.
Xã Phù Hóa:

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

.
20:12, Thứ Bảy, 24/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện chương trình hành động của Huyện ủy Quảng Trạch về "Dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi", xã Phù Hóa đã có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để từng bước giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.

Phù Hóa là xã bãi ngang, có hơn 180 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa chiếm gần 100 ha. Mặc dù, lúa là cây trồng chủ lực, nhưng chỉ trông cậy vào cây lúa người nông dân thật khó làm giàu, thậm chí không có lãi, nhất là đối với địa phương hàng năm thuộc vùng rốn lũ như xã Phù Hóa. Đảng ủy, chính quyền xã Phù Hóa đã tìm hiểu cụ thể về thực trạng sản xuất và nguyện vọng của nhân dân, từ đó, vận động bà con thực hiện chuyển đổi sao cho phù hợp với điều kiện địa phương.

Chính quyền xã đã tập trung thực hiện chuyển đổi 5 nghìn m2 đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu làm điểm tại thôn Trường Xuân cho 5 hộ dân xã hỗ trợ 25 triệu đồng để bà con đầu tư phân bón, mua giống, làm giàn lưới, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật trồng rau an toàn. Nhờ được tiếp cận kỹ thuật hiện đại từ các khâu làm đất, chọn giống, đánh luống, xử lý cỏ dại, người nông dân Phù Hóa đã gieo trồng đúng quy trình với các loại rau màu phong phú, như: ngò, rau cần, cải, hành, xà lách, dưa chuột...

Nông dân xã Phù Hóa (Quảng Trạch) chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu.
Nông dân xã Phù Hóa (Quảng Trạch) chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu.

Đặc biệt, với phương pháp đóng cọc tre và làm giàn lưới che khá công phu, cây rau màu sẽ thích nghi được cả mùa hè và mùa đông. Hiện tại, mô hình rau sạch đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa tốt đẹp. Theo tính toán của người dân, cứ 500m2 đất trồng rau, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 15 triệu đồng, cao hơn gấp ba lần so với trồng lúa.

Thời gian tới, xã Phù Hóa sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan để kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm rau. Đồng thời, xã sẽ nhân rộng mô hình, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, cung cấp cho thị trường nguồn rau sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

Ngoài mô hình trồng rau an toàn được thí điểm tập trung, chính quyền xã Phù Hóa cũng tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân tận dụng diện tích đất vườn nhà rộng. Nhiều hộ nông dân ở xã Phù Hóa đã cải tạo vườn trồng cây ngắn ngày, như: ngô, sắn, chuyển sang trồng rau màu.

Những năm trở lại đây, trên diện tích 400m2 đất vườn chuyên trồng ngô, bà Trần Thị Tri ở thôn Trường Sơn đã chuyển sang trồng đa dạng các loại cây rau màu cho thu hoạch quanh năm, cung cấp đủ các loại thực phẩm sạch cho bà con trong vùng. Với cách trồng xen lẫn giữa dưa chuột và mướp đắng, bà Tri đã tận dụng diện tích đất, tiết kiệm được việc làm sàn mà lại cho hiệu quả cao. Vụ mùa năm trước, mô hình kinh tế vườn nhà của bà Tri đã cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.

Bà Tri cho biết, với điều kiện đất sản xuất ít và cằn cỗi ở địa phương, việc chuyển sang trồng rau màu mang lại thu nhập đều đặn và cao hơn nhiều lần so với trồng cây ngắn ngày hay trồng lúa. Đây là mô hình sản xuất rất phù hợp với những hộ gia đình khan hiếm sức lao động như gia đình bà. Từ khi chuyển đổi sang trồng xen canh các loại rau màu, gia đình bà Tri đã thoát khỏi diện hộ nghèo trong vùng.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền xã Phù Hóa sẽ tiếp tục vận động bà con cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả và nuôi các loại con giống thích nghi với địa bàn vùng, lũ: như thí điểm mô hình nuôi cá chình trên sông lót bạt, chuyển đổi các mô hình nuôi tôm sú thẻ chân trắng kém hiệu quả sang nuôi cá dìa và cá đối mục. Đặc biệt, xã sẽ nhân rộng mô hình trồng rau an toàn, cung cấp cho thị trường nguồn rau sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

Với các chủ trương, biện pháp phù hợp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi  sẽ là nền tảng vững chắc để xã Phù Hóa nâng cao hiệu quả xóa đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương ngày càng phát triển, từng bước hoàn thiện dần các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Xuân Phú-N.H




 

,