.

Những "cú hích" giảm nghèo từ Nghị quyết 30a - Bài 1: Nguồn lực từ Nghị quyết 30a

.
08:32, Chủ Nhật, 06/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 27-12-2008, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh trong cả nước. Tại Quảng Bình, huyện miền núi Minh Hóa là địa phương duy nhất hưởng lợi từ Nghị quyết 30a. Sau gần 10 năm triển khai, diện mạo của huyện nghèo nhất tỉnh này đã thay đổi rõ nét. Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Bùi Anh Tuấn đánh giá: “Nghị quyết 30a tạo ra những “cú hích” ngoạn mục trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo, giúp huyện Minh Hóa phấn đấu giảmtỷ lệ hộ nghèo gần ngang mặt bằng chung của tỉnh”.

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, Nghị quyết 30a được ví như luồng gió mới thổi vào mọi ngõ ngách đời sống chính trị, kinh tế, xã hội huyện Minh Hóa. Giai đoạn 2009-2017, những hiệu quả to lớn mà Nghị quyết đem lại cho huyện nghèo Minh Hóa là không thể cân, đo, đong, đếm được hết.

Nghị quyết 30a như luồng gió mới làm thay đổi bộ mặt bản làng ở huyện Minh Hóa.
Nghị quyết 30a như luồng gió mới làm thay đổi bộ mặt bản làng ở huyện Minh Hóa.

Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Bùi Anh Tuấn nhớ lại: “Sau khi tiếp thu tinh thần Nghị quyết 30a, ngày 18-5-2009, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TV về chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 30a. Nghị quyết 30a chính thức khởi động tại Minh Hóa.

Sau đó, UBND huyện xúc tiến thành lập các ban chỉ đạo công tác giảm nghèo và thực hiện Nghị quyết 30a từ huyện đến xã, thị trấn, huy động tổng lực sức mạnh toàn hệ thống chính trị, toàn dân vào cuộc”.

Năm 2009, đối với các chủ trương, chính sách thuộc Nghị quyết 30, người dân Minh Hóa, ngay cả đội ngũ cán bộ cơ sở xã, thị trấn, thôn, bản…, vẫn chưa mấy ai hiểu hết ngọn ngành. Một “chiến dịch” tuyên truyền sâu rộng nhanh chóng triển khai để học tập, quán triệt về Nghị quyết 30a, về đề án phát triển kinh tế- xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020 diễn ra trong toàn Đảng, toàn dân trên địa bàn. Các nội dung, định mức hỗ trợ 30a của Chính phủ và nội dung cơ bản từ đề án được phổ biến đến tận khu dân cư, thôn, bản.

Trong năm 2009, trên 6.000 bộ tài liệu tuyên truyền về Nghị quyết 30a và các văn bản liên quan được phát tận tay những đối tượng hưởng lợi. Ông Đinh Minh Giảng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Minh Hóa nhận định: “Hiệu quả thiết thực từ Nghị quyết 30a mang lại cho người dân Minh Hóa như ngày hôm nay một phần nhờ vào công tác tuyên truyền”.

Mục tiêu Nghị quyết 30a được cụ thể hóa tại huyện Minh Hóa là tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đến năm 2020 mức sống ngang bằng các huyện khác trong tỉnh; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt những thế mạnh địa phương; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội phù hợp với đặc điểm của huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng.

Đến năm 2010, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40% (theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg); cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm; cơ bản hoàn thành việc giao đất, giao rừng; trợ cấp lương thực cho người dân ở những nơi không có điều kiện tổ chức sản xuất, khu vực giáp biên giới; tạo sự chuyển biến bước đầu trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn; tăng cường nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật, tạo bước đột phá trong đào tạo nhân lực; triển khai một bước chương trình xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện đạt trên 25%.

Đến năm 2015, Minh Hóa giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của tỉnh; tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư, từng bước phát huy lợi thế về địa lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bước đầu phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô nhỏ và vừa, người dân tiếp cận các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi. Lao động nông nghiệp còn dưới 60% lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện đạt trên 40%.

Đến năm 2020, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình khu vực; giải quyết cơ bản vấn đề sản xuất, việc làm, thu nhập để nâng cao đời sống nhân dân lên gấp 5, 6 lần. Lao động nông nghiệp còn khoảng 50% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn chiếm trên 50%; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%.

Huyện nỗ lực phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn, trước hết là hệ thống thuỷ lợi bảo đảm tưới tiêu chủ động cho toàn bộ diện tích đất lúa 2 vụ, mở rộng diện tích tưới cho rau màu, cây công nghiệp;  bảo đảm giao thông thông suốt đến trung tâm xã và cơ bản có đường ô tô tới các thôn, bản; cung cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư; bảo đảm cơ bản điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hoá, tinh thần cho nhân dân.

Trên cơ sở các mục tiêu đề ra thuộc Nghị quyết 30a, huyện Minh Hóa tập trung mọi nguồn lực cho 4 lĩnh vực cơ bản: hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân; hỗ trợ giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; thực hiện chính sách cán bộ và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh...

Trong hơn 8 năm từ năm 2009 đến nay, ngân sách Trung ương đã “rót” cho huyện Minh Hóa thực hiện Nghị quyết 30a trên 364.659 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 244.057 triệu đồng; vốn sự nghiệp 106.636 triệu đồng và vốn duy tu, bảo dưỡng công trình 13.966 triệu đồng. Chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty hàng không Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (cụ thể là Chi nhánh BIDV Quảng Bình) đảm nhận chức năng “đỡ đầu” cho huyện Minh Hóa trên hành trình xóa đói giảm nghèo bền vững.

Nhờ tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt theo Nghị quyết 30a, đồng bào dân tộc các xã biên giới Minh Hóa biết cải tạo vườn tạp, trồng rau xanh.
Nhờ tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt theo Nghị quyết 30a, đồng bào dân tộc các xã biên giới Minh Hóa biết cải tạo vườn tạp, trồng rau xanh.

Giống như những người dân Minh Hóa khác, ông Đinh Vũ Thường, sinh sống tại thị trấn Quy Đạt, từng là cộng tác viên tích cực của Báo Quảng Bình, có nhiều tin, bài phản ánh về quá trình khởi động, triển khai Nghị quyết 30 ở Minh Hóa, cảm nhận về hiệu quả thiết thực mà Nghị quyết 30a đem lại cho quê hương mình: “Nếu so sánh trước và sau khi có Nghị quyết 30a, huyện Minh Hóa thay đổi một cách căn bản, rõ nét.

Nghị quyết 30a thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân và ngay chính bản thân người nghèo. Các chỉ tiêu, như: xóa nhà tạm cho hộ nghèo; hỗ trợ lương thực đối với đồng bào dân tộc; hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề; xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh... bảo đảm kế hoạch đề ra góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền”.

“Mặc dù trong quá trình triển khai Nghị quyết 30a tại huyện Minh Hóa vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức cũng như hạn chế, sai sót, nhưng nhìn tổng thể, các nguồn lực từ Nghị quyết 30a đã giúp huyện nhà nhiều cơ hội phát triển kinh tế- xã hội. Trong thời gian tới, Minh Hóa sẽ tiếp tục tận dụng các nguồn vốn Nghị quyết 30a, khắc phục thiếu sót để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững”- Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Bùi Anh Tuấn chia sẻ.

Thanh Long-Xuân Vương

Bài 2: “Bệ phóng” giúp dân giảm nghèo

 


 

,