.

Sức lan tỏa của một cuộc vận động

.
14:29, Thứ Năm, 08/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả. Sức lan tỏa của cuộc vận động đã tạo được một hiệu ứng đáng kể, góp phần làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong tỉnh. Những kết quả đó có một phần đóng góp không hề nhỏ của các cấp Mặt trận tỉnh ta.

Để tìm hiểu về thị trường tiêu dùng trên địa tỉnh, chúng tôi đã làm một vòng khảo sát tại một số chợ, cửa hàng, trung tâm mua sắm. Điều dễ nhận thấy là các mặt hàng, sản phẩm “Made in Viet Nam” đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường, trở thành ưu tiên hàng đầu của khách hàng.

Các mặt hàng Việt Nam có chất lượng cao như lương thực, thực phẩm chế biến, trái cây, quần áo... đang dần thay thế hàng ngoại cùng loại. Đây là một dấu hiệu đáng mừng chứng tỏ tâm lý người tiêu dùng đang dần thay đổi. Nếu trước đây họ sính hàng ngoại, thì bây giờ ưu tiên hàng đầu của họ vẫn là các sản phẩm trong nước có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm.

Tỷ lệ người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng hóa sản xuất trong nước đang ngày một gia tăng.
Tỷ lệ người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng hóa sản xuất trong nước đang ngày một gia tăng.

“Tôi thấy hàng Việt Nam ngày càng có chất lượng, thu hút người tiêu dùng. Trước đây mỗi lần mua sắm, nhất là áo quần, giày dép, tôi không mấy quan tâm đến xuất xứ, miễn đẹp, phù hợp với túi tiền là được. Nhưng bây giờ thì khác, vấn đề lưu tâm đầu tiên của tôi chính là nguồn gốc của sản phẩm. Thường thì tôi ưu tiên chọn các sản phẩm trong nước”,  chị Tống Thị Nga, một người tiêu dùng ở Hải Đình (TP. Đồng Hới) chia sẻ.

Có thể thấy, thành công của cuộc vận động trước hết được thể hiện ở việc người dân đã có sự thay đổi nhận thức về hàng hóa mà họ sử dụng hàng ngày, ưu tiên lựa chọn sử dụng các sản phẩm do các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì các mặt hàng ngoại nhập, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như trước đây.

Có được kết quả đó là nhờ công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới. Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các ban, ngành, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động và lồng ghép nội dung tuyên truyền gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận và các ngành, các cấp.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền nội dung cuộc vận động trong các chương trình tập huấn công tác Mặt trận, hội nghị tuyên truyền tập huấn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, qua trang thông tin điện tử của Ủy ban MTTQVN tỉnh.

Theo ông Trương Văn Hởi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, thông qua các hoạt động tuyên truyền, sự hiểu biết của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về hàng Việt, về cung ứng, sản xuất hàng Việt tiếp tục có chuyển biến. Sự quan tâm của người dân trong lựa chọn mua sắm hàng Việt được ưu tiên hơn, ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa ngày càng tốt hơn.

Cuộc vận động cũng đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường trong tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đồng thời làm thay đổi tư duy, nhận thức của các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ trong tỉnh. Qua đó, nhiều doanh nghiệp đã ý thức về việc phải đổi mới công nghệ, mở rộng về quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, ổn định giá bán sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; đồng thời có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Để nâng cao chất lượng cuộc vận động, theo ông Trương Văn Hởi, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức và ý thức Mặt trận các cấp cho cán bộ, hội viên, đoàn viên, các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ sản xuất và người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam, làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu và coi việc dùng hàng Việt là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với đất nước và dân tộc; chủ động nắm tình hình và kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hoá của các doanh nghiệp để kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hoá; kiên quyết tẩy chay đối với hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Có như vậy, cuộc vận động mới nhanh chóng được đi vào thực tiễn đời sống người dân.

Đ.V
 
 

,