.

Thu nhập cao từ trồng mướp đắng

.
08:29, Thứ Năm, 17/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa đã tận dụng diện tích đất trong vườn và mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa hai vụ, không bảo đảm nguồn nước tưới, năng suất thấp sang trồng mướp đắng cho thu nhập cao.
 
Anh Đinh Văn Giáo, tiểu khu 2 ,thị trấn Quy Đạt là một trong những hộ gia đình trồng mướp đắng nhiều năm nay cho biết, năm 2018, gia đình anh sử dụng trên 400 m2 đất lúa hai vụ để trồng mướp đắng. Gần hai tháng nay, trung bình mỗi ngày, gia đình anh thu hoạch gần 30-50 kg mướp đắng. Với giá bán đầu vụ từ 20-25 nghìn đồng/kg và giữa mùa vụ từ 7-10 nghìn/kg; sau khi trừ chi phí, thu nhập mang lại khoảng 15 -17 triệu đồng, cao hơn so với trồng lúa và các loại hoa màu khác.

Sản phẩm mướp đắng của người dân TT.Quy Đạt chủ yếu vẫn là bán nhỏ lẻ ngoài thị trường, nhu cầu và giá cả không ổn định.
Sản phẩm mướp đắng của người dân TT.Quy Đạt chủ yếu vẫn là bán nhỏ lẻ ngoài thị trường, nhu cầu và giá cả không ổn định.

Anh Giáo cho biết thêm, để trồng mướp đắng có hiệu quả, gia đình anh đã tập trung cải tạo đất, sử dụng phân chuồng để tạo chất dinh dưỡng cho đất, đầu tư dây thép, dây cước và cọc rào để làm giàn. Cuối tháng 12 âm lịch, anh bắt đầu gieo hạt giống. Để cây ít bị sâu bệnh, gia đình bón phân vào thời điểm khi cây bắt đầu bám giàn, thường xuyên tưới đầy đủ nước trong ngày nắng nóng, nhất là giai đoạn ra hoa. Nhờ đó, vườn mướp đắng nhà anh Giáo cho quả rất nhiều, thu hoạch luân phiên.

Ngoài hộ anh Giáo, nhiều gia đình trên địa bàn thị trấn Quy Đạt cũng đã trồng mướp đắng và đang cho thu nhập cao. Tuy nhiên, việc trồng cây mướp đắng của các hộ dân chủ yếu vẫn mang tính tự phát, chưa có chính sách hỗ trợ về vốn, kiến thức, nguồn giống, nên năng suất và chất lượng cây trồng chưa thực sự bền vững. Hơn nữa, hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm của người dân chủ yếu vẫn là bán nhỏ lẻ ngoài thị trường, nhu cầu và giá cả không ổn định. Đây chính là nguyên nhân gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích trồng mướp đắng của các hộ dân trên địa bàn huyện Minh Hóa.

Thiết nghĩ, huyện Minh Hóa cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân thành lập tổ hợp tác nhằm giúp nhau trong sản xuất, xây dựng thương hiệu về sản phẩm và tìm đầu ra ổn định, từ đó giúp người dân sản xuất bền vững và hiệu quả cao.

Quỳnh Thư
(Đài TT-TH Minh Hóa)

 



 

,