liên kết sản xuất các loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, từ đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển thành các vùng sản xuất tập trung.

Hiện tại, ngành Nông nghiệp đang tập trung triển khai công tác chuyển đổi cây trồng trên đất cao su theo hướng bền vững gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hi vọng trong tương lai không xa, cùng với việc giữ ổn định diện tích cao su hiện có, nông dân vùng gò đồi huyện Bố Trạch sẽ tiếp tục phát triển các loại cây trồng khác một cách bền vững nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Ngọc Lan

                                                                                  

,
  • Hiệp định thương mại Việt Nam-EU có thể được ký vào tháng 10

    Chiều 27-7, nhân dịp nghị sỹ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức buổi gặp gỡ báo chí, trao đổi thông tin về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp được hai bên ký kết thời gian tới.

    29/07/2018
    .
  • Homestay bên kia cầu Nhật Lệ

    (QBĐT) - Xa rời những ánh đèn lung linh, tách hẳn với những rộn rã của trung tâm phố thị, những homestay nơi xã biển Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) mang trong mình những nét yên bình và lạ lẫm.

    29/07/2018
    .
  • Chuyện ông Thắc làm kinh tế

    (QBĐT) - Rời quân ngũ, nhiều cựu binh luôn miệt mài, nỗ lực vượt khó làm giàu và trở thành "chiến sĩ" tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế.

    28/07/2018
    .
  • Xã Thanh Trạch: Bước tiến lớn của dịch vụ hậu cần nghề cá

    (QBĐT) - Thời gian qua, dịch vụ hậu cần nghề cá xã Thanh Trạch (Bố Trạch) đã đồng hành cùng ngư dân đánh bắt hải sản góp phần bảo đảm cho các chuyến ra khơi đánh bắt thuận lợi, tạo việc làm,nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình tại địa phương.

    28/07/2018
    .
  • Hội Nông dân Quảng Trạch triển khai có hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác

    (QBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Hội nông dân huyện Quảng trạch đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp nguồn vốn, giúp hội viên phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao.

    28/07/2018
    .
  • Tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn vay ưu đãi

    (QBĐT) - Ngày 25-7, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) huyện Bố Trạch phối hợp với NHCSXH tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn vay ưu đãi cho Chủ tịch UBND cấp xã, là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện và cán bộ giúp việc cho Chủ tịch UBND cấp xã.

    27/07/2018
    .
  • Phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ thành lập thêm 10-12 hợp tác xã

    (QBĐT) - Sáng 26-7, Ban Thường vụ Liên minh HTX tỉnh tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Liên minh HTX lần thứ III, nhiệm kỳ 2017-2022.

    27/07/2018
    .
  • Đẩy mạnh chương trình tín dụng cho vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở

    (QBĐT) - Sáng 26-7, NHCSXH tại TP. Đồng Hới tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm với các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn.

    27/07/2018
    .